Bé Tin 5 tuổi rồi vẫn ăn cháo xay. Đi chơi ở đâu, đến nhà ai, mẹ cũng phải mang theo máy xay tay để xay thức ăn cho Tin.
Việc này rất bất tiện mà lại ảnh hưởng đến sự phát triển của Tin. Không biết có phải vì thế mà Tin không chịu nhai, hàm không phát triển và chậm nói.
Theo lời khuyên của các bác sỹ, chế độ dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn từ 0 - 1 tuổi cực kỳ quan trọng. Nếu bố mẹ không điều chỉnh, tập luyện cho con làm quen với các loại thức ăn, các độ thô của thức ăn sẽ khiến con lười ăn và ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
Từ 0 - 3 tháng tuổi, mẹ chỉ nên cho con ăn sữa hoàn toàn. Nếu mẹ cho con ăn bất kỳ loại chất lỏng nào cũng khiến bé khó thở và lượng calori không cần thiết. Ngoài việc cho con bú sữa mẹ, mẹ có thể cho con ăn thêm sữa ngoài.
Theo lời khuyên của các bác sỹ, tháng đầu tiên, mẹ nên cho con ăn 30ml/bữa. Ở tháng thứ 2, cứ cách 2 - 3 giờ, mẹ có thể cho bé bú bình 60 - 90ml/bữa. Tháng thứ 3, tháng thứ 4, bé có thể bú từ 90 - 120ml/bữa.
Thực ra, số lượng chỉ ra tương đối, mẹ không cần cân, đo, đong, đếmn mà tùy thuộc vào nhu cầu của bé. Mẹ hãy chú ý đến thái độ của bé. Nếu bé quay mặt đi hoặc liếm lưỡi, điều đó có nghĩa bé đã no và không cần ăn thêm nữa. Nếu bé ăn xong mà vẫn quấy khóc, có thể là bé vẫn đói và thèm ăn.
Từ 4 - 6 tháng tuổi là thời điểm lý tưởng mẹ cho bé ăn dặm. Các nghiên cứu về dinh dưỡng đã khẳng định rằng nếu bé ăn dặm từ tháng thứ 4 sẽ có thể gặp một số vấn đề về béo phì, thừa cân. Tuy nhiên, nguy cơ này cũng không lớn lắm. Nếu mẹ để sau 6 tháng tuổi mới bắt đầu tập cho bé ăn dặm sẽ khó làm cho bé làm quen với các loại thức ăn mới.
Mẹ nên tăng dần độ thô của thức ăn để giúp con làm quen với tất cả các loại thức ăn
Tốt nhất, mẹ nên tập cho bé ăn dặm từ tháng thứ 4. Trước tiên, bạn có thể cho con làm quen với các loại bột ngọt, rồi chuyển sang bột mặn. Tốt nhất là mẹ hãy thay đổi khẩu vị thường xuyên cho con để con cảm thấy thích ăn các chất xơ hơn. Hãy để bé làm quen với một món ăn trong vòng 3 ngày rồi hãy chuyển sang món mới. Như thế, mẹ có thể biết được bé có bị dị ứng với loại thức ăn mới không.
Từ 7 - 8 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé ăn hai bữa bột/cháo xay một ngày. Mẹ cố gắng nghiền nhuyễn các thức ăn cho con mịn và tăng dần độ thô của các loại thức ăn. Nếu không, lớn lên bé sẽ không chịu nhai, ăn cơm và các loại thức ăn khác. Khi bé ăn được các loại thức ăn khác, bé sẽ uống ít sữa đi, mẹ đừng lo lắng nhé.
Với bé từ 9 - 12 tháng tuổi, lúc này bé có thể nhai được nhiều hơn. Vì thế, mẹ có thể cho bé ăn thêm các món ăn như rau củ quả hầm chín, luộc nhừ để kích thích bé nhai nhiều hơn. Không nên cho bé các loại thức ăn nhỏ như đậu phộng, lạc rang, nho khô khiến bé dễ bị nghẹn hoặc hóc. Khẩu phần ăn của bé nên dành ¼ - ½ lượng là rau xanh và các loại hoa quả, chất đạm và tinh bột. Phần còn lại, có thể mẹ cho bé ăn bánh quy, sữa chua, váng sữa, phô mai nghiền.
Đừng quá lo lắng về việc con ăn mỗi bữa bao nhiêu mà hãy quan tâm xem con phát triển từng ngày như thế nào, mẹ nhé!
Lượng sữa cần thiết cho bé từ lúc mới sinh đến 1 tuổi
Trẻ sơ sinh (1 tháng tuổi) cần 60-80ml/ bữa x 7-8 bữa/ngày (500-600ml/ngày). Trẻ từ 2-4 tháng tuổi cần 100-120ml/ bữa x 6-7 bữa/ngày (700-800ml/ngày). Trẻ 5-6 tháng cần150-180ml/ bữa x 5- 6 bữa/ngày (800-1000ml/ngày). Trẻ 6-12 tháng, vẫn cần phải uống thêm 500-600ml sữa/ngày.
|
Theo afamily