"Aaa", "rầm"... con liên tục kêu thét và ngã huỳnh huỵch khiến bạn vừa xót lại vừa bực. Nhắc con cẩn thận nhưng chỉ ít phút sau bạn đã lại nghe thấy 'rầm'. Con bạn có vấn đề gì chăng?
Đôi khi con trẻ cư xử rất khó hiểu, khiến người lớn không khỏi bực bội. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi "Vì sao con lại làm như vậy?"
Dưới đây là những sự thật sau một số hành vi của con trẻ và lời khuyên dành cho cha mẹ.
1. Hành vi: Khi nhà có khách, chỗ đông người... trẻ thường hay tự ngã, tự làm mình đau và hét lên thật to. Bị nhắc nhở hay bị mắng, trẻ vẫn không nghe lời, vẫn ngã dúi dụi và la hét.
Sự thật: Trẻ đang muốn thu hút sự chú ý, muốn người lớn quan tâm nhiều hơn đến mình, muốn mình là ‘rốn' của vũ trụ.
Lời khuyên: Người lớn, đặc biệt là cha mẹ phải để mắt đến trẻ nhiều hơn, tránh cho trẻ tâm lý tủi thân trong những buổi tụ họp gia đình hay khi nhà có khách.
Đôi khi trẻ tự làm mình đau để gây sự chú ý của người khác. (Ảnh minh họa).
2. Hành vi: Khi bị cha mẹ to tiếng nhắc nhở, trẻ tỏ ra lì lợm... ai nói gì cũng ương ngạnh không nghe hoặc vùng vằng đi chỗ khác với thái độ rất ‘bất cần'. Sự ương bướng thách thức tính kiên trì của cha mẹ và đôi khi khiến cha mẹ ‘bó tay toàn tập', chỉ còn biết nhìn nhau thở ngao ngán.
Sự thật: Trẻ đang muốn ‘chiến tranh lạnh' để trả đũa cha mẹ, người thân... thể hiện thái độ chống đối để biểu lộ bức xúc của bản thân.
Lời khuyên: Trong trường hợp này, quát mắng càng khiến con trẻ tủi thân, kiên quyết chống đối và dễ làm rạn nứt tình cha mẹ với con cái. Hãy nhớ, biện pháp rắn là không hiệu quả nếu bạn muốn xoa dịu sự bức xúc của con. Kiên nhẫn chờ đợi, nhẹ nhàng tỉ tê, thương yêu tuyệt đối... là lời khuyên chúng tôi dành cho bạn.
3. Hành vi: Đi học về, trẻ muốn được ra ngoài chơi với bạn bè nhưng lại không được cha mẹ cho phép. Trẻ vâng lời một cách ép buộc và thường xuyên tỏ ra cáu gắt với bố mẹ.
Sự thật: Trẻ đang muốn đòi quyền được vui chơi chính đáng của mình.
Lời khuyên: Không tốt nếu cha mẹ quá bao bọc con trẻ và quá cứng nhắc. Trong tình huống này, bạn nên xem xét hoàn cảnh, nếu nhượng bộ được thì nên nhượng bộ.
4. Hành vi: Cha mẹ bận đi làm không quan tâm đến trẻ. Nhưng đến khi trẻ mắc lỗi lập tức đánh ngay.
Sự thật: Trẻ đang thấy tủi thân và cô đơn. Và trẻ có suy nghĩ là: "Cha mẹ bận thế thì việc mình phá phách hay tiến bộ thì cũng chẳng ai quan tâm".
Lời khuyên: Dẫu bận rộn thì bạn cũng nên dành ra thời gian nhất định để ‘dõi' theo sự phát triển của con, thủ thỉ và chia sẻ với con chuyện trường lớp, gia đình, xã hội... Ngoài vật chất đủ đầy, hãy cho còn sự nâng niu, trìu mến và tình yêu.
Theo Eva.vn