Thức thâu đêm suốt sáng làm dụng cụ học tập, ê a xướng âm, nặn đất sét toát mồ hôi, thực tập ở trường mầm non với 50-60 trẻ... với lời cảnh báo "lương bèo bọt lắm em ạ" là những gì sinh viên sư phạm mầm non đang phải đối mặt.
Thời khóa biểu "khủng"
Các sinh viên sư phạm mầm non cho biết các bạn đang phải đối diện với một thời khóa biểu toàn những bộ môn "khủng". Hai năm đầu là những môn đại cương như mọi trường khác. Những năm còn lại, sinh viên sư phạm mầm non kêu trời với 7 bộ môn chuyên ngành giáo dục phương pháp.
Ngọc Anh- sinh viên năm 3 khoa Sư phạm mầm non của Đại học Sư phạm Hà Nội liệt kê đúng 7 bộ môn dài dằng dặc: Phương pháp tạo hình, âm nhạc, phát triển ngôn ngữ, phương pháp rèn luyện thể chất, phương pháp giúp trẻ nhận biết môi trường xung quanh, phương pháp giúp trẻ tiếp xúc với tác phẩm văn học, phương pháp giúp trẻ hình thành biểu tượng toán.
Học tâm lý trẻ mầm non để có cách uốn nắn dạy dỗ các cháu, học nghiệp vụ sư phạm để trở thành cô giáo, các sinh viên phải học cả cách kẻ giáo án. Một sinh viên cho biết, mỗi tiết giảng dạy cho các cháu, các sinh viên phải có kĩ năng lồng ghép các phương pháp để dạy kĩ năng sống. Một bài hát, một bài thơ, một câu chuyện, đòi hỏi giáo viên sư phạm mầm non trong tương lai phải dạy cho các cháu được các bài học đạo đức!
Ê a những môn học... mẫu giáo
Minh Hương, sinh viên năm 3 khoa Sư phạm mầm non của Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết nếu như sinh viên sư phạm Toán, Văn, Anh... chỉ tập trung cho các môn chuyên ngành của mình thì sư phạm mầm non phải học tất cả như một đứa bé lớp mẫu giáo. Từ hát nhạc, phối màu, trang trí đường diềm tới nặn đất sét... Mà khổ nhất là những môn như hát nhạc, mĩ thuật trước đây được học rất sơ sài ở cấp dưới, bây giờ lên đây phải học lại từ đầu.
Minh Hương cho biết, có những giờ học nhạc lý, cả lớp căng thẳng vì cô giáo quá mệt mỏi khi nhiều sinh viên không thể kẻ đúng khuông nhạc, xướng đúng âm. "Học trước đó từ lâu rồi, bây giờ tiếp xúc với các khái niệm cung, quãng phần nhạc lý, bọn mình thật sự rất lúng túng, lại còn phải học Organ nữa, trong khi đây là một bộ môn năng khiếu, có phải ai muốn học cũng được đâu!"
Thanh Tâm, sinh viên năm cuối ngành sư phạm mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết, bạn không còn xa lạ với những hôm thức trắng đêm làm đồ dùng học tập. Tâm cho biết sẽ có phần chấm điểm của giảng viên cho việc làm đồ dùng học tập nên trước mỗi buổi học trên giảng đường, tối lại, ai cũng tất bật kẻ kẻ vẽ vẽ. Dạy một bài thơ thì có làm đến mười thứ phụ kiện đi cùng. Nào cái cây, con chim, ông mặt trời... "Có hôm còn chẳng thiết ăn uống gì vì áp lực làm đồ dùng học tập kinh khủng quá!"- Tâm nói.
Vậy là bước vào trường với bao ước mơ và hi vọng được trở thành cô nuôi dạy trẻ, công việc nhàn hạ, "dễ lấy chồng" như ước vọng của nhiều bậc phụ huynh, nhiều sinh viên sư phạm mầm non đến năm 3, năm 4, bắt đầu thấy "nản" với nghề. Các đợt kiến tập, thực tập đến gần, bài vở dồn dập, áp lực đứng lớp, tiền túi bỏ ra không kiểm soát để lo mua màu, giấy, làm đồ chơi, sinh viên các năm cuối thêm những lo sợ từ cảnh báo của các cô dạy trẻ: "Lương bèo bọt lắm, phải cố em ạ!".
Trước những nhọc nhằn của ngành học, nhiều sinh viên sư phạm mầm non đã tìm đến một lớp kế toán hay nghiệp vụ du lịch cho một nghề nghiệp khác khi ra trường.
Theo Lao Động