Ngoài áp lực của công việc, không phải giáo viên nào cũng may mắn nhận được sự thông cảm từ gia đình. Không có thời gian cho cuộc sống riêng, đời sống thiếu thốn là lý do nhiều người phải lựa chọn công việc hay gia đình.
"Tôi thèm được đón con đi học"
Hơn 25 năm dạy mầm non, trực tiếp chăm sóc hàng chục thế hệ học trò nên khi nghe cô Ái Thanh (GV Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3, TPHCM) nói khát khao được đưa đón con tới trường nhiều người phải chảy nước mắt.
Chăm sóc rất nhiều học trò nhưng cô Ái Thanh lại không thể đưa đón con mình đến trường.
Như các đồng nghiệp, chị Thanh bắt đầu công việc ở trường từ 6 giờ 30 và kết thúc sớm nhất cũng phải gần 18 giờ nên việc đưa đón con là điều quá xa xỉ. Những lúc đón trẻ từ phụ huynh, thấy các bé quấn quýt tạm biệt bố mẹ, chị không khỏi mủi lòng. Điều rất bình dị của những người mẹ nhưng với chị không dễ thực hiện mà phải "khoán" cho người giúp việc.
"Bây giờ ai hỏi tôi thèm gì nhất, tôi trả lời ngay tôi thèm được đón con đi học", chị Thanh nói.
Chăm sóc rất nhiều học trò nhưng cô Ái Thanh lại không thể đưa đón con mình đến trường.
Buổi tối ở nhà, chị cũng chẳng thể dành sự quan tâm, chăm sóc trọn vọn cho gia đình bởi cả ngày loay hoay với hàng chục trẻ, chị "đuối" đến mức nhiều hôm nói không ra hơi, nằm xoải người ngủ lịm đi. Hơn nữa, công việc không phải lúc nào cũng được giải quyết ở trường, hầu hết GV vẫn phải đưa việc về nhà.
Có lần ông xã chị công tác xa, con ở nhà bệnh, người giúp việc cũng chỉ dám gọi cho chồng chị Thanh để rồi anh hỏi "Bà xã tôi đâu?". Nhiều lần con bệnh nhưng công việc ở trường lớp không phải lúc nào chị cũng có thể về với con được ngay.
Lương chị chỉ đủ trả cho người giúp việc. Chị may mắn hơn nhiều người khi không phải lo về kinh tế gia đình. Nhiều lần ông xã kêu chị nghỉ việc ở nhà chăm con, chị thấy đề nghị cũng hợp lý nhưng lại từ chối khi mà tình yêu trẻ trong lòng còn rất lớn.
Chị Ái Thanh chia sẻ thêm gần đây báo chí đề cập nhiều về đời sống khó khăn của GV, đặc biệt là GV mầm non, chị đều in ra về cho mọi người trong gia đình đọc để thông cảm hơn cho công việc của mình. Thế nhưng theo chị những khó khăn đó chỉ mới là "bề nổi", còn rất nhiều "phần chìm" do tác động từ nghề mà GV rất ngại đề cập.
Cô L là một GV tâm huyết với nghề nhưng cuối cùng đã phải nghỉ dạy trong nước mắt. Cô L bị hiếm muộn nhưng công việc dạy trẻ cứ cuốn cô đi cho đến gần 10 năm trời, không có thời gian để chữa trị. Đến khi hạnh phúc gia đình đứng bên bờ vực tan vỡ, cô L buộc phải lựa chọn giữa gia đình và công việc.
Ngày chia tay với đồng nghiệp và học trò, cô L nghẹn ngào không nói nổi một lời. Cô phải từ bỏ đam mê của mình để thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ... Cô hiệu trưởng dặn dò nếu sau này cô L muốn đi dạy lại, trường sẽ nhận ngay. Nói vậy nhưng mọi người đều biết thật khó để có ngày đó khi mà không ít GV khác cũng phải bỏ nghề vì thiếu sự cảm thông từ gia đình.
Nước mắt người thầy
Trọng trách "giỏi việc nước, đảm việc nhà" với phụ nữ đã khó thì với chị em làm nghề giáo càng khó hơn. Một GV lâu năm trong nghề chia sẻ, phía sau nụ cười của nhiều thầy cô là nước mắt. Không có thời gian, điều kiện vun vén cho hạnh phúc riêng cũng là lý do nhiều mái ấm gia đình người thầy tan vỡ hoặc họ phải chấp nhận cuộc sống căng thẳng.
Không chỉ nữ GV mà nam GV cũng gánh nhiều áp lực. Nghề sư phạm với người được xem trụ cột trong gia đình rất chông chênh. Áp lực về kinh tế đổ lên đầu, nhiều thầy phải làm thêm hoặc nghỉ dạy tìm việc khác có thu nhập hơn. Nhiều thầy có vợ kiếm ra tiền, may mắn không phải lo kinh tế cũng không có nghĩa là có thể dành tâm huyết cho nghề nếu không được vợ hiểu và thông cảm. "Công việc không còn "sang", chỉ kiếm được vài đồng lẻ mà không có thời gian cho gia đình, con cái... thì cuộc sống gia đình đúng là không dễ bình yên.
