Khi ốm, trẻ thường chán ăn, bỏ bữa nên dễ sụt cân và có thể bị suy dinh dưỡng. Trong thời gian trẻ ốm, người mẹ cần chọn cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đặc biệt.
Nếu cần cho trẻ ăn thành nhiều bữa, với thức ăn loãng hơn và thời gian ăn nên kéo dài hơn Bình thường để giúp trẻ thấy dễ chịu, thoải mái và ăn được nhiều hơn.
Mỗi độ tuổi cần có chế độ dinh dưỡng khác nhau, tuy nhiên cần tuân thủ các nguyên tắc chung:
- Tiếp tục cho ăn (không cho trẻ ăn kiêng).
- Tăng cường uống nước.
- Cho trẻ đến bác sĩ để khám và tái khám theo hẹn.
Với trẻ dưới 4 tháng tuổi
Vẫn tiếp tục cho trẻ Bú Bình thường, chỉ cho trẻ Bú Sữa mẹ hoàn toàn nhưng tăng số lần Bú ít nhất 10-12 lần/ngày. Thời gian mỗi lần Bú cần kéo dài hơn (khi bị ốm trẻ sẽ mệt mỏi, nên khả năng mút vú của trẻ kém hơn).
Đối với trẻ bị tắc Mũi hoặc mệt quá không Bú được thì mẹ cần vắt Sữa ra và cho trẻ ăn bằng thìa. Lúc này cần vệ sinh các dụng cụ vắt sữa, cốc thìa... để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập khiến trẻ bị tiêu chảy.
Với trẻ từ 5 đến 12 tháng tuổi
Ngoài sữa, mẹ có thể cho trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung. Cần cho trẻ ăn thêm nhiều bữa và từng ít một với các thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, sữa, cá... và cho thêm dầu, mỡ để tăng năng lượng của khẩu phần. Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, loãng hơn Bình thường để dễ tiêu hóa.
Cho trẻ ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh và giảm nguy cơ bội nhiễm. Cho trẻ ăn thêm nước quả chín như chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ... để tăng cường vitamin và chất khoáng. Cho trẻ ăn thêm ít nhất 3 bữa/ngày nếu trẻ còn Bú mẹ, 5 bữa/ngày nếu không được Bú mẹ.
Sau khi trẻ khỏi ốm, vẫn cần có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để giúp trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng. Nên cho trẻ ăn thêm mỗi tuần 2 bữa trong 2 tuần liền. Với tất cả các trẻ bị tiêu chảy kéo dài:
- Nếu vẫn còn Bú mẹ, cho trẻ Bú lâu hơn cả ngày lẫn đêm.
- Nếu đang được cho ăn Sữa khác: Thay thế Sữa đó bằng cách cho Bú mẹ tăng lên hoặc có thể thay thế bằng Sữa chua hoặc Sữa đậu nành, hoặc thay thế nửa lượng Sữa bằng thức ăn mới dễ tiêu hóa giàu chất dinh dưỡng.
Với trẻ từ 1 tuổi trở lên
Vẫn duy trì cho trẻ Bú mẹ hay uống Sữa ngoài vì đây là giai đoạn tăng trưởng và phát triển cả về thể chất lẫn trí não nên các bà mẹ phải lưu ý chế độ ăn phù hợp.
Sau ốm, phải tăng cường các thức ăn có nhiều đạm như thịt, cá, trứng, Sữa và các thực phẩm giàu vitamin như các loại trái cây, nước ép hoa quả để phòng tránh suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới khả năng phát triển trí tuệ của trẻ sau này.
Một số lưu ý
Về chế độ dinh dưỡng, khi trẻ ốm, người mẹ cần chú ý một số vấn đề sau:
- Cho trẻ ăn nhiều bữa hơn với số lượng mỗi bữa ít hơn.
- Thức ăn cho trẻ ốm cần nấu loãng và giàu chất dinh dưỡng hơn.
- Khi trẻ ốm không cần kiêng khem các loại thực phẩm như tôm, cá, dầu mỡ và rau xanh.
- Khi trẻ ốm cần cho trẻ uống nhiều nước, nhất là đối với trẻ bị tiêu chảy. Súp, nước cháo muối, dung dịch oresol chỉ là các dịch để bù nước, không nên coi là thức ăn vì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
- Trẻ bị tiêu chảy tránh cho ăn các thực phẩm có nhiều đường, nước ngọt có gas vì có thể làm tiêu chảy nặng hơn. Đồng thời cần tránh các thức ăn có nhiều xơ, ít dinh dưỡng như các loại rau thô, tinh bột nguyên hạt như ngô, đỗ gây khó tiêu.
- Khi trẻ ốm người mẹ và gia đình cần dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc, dỗ dành trẻ ăn được nhiều. Với trẻ bị viêm nhiễm hô hấp sẽ bị sổ mũi, gây khó thở cần làm thông thoáng Mũi trẻ bằng bông gạc để giúp trẻ Bú mẹ và ăn uống dễ dàng.
Gia đình cần tập trung quan tâm chăm sóc trẻ khi trẻ ốm, như trẻ sốt phải theo dõi nhiệt độ thường xuyên hay trẻ bị tiêu chảy thì cần theo dõi số lần, số lượng đi ngoài... như vậy sẽ sớm phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Theo SK&ĐS