Bạn hãy nói những câu hoàn chỉnh trong những hoàn cảnh cụ thể. Đừng nghĩ rằng trẻ con không hiểu được bạn muốn nói gì. Trẻ chỉ không hiểu nếu bạn nói quá vắn tắt hoặc nói không thành câu.
Ngoài ra, để phát triển khả năng nghe, đọc của trẻ, tránh tình trạng thiểu năng trong lĩnh vực này, bạn cần:
- Liên tục nhập từ mới cho trẻ: Đừng lo sợ rằng việc này quá khó với con. Thực ra, ở mỗi lĩnh vực đều có một lớp từ riêng; cho nên khi đưa con đến bất cứ nơi nào có một khái niệm mới, bạn hãy giải thích cho trẻ hiểu về từ ấy. Sau đó, nhớ kiểm tra lại khả năng vận dụng từ mới của trẻ ở những hoàn cảnh khác nhau.
- Dạy con cách đoán từ trong một hoàn cảnh cụ thể: Trong quá tình bạn đọc (hay nói chuyện) với trẻ, chắc chắn sẽ có rất nhiều từ mới. Đừng ngay lập tức giải thích nghĩa của từ cho con, hãy nói công dụng của từ trong một trường hợp cụ thể và hướng trẻ đến với những suy đoán. Đây là cách tốt nhất để trẻ vận dụng khả năng sáng tạo của mình.
- Gợi ý trẻ quan tâm đến những từ quan trọng trong câu: Trong một câu dài, trẻ rất khó nắm bắt được hết nghĩa của câu. Bạn hãy dạy con cách quan tâm đến những từ quan trọng nhất, vì những từ này đóng vai trò chủ chốt hàm nghĩa trong câu. Việc