Thầy Ng, một GV cấp 2 đã nghỉ việc, cho biết nếu chỉ áp lực công việc thầy cô đã xác định theo nghề đều cố gắng để vượt qua. Nhưng thực tế nhiều thầy cô gặp rất nhiều áp lực "chìm" mà ít người thấy. Bản thân thầy Ng, khi gia đình vượt qua được cuộc sống vất vả nhờ bàn tay vợ thì thầy gánh dần việc nhà cửa, con cái... vì không làm ra tiền. Thầy cố gắng đến trường chừng nào thì việc nhà rối rắm đến đó. Cuối cùng, thầy Ng đành nghỉ việc.
Trong một buổi tập huấn tư vấn học đường cho GV tại TPHCM, TS Giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TPHCM), chia sẻ hiện nay GV bị quá tải, điều kiện sống khó khăn, cuộc sống đối mặt với rất nhiều áp lực từ công việc, gia đình nên hầu hết thầy cô bị mệt mỏi, căng thẳng.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân thầy cô dễ gặp sai sót hay có những hành động, thái độ kỳ quặc trong việc dạy học. Bà Hồng nhấn mạnh không riêng gì học sinh mà GV cũng rất cần được tư vấn tâm lý, được giải tỏa kịp thời những căng thẳng của mình.
Theo Dân Trí
Giáo viên mầm non dần "rơi rụng" - nghĩ gì?
Từ đầu năm 2011 đến nay, TP.HCM có 422 cán bộ, giáo viên bậc giáo dục mầm non xin nghỉ việc. Chưa kể số người xin nghỉ thì thành phố còn thiếu 223 giáo viên mầm non và 557 giáo viên tiểu học.
Không riêng gì TP.HCM, nhiều địa phương khác cũng thiếu giáo viên mầm non trầm trọng, hàng trăm người xin nghỉ việc, lý do chủ yếu là thu nhập quá thấp.
Nói đến thu nhập của giáo viên mầm non, quả thực ít ai có thể tin được. Với mức lương trên 1 triệu đồng/tháng mà người ta có thể sống được trong thời buổi hiện nay là quá vô lý. Điều vô lý đó đang tồn tại trong xã hội chúng ta, ai cũng biết nhưng không ai giải quyết để nó được hợp lý.
Chính vì đồng lương "chết đói" đang tồn tại nên con người ta phải xoay xở để khỏi chết đói, dẫn đến những tiêu cực xảy ra ở các trường mầm non. Đây đó từng phát hiện nhà trường bớt xén suất ăn của trẻ em, chuyện thật đau lòng.
Chưa hết, có tình trạng phụ huynh gặp riêng cô giáo, gửi gắm con mình kèm theo chiếc phong bì vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Ai cũng mong con mình được chăm sóc đặc biệt nên phải "hối lộ" cho cô giáo. Người này làm người khác học theo, cho nên hình thành một tệ nạn phong bì ở các trường mầm non. Điều đáng sợ là từ giáo viên đến phụ huynh xem chuyện vô lý này là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, nhận cái phong bì vài trăm nghìn đồng đó khó nuốt lắm. Phụ huynh theo dõi cô giáo rất gắt gao, chỉ cần sơ sẩy là bị mắng chửi, thậm chí có trường hợp phụ huynh đòi hành hung cô giáo. Nhiều người thiếu kiến thức về tâm lý trẻ em, thấy con mình tự bưng chén bát đi cất thì cho là cô giáo bắt con mình làm việc. Cô giáo giải thích đó là cách để giáo dục cho trẻ tính tự lập từ nhỏ thì gia đình lại mắng là cô bao biện để chối bỏ trách nhiệm. Nhiều người không chịu nổi áp lực nên xin nghỉ việc, chưa kể vì lý do tiền bạc.
Ở địa bàn thành phố, đời sống khá hơn nên phụ huynh có tiền để "hối lộ", còn những vùng nông thôn, miền núi, nơi phụ huynh nghèo khó, cô giáo chỉ sống bằng đồng lương vài trăm nghìn. Nhiều người rất yêu trẻ nhưng phải bỏ nghề. Nhưng dù sao, cách chọn lựa bỏ nghề tìm kế sinh nhai khác vẫn hơn là theo nghề nhưng phải nhẫn nhục cầm phong bì "giao việc" của phụ huynh.
Ngành giáo dục đưa ra quá nhiều khẩu hiệu, chương trình, đề án cải cách nhưng cứ nhìn vào giáo viên mầm non thì biết được thực chất của nền giáo dục nước nhà. Trẻ mầm non là lứa tuổi cần phải chăm sóc, dạy dỗ chu đáo. Đến một quốc gia, hãy nhìn vào trẻ em thì biết quốc gia đó thịnh vượng hay nghèo nàn, văn minh hay lạc hậu. Nhưng trẻ em được chăm sóc tốt sao được khi đội ngũ giáo viên sống mòn với đồng lương "chết đói"?
Theo Dân Việt