Để đạt nhiều thành tích: "Chiến sĩ thi đua", "Trái tim người thầy", "Giải thưởng Vì tuổi thơ", "Huy hiệu TPHCM", "Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục"... như hôm nay, cô Phạm Thị Hồng đã gắn bó và yêu nghề giáo viên mầm non của mình ngay từ ngày đầu tiên.
|
Cô Phạm Thị Hồng cùng các cháu mẫu giáo trong giờ học. |
"Con đường mình đã chọn"
Gia đình nghèo, là chị của một đàn em nên cô Hồng phải làm đủ việc để lo cho các em đi học. Bươn chải nhiều ngoài xã hội, cô đã chứng kiến rất nhiều mảnh đời bất hạnh nên luôn ấp ủ được trở thành cô giáo của những trẻ mồ côi ấy.
Năm 1983, trong một lần tham gia công tác từ thiện ở quận Gò Vấp, một người bạn đã gợi ý, nếu thích làm cô nuôi dạy trẻ thì đến đăng ký ở Phòng Giáo dục quận Tân Bình. Sau thời gian học, cô Hồng được phân công về Nhà trẻ quận Tân Bình, chính thức bước vào ngành mầm non đúng như ước nguyện. Cô đã đem vào nghề tất cả lòng yêu thương dành cho các em nhỏ.
Những ngày ấy tuy công việc rất cực, đi làm phải cơm đùm cơm gói đem theo, đến tối phải ở lại trực đêm vì trường không có bảo vệ nhưng cô luôn tìm thấy niềm vui từ những học trò nhỏ của mình. Hỏi cô vì sao lại có động lực gắn bó với nghề suốt một thời gian dài như vậy, trong khi hiện tại rất nhiều giáo viên mầm non phải bỏ nghề, chuyển nghề liên tục. Cô giáo cười hiền lành chia sẻ: "Đó là con đường mình đã chọn và sẽ đi tới cùng. Phải yêu nghề mới bám trụ được và phải yêu trẻ mới đứng lớp được, quan trọng nhất là đến với nghề bằng tất cả tình yêu".
Người đưa đò thầm lặng
Ngay cả thời gian đầu đi dạy và từ năm 2001 khi chuyển về Trường Mầm non Nhiêu Lộc - quận Tân Phú, cô Hồng luôn tình nguyện xin phụ trách nhóm trẻ nhỏ nhất trường (12 - 24 tháng). Dạy học đã là một công việc phức tạp, dạy cho nhóm nhỏ thậm chí có trẻ còn chưa biết đi, chưa biết nói lại càng vất vả hơn. Các giáo viên mầm non không làm công tác chủ nhiệm nhưng là những "chiến sĩ giáo dục" trẻ trong mọi việc, từ miếng ăn giấc ngủ, vệ sinh, học hành, vui chơi đến đảm bảo an toàn cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Các cô vừa là mẹ, là bác sĩ, còn là diễn viên, là bạn thân của trẻ.
Cô Hồng nói vui: "Cô Vân Anh hiệu trưởng cũ hay gọi tôi bằng cái tên thân thương "người đưa đò thầm lặng" vì nhóm tuổi này trẻ còn quá nhỏ để nhớ về cô giáo của mình. Khi các bé nói rõ, ăn ngon, chạy giỏi thì là lúc tôi chia tay bé để bé tiếp tục lớn lên ở môi trường khác".
Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Để trẻ cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, cô Hồng đã liên tục sáng tạo đồ dùng dạy học hấp dẫn các bé. Cô làm những chiếc hộp giấy đủ màu sắc, khoét lỗ trên hộp để trẻ tập bỏ banh, đồ chơi vào rèn luyện cơ tay. Khi vừa chơi trẻ vừa nói tên món đồ để rèn phát âm. Nhưng cực nhất ở giáo viên mầm non vẫn là công tác giao tiếp với phụ huynh.
Cô tâm tình: "Nghề này giống như làm dâu trăm họ, không phải một mà rất nhiều "mẹ chồng". Có phụ huynh thông cảm, có phụ huynh lại rất gay gắt nếu các bé chơi với nhau để lại vết trầy xước hay khi không hài lòng về một điều gì. Do đó chúng tôi phải liên tục kết nối với phụ huynh để luôn có sự đồng cảm giữa phụ huynh và giáo viên".
Kỷ niệm cô Hồng nhớ nhất là một lần có bé buổi sáng vào lớp còn cười rất tươi nhưng về trưa bị sốt và có triệu chứng co giật. Cô cởi hết quần áo để lau mát cho bé bằng nước ấm, nhét thuốc hạ sốt vào hậu môn và đưa bàn tay vào miệng bé vì sợ bé cắn lưỡi. Sau đó nhà trường đưa bé đi cấp cứu. Phụ huynh khi đến bệnh viện đã mắng cô Hồng: "Chị chăm sóc kiểu gì mà con tôi sốt cao lại cởi hết quần áo, cháu cảm lạnh cô tính sao, sao cô vô trách nhiệm thế!". Cô chỉ biết im lặng mà mắt rưng rưng. Đến chiều cô quay lại thăm bé thì phụ huynh lại đón tiếp niềm nở và luôn miệng xin lỗi cô. Sau này, vị phụ huynh ấy còn quay về trường gửi cho cô thiệp mời đám cưới của cháu bé bị ốm ngày đó. Những niềm vui bé nhỏ ấy đã tiếp thêm cho cô động lực, nhiệt huyết và tình yêu dành cho nghề.
Năm sau cô Hồng sẽ về hưu nhưng uy tín và tấm gương về một giáo viên mầm non tận tụy hết lòng vì học trò vẫn luôn được đồng nghiệp và phụ huynh đánh giá cao. Chính con gái cô đã lựa chọn và tiếp nối công việc giáo viên mầm non của mẹ.
Theo SGGP