Thịt là nguồn cung cấp chất đạm cho trẻ và cũng chứa nhiều khoáng chất như sắt, kẽm giúp trẻ khỏe mạnh... Tuy nhiên, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường không thể ăn được thịt lợn cợn hoặc bị nhợn ói, còn trẻ lớn 3-4 tuổi có đủ răng nhai lại có thói quen ngậm thịt, không chịu nuốt hoặc thường nhai cho dập nát rồi nhả bã...
Vì sao trẻ không ăn thịt?
Một số mẹ đã ép trẻ ăn số lượng chất đạm quá mức cần thiết so với nhu cầu. Tuy nhiên, thường thì khi ăn quá nhiều một món nào đó và lặp đi lặp lại, trẻ cũng dễ bị ngán và "tẩy chay", đó cũng là cơ chế tự bảo vệ cơ thể.
Thịt rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, nhưng chỉ cần ăn đủ lượng vừa phải. Bạn có thể ước lượng như sau để tính lượng chất đạm cho trẻ: cứ một chén cháo 200ml thì phải có 2 muỗng canh chất đạm băm nhuyễn đong lúp lúp; trong khi đó một chén cơm có thể đi cùng 2 muỗng canh thịt đầy.
Thực đơn cho trẻ cần đa dạng, kết hợp các món từ thịt, cá, tôm, cua đến rau quả.... Ảnh: Shutterstock
Có lẽ do thịt nấu ra thường bị khô và hơi "xác" nên trẻ thường ngại ăn thịt. Lúc đầu, bạn có thể cho trẻ hớp thêm một chút nước canh, nước lọc hay miếng trái cây... để trẻ trơn cổ và nuốt cùng với miếng bã thịt đã nhai nát kia, hoặc đổi sang ăn các dạng đạm khác mềm hơn như cá, tôm, cua, trứng, đậu hũ, nấm, gan, huy ết... cho trẻ quen dần mà vẫn không sợ thiếu đạm.
Bạn nên tập cho trẻ ăn thịt lần đầu tiên vào khoảng 6-7 tháng tuổi. Lúc này, thịt cần phải làm nhuyễn bằng cách băm thật nát hoặc xay nhuyễn. Nhưng sau đó, bạn phải làm lợn cợn cho trẻ dần quen với một độ nhám nhất định của thức ăn sệt vào khoảng 9- 10 tháng tuổi và thức ăn đặc khi 13-15 tháng. Trẻ 2-3 tuổi nếu đã mọc đủ răng hàm để nhai thì có thể tập ăn cơm, riêng lượng thịt cá lúc đầu vẫn phải xé nhỏ hoặc thậm chí băm nhuyễn lại trước khi cho vào chén cơm của trẻ và nên lấy từ món mặn của bữa cơm gia đình.
Giúp trẻ "thân thiện" với thịt bằng thực đơn đa dạng
Thực tế, có người không ăn được thịt do cơ thể thiếu men tiêu hoá, hoặc do không tập ăn từ nhỏ. Nhưng chuyện mà nhiều người thường gọi là "có căn tu hành" này rất hiếm. Đa số trường hợp trẻ không ăn thịt được là do trục trặc trong giai đoạn tập ăn. Trẻ cần một chế độ ăn hợp lý với đầy đủ 4 nhóm chất và đặc biệt là cha mẹ nên biết cách đổi món thường xuyên cho trẻ không thấy ngán, biết cách chế biến các món ăn thật ngon lành, để "thịt không ra thịt" và không còn là nỗi sợ hãi của trẻ.
Ngoài ra, một thực đơn đa dạng, với các món ăn từ thịt, cá, tôm, cua, rau quả, trứng, sữa... sẽ cung cấp cho trẻ những dưỡng chất quý giá khác, hỗ trợ nhiều hơn cho hệ miễn dịch của trẻ, như vitamin A, C, sắt, kẽm... và các loại men sống Probiotic hỗ trợ hệ tiêu hóa trẻ chống lại các vi sinh vật gây bệnh và một số tác nhân gây dị ứng.
Theo Web Trẻ Thơ