|
Cần cơ cấu cho trẻ bữa ăn phù hợp, đủ dưỡng chất. Ảnh: Món Ngon Việt Nam |
Từ lúc chập chững cho đến khi bắt đầu đi học, mỗi ngày trẻ cần ăn ba bữa chính và hai bữa phụ. Nói cách khác, trẻ cần được ăn từ 5 đến 7 bữa/ngày và bữa ăn nào cũng đều quan trọng như nhau đối với trẻ.
Do đó bạn cần sắp xếp cho trẻ ăn đủ 3 bữa (sáng, trưa, tối) /ngày kèm theo từ 1 đến 2 bữa ăn phụ/ngày, với những món ăn nhiều chất dinh dưỡng đồng thời bảo đảm bữa ăn đủ dưỡng chất để cung cấp đa năng lượng, vitamin, prôtêin và chất khoáng.
Bữa ăn sáng
- Sau bữa ăn tối từ ngày hôm trước, tức là từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ cho đến ngày hôm sau, lượng glucose trong máu đã giảm sút đáng kể. Đây lại là thời điểm cơ thể trẻ sử dụng nhiều glucose nhất nên việc giảm sút lượng glucose vào buổi sáng sẽ làm trẻ không còn đủ năng lượng để học tập, làm việc hoặc vui đùa. Thức ăn cho bữa điểm tâm Nên chọn loại nguyên hạt và ít chất béo như bánh mì, nui, mì, ngũ cốc hoặc cơm... là những thực phẩm then chốt của bữa điểm tâm hoặc các món súp, cháo, phở, hủ tiếu...
- Một ly sữa với một ít thịt hoặc bánh nhân thịt sẽ giúp trẻ có đủ năng lượng lâu dài.
- Trái cây hoặc nước trái cây càng làm tăng hương vị hấp dẫn của bữa điểm tâm với đầy đủ dưỡng chất. Có thể cho trẻ ăn chuối, táo, dưa hấu, cam, nho... cắt thành từng miếng nhỏ dễ ăn hoặc ép lấy nước cho trẻ uống.
- Khi trẻ không có thời gian ăn sáng, bạn cần sắp xếp một món nào đó để trẻ có thể mang theo ăn dọc đường như một hộp sữa, khúc bánh mì, cái bánh bao... Hoặc trẻ cứ mè nheo không thích ăn sáng thì bạn hãy tập cho trẻ ăn một món ăn nho nhỏ như nửa cốc sữa, một khoanh bánh mì, một cái bánh quy hay một ít ngũ cốc..., khi trẻ chịu ăn rồi, bạn hãy tăng thêm khẩu phần.
- Trong trường hợp trẻ chưa thể ăn vào lúc sáng sớm, bạn hãy khắc phục bằng cách ngay khi trẻ thức giấc cho trẻ uống một ly sữa hoặc nước ép trái cây để kích thích dạ dày. Sau khi rửa mặt cho tỉnh táo, trẻ sẽ ngồi vào bàn ăn dễ dàng hơn.
- Nếu trẻ không thích uống sữa, bạn nên chọn thay thế loại sữa có hương vị ca cao hoặc trái cây, hoặc cho thêm vào sữa ít sirô mà trẻ vẫn thích. Nếu trẻ dị ứng với đường lactose trong sữa, bạn chọn cho trẻ loại sữa tiệt trùng không đường hoặc sữa đậu nành giàu canxi.
Bữa ăn trưa và tối
- Có thể chọn mua thực phẩm kết hợp cùng bữa ăn gia đình để đa dạng món ăn cho trẻ đồng thời cân bằng giữa thức ăn bữa trưa và tối của trẻ. Để tránh trẻ bị nặng bụng, khó tiêu, ói mửa vào buổi tối, bạn cần cho trẻ ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa nhưng phải bảo đảm đủ chất. Thức ăn cho bữa trưa và tối
- Phải bảo đảm đủ các chất đạm như trứng, thịt, tôm, cá..., tinh bột như gạo, mì..., chất béo dầu, mỡ... vitamin và chất khoáng như rau, củ, quả....
- Đa dạng món ăn cho trẻ nhằm tạo sự thay đổi khẩu vị hàng ngày, ngon miệng và cân bằng hợp lý về dinh dưỡng.
- Nên chuẩn bị riêng từng bữa ăn cho trẻ, không nên nấu một lần cho cả bữa trưa và tối, vì điều này làm trẻ ăn kém ngon cũng như khó giúp trẻ cảm nhận hương vị mới của món ăn.
- Khi cùng ăn với gia đình vào buổi tối, cần lưu ý giảm bớt thành phần chất béo toàn bộ, ít thịt bò, heo và đồ chiên xào. Tốt nhất là nên có món canh (thường xuyên thay đổi mỗi ngày) và một ít trái cây.
- Cho trẻ nên uống 1 ly sữa khoảng 100ml trước khi đi ngủ. Nhưng tránh cho trẻ uống nhiều nước vào buổi tối sẽ làm trẻ tiểu dầm hoặc thức giấc thường xuyên để đi vệ sinh.
Bữa ăn phụ
Khoảng cách giữa các bữa ăn phụ nên cách nhau khoảng 2 đến 3 giờ. Bữa phụ không chỉ là ly nước cam, vài múi quít hoặc viên kẹo vì chúng không cung cấp đủ năng lượng và chất cần thiết cho trẻ. Cần tăng cường các bữa phụ ngoài cơm, món tráng miệng trong bữa chính giúp trẻ có đủ dưỡng chất cần thiết để phát triển trong những năm tháng đầu đời.
Thức ăn cho bữa phụ :
- Trái cây tươi, sữa chua giúp hỗ trợ tiêu hóa; kem, bánh qui, phô mai, đậu hũ nước đường... là những món ăn phụ để bổ sung cho bữa chính.
- Thịt nướng que và rau củ.
- Trứng luộc chín.
- Trái cây ướp lạnh.
- Chuối ngâm trong sữa chua hương vani.
Nguồn: Theo Món Ngon Việt Nam