|
Sữa tốt nhất cho trẻ không phải sữa đắt tiền mà chính là loại sữa phù hợp với trẻ nhất. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Trên thị trường hiện có nhiều loại sữa khác nhau, đa dạng mẫu mã, phong phú chủng loại, được quảng cáo chứa nhiều dưỡng chất tốt cho trẻ, khiến người chọn mua rối tinh lên vì chẳng biết loại nào mới tốt nhất. Chưa kể nỗi phân vân nên mua loại mà con bà hàng xóm đang dùng, mình thấy rất tốt hay theo chỉ dẫn của các chuyên gia trên báo, đài?
Có nhiều lý do khiến các ông bố, bà mẹ phải bỏ công săn lùng một loại sữa bò đóng hộp nào đó để nuôi đứa con yêu quý: chuẩn bị cho bữa bú đầu tiên của trẻ khi sữa mẹ chưa có; trẻ đang bú mẹ tốt cũng cho giặm thêm một ít sữa bình để phòng khi đi công việc đột xuất; tập cho quen để sau hậu sản bốn tháng đi làm trẻ không bỡ ngỡ; nghĩ sữa mình thiếu nên giặm thêm cho đủ hoặc nghi sữa mẹ nóng nên trẻ không lên cân nhanh; cho trẻ bú mẹ sợ hư ngực; bú bình để trẻ có tính độc lập không bám riết lấy mẹ...
Hiện chưa ai nói được tên nhãn hiệu sữa nào là tốt nhất, tốt nhì... vì hầu hết các loại sữa cùng chủng loại thì giá trị dinh dưỡng và thành phần chính gần như tương đương nhau. Loại sữa phù hợp với trẻ này chưa chắc phù hợp với trẻ khác do mỗi cơ thể có khả năng tiêu hoá - hấp thu khác nhau và mỗi trẻ có khẩu vị, sự vận động, bệnh lý khác nhau. Vì vậy, sữa tốt nhất phải là loại sữa phù hợp với trẻ nhất. Sự phù hợp này thể hiện ở các điểm sau:
Phù hợp độ tuổi: trẻ dưới sáu tháng (dùng sữa công thức 1) hay trên sáu tháng (dùng sữa công thức 2), trẻ sinh thiếu tháng (dùng sữa premature)..., trẻ trên một tuổi có thể dùng đa dạng hơn: sữa tươi, sữa bột sữa công thức 3, sữa đậu nành...
Phù hợp tình trạng dinh dưỡng của trẻ: trẻ thiếu tháng, nhẹ cân nên uống các loại sữa premature năng lượng cao để nhanh chóng bắt kịp đà tăng trưởng của trẻ cùng lứa tuổi. Trẻ béo phì nặng trên ba tuổi hoặc thừa cân trên sáu tuổi thì dùng sữa ít béo hay sữa không béo. Trẻ cần tăng cân thì uống sữa béo (nguyên kem). Những trường hợp bệnh lý có liên quan đến dùng sữa (dị ứng, tiêu chảy kéo dài, tắc mật, trào ngược, táo bón...) thì cần tư vấn bác sĩ dinh dưỡng. Nếu dùng loại sữa đó trong một thời gian thấy bé tăng cân tốt, không dị ứng, đi tiêu phân tốt... thì loại sữa đó phù hợp với trẻ và nên duy trì. Ở trẻ nhỏ không nên đổi sữa thường xuyên.
Phù hợp tình hình kinh tế của gia đình: một trẻ bú sữa bò hoàn toàn trong một tháng đầu đời cần từ 4 - 6 hộp 400g, sau đó lượng sữa cần sẽ tăng thêm rất nhanh. Ở trẻ lớn, mỗi ngày cần khoảng từ 2 - 3 ly sữa (ly 200ml). Do đó, chi phí cho việc mua sữa của bé hàng tháng cũng cần tính toán trong ngân sách thu chi của gia đình. Để tránh lãng phí, có thể mua thử cho trẻ một loại sữa, sau đó chính trẻ sẽ quyết định có nên uống tiếp loại sữa đó không.
Phù hợp mùi vị, an toàn chất lượng: được coi là phù hợp khi mùi của loại sữa đó được trẻ chấp nhận, chịu bú. Việc lựa chọn loại sữa an toàn cho trẻ cũng là tiêu chí quan trọng. Không nên mua và sử dụng các loại sữa không có nhãn hiệu bao bì, nguồn gốc không rõ ràng. Lựa chọn các công ty có uy tín, thương hiệu lâu năm trên thị trường, bao bì nguyên vẹn, còn hạn sử dụng...
BS.CK1 Đào Thị Yến Thuỷ
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
Sữa nào tốt nhất? Tất nhiên là sữa mẹ rồi. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của tổ chức y tế thế giới đã kết luận như vậy. Sữa mẹ không chỉ hoàn hảo về dinh dưỡng mà còn phù hợp với chức năng tiêu hoá, hấp thu và sự phát triển thể chất, trí não con người, bên cạnh lợi điểm về vệ sinh, tăng cường bảo vệ cơ thể trẻ, chống bệnh tật, tạo mối quan hệ mật thiết mẹ con có lợi cho phát triển toàn vẹn của trẻ... Các loại sữa bò liên tục cải tiến, bổ sung thêm taurine, DHA, ARA, probiotic, chất xơ, oligosaccharide, sữa bò non... có lợi cho mắt, trí não, chiều cao, tiêu hoá... đều là do các chất này được tìm thấy trong sữa mẹ, mà tự thân trong sữa bò không có hoặc không đủ. Vì vậy, sữa mẹ nên là lựa chọn đầu tiên trong quyết định chọn sữa nuôi con. Nếu vì lý do nào đó không có sữa mẹ hoặc sữa mẹ không đủ thì hãy chọn một loại sữa bột nào đó nuôi trẻ. |
Theo SGTT