Con trẻ bị bệnh dễ khiến cha mẹ lo lắng, hoang mang, giữa bao gánh lo thường nhật, nhất là khi bé còn nhỏ, hệ miễn dịch non yếu. Hệ miễn dịch là gì và có vai trò thế nào với sự phát triển của trẻ? Sức mạnh của hệ miễn dịch tập trung ở đâu trong cơ thể? Probiotic có liên quan gì tới hệ miễn dịch? Nếu cảm thấy "bí" với chỉ một trong những câu hỏi trên nghĩa là bạn thực sự chưa nắm được chìa khóa để nuôi con khỏe.
"Trừ" bệnh giúp con
Có thể hình dung đơn giản rằng hệ miễn dịch là một hàng rào phòng vệ cho cơ thể trước các tác hại từ môi trường như virus, vi khuẩn... Nhờ hệ miễn dịch mà cơ thể vượt qua được những nguy cơ từ bệnh tật.
Nhưng hàng rào miễn dịch của trẻ không phải sinh ra đã mạnh sẵn, mà chính các kháng thể miễn dịch có trong sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật; phải mất một thời gian sau hệ miễn dịch ở trẻ mới "độc lập" được. Trong bối cảnh phải tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn lạ lẫm, nhiều tác nhân gây bệnh "chực chờ" xâm nhập, với một hệ thống bảo vệ cơ thể chưa kịp hoàn chỉnh để đối phó, trẻ nhỏ thực sự phải đối mặt với nguy cơ rất lớn về các bệnh nhiễm trùng. Có thể nói, từ 0 đến 3 tuổi là thời gian hệ miễn dịch của trẻ đang từng bước được hình thành, đang dần "thử sức" và "nhận mặt" các kẻ thù.
Đó là lý do vì sao rất nhiều em bé trong giai đoạn này rất hay gặp các vấn đề về sức khỏe, với các bệnh như viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy, dị ứng...,và rất cần có những biện pháp tác động để "tiếp sức" cho hệ miễn dịch.
Lấy vi khuẩn ngăn chặn vi khuẩn
Trong cơ thể, ruột là cơ quan chứa đến 70-80% tế bào miễn dịch, biến nơi này trở thành nơi "đóng đô" của mạng lưới bảo vệ cho trẻ. Tuy nhiên, đường ruột của trẻ không hoàn toàn vô trùng mà có chứa 3 nhóm vi khuẩn: nhóm có lợi, nhóm tiềm ẩn gây bệnh và nhóm trung gian. May thay, nhóm vi khuẩn có lợi chiếm tỷ lệ áp đảo, giúp đường ruột của trẻ chiến đấu chống lại những vi khuẩn "xấu" - tác nhân gây ra các bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, nhiễm trùng, dị ứng, cảm cúm, làm giảm tần suất viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh, giảm đau quặn bụng ở trẻ nhỏ...
Khoa học hiện đại đã cho thấy việc cung cấp các vi khuẩn có lợi - hay còn gọi là Probiotic - sẽ giúp đường ruột của bé khỏe mạnh và cũng giúp giảm các bệnh lý dị ứng như dị ứng thức ăn, hen suyễn, chàm da sau này. Hơn thế nữa, nhờ các hoạt động của Probiotic trong ruột, trẻ sẽ tiêu hóa, hấp thu thức ăn tốt hơn, không bị các vấn đề về táo bón và tổng hợp các vitamin cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ.
Phương pháp cung cấp vi khuẩn có lợi đơn giản và hiệu quả nhất chính là tăng cường cho trẻ bú sữa mẹ, vì trong mỗi 800ml sữa mẹ có từ 100.000 đến 10.000.000 vi khuẩn có lợi (*). Ở những trẻ không đủ sữa mẹ hoặc trẻ đã ngưng sữa mẹ, Probiotic cung cấp qua sữa công thức là biện pháp dễ làm, thực hiện mỗi ngày và lâu dài và đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, những "chiến binh" Probiotic dũng cảm này cần được bổ sung thường xuyên để làm cân bằng hệ sinh thái các vi khuẩn ruột. Lưu ý rằng mỗi chủng vi khuẩn chỉ làm một số nhiệm vụ đơn lẻ. Càng bổ sung đa dạng các Probiotic thì càng tốt cho hệ miễn dịch đường ruột của trẻ.
Theo Web Trẻ Thơ