Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý là điều vô cùng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, trẻ lại rất dễ rơi vào tình trạng biếng ăn, dẫn tới thiếu hụt dinh dưỡng và tác động tiêu cực lên sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Vì vậy cha mẹ cần có cái nhìn đầy đủ về vấn đề này nhằm phát hiện và có những phương pháp điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Những dấu hiệu của biếng ăn
Biếng ăn là thuật ngữ chỉ hiện tượng bé không ăn hoặc ăn không đủ các chất cần thiết. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc thiếu hụt dinh dưỡng và từ đó kéo theo các hệ lụy như thấp bé, thiếu cân, giảm sức khỏe, đề kháng yếu... Xung quanh tình trạng biếng ăn có nhiều biểu hiện khác nhau như: ít thèm ăn, thời gian bữa ăn kéo dài trên 30 phút, ác cảm với thức ăn, sợ thức ăn, thờ ơ với chuyện ăn, quá hiếu động, mải chơi nên quên ăn...
Điều đặc biệt là hầu hết các bậc cha mẹ đều cho rằng thiếu hụt dinh dưỡng hay các dưỡng chất chỉ xảy ra khi trẻ ăn ít. Nhưng, ngay cả việc trẻ chỉ ăn một vài món nhất định như ăn thịt mà không ăn rau... cũng dẫn tới thiếu hụt dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển.
Những hậu quả trước mắt và lâu dài
Hầu hết các bậc cha mẹ cho rằng, biếng ăn chỉ ảnh hưởng đến thể trạng của bé như chiều cao và cân nặng, nhưng thực tế, hậu quả của nó còn nguy hiểm hơn nhiều. Biếng ăn ban đầu dẫn tới sụt cân. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ, khiến trẻ đánh mất nhiều cơ hội so với bạn bè cùng trang lứa. Một số nghiên cứu còn cho thấy, biếng ăn có thể dẫn tới những biến chứng trong quá trình phát triển của trẻ, gia tăng các bệnh mãn tính.
Do số lần ăn và số lượng ăn không đủ nên biếng ăn sẽ dẫn tới thiếu hụt chất khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao và cân nặng; giảm khả năng hấp thụ chất. Biếng ăn cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị giảm sức đề kháng. Vì thế, những bé biếng ăn thường có số ngày bệnh nhiều hơn 29% và có nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp nhiều hơn 45% so với bé bình thường.
Việc không đủ dinh dưỡng và thiếu cân bằng dưỡng chất còn khiến trẻ hay mệt mỏi, cơ thể không đủ lực cho trí óc tập trung và tư duy, dẫn tới lơ là chuyện học và thành tích học tập thấp hơn những trẻ khỏe mạnh. Các nghiên cứu cho thấy, chỉ số phát triển trí tuệ MDI của những trẻ biếng ăn chỉ được 96 điểm, thấp hơn 14 điểm so với những bé ăn uống tốt. Nguy hiểm hơn, biếng ăn không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, khả năng học tập trước mắt mà còn có thể kéo dài đến 5 năm sau.
Giải pháp cho trẻ biếng ăn
Ngay khi thấy con mình có những dấu hiệu biếng ăn, cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Nhưng, điều quan trọng nhất trong quá trình chữa trị, cha mẹ cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ bằng việc bổ sung các loại thức ăn đủ chất, đủ lượng với 4 nhóm thực phẩm: đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, vì trẻ đang biếng ăn, khả năng hấp thụ kém nên cha mẹ cần chú trọng bổ sung những thực phẩm giàu dinh dưỡng, chẳng hạn như sữa dành cho trẻ biếng ăn để lấp đầy những "lỗ hổng" về sự thiếu hụt dưỡng chất của bé.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa
(Chuyên khoa cấp II, Trưởng khoa
Dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 1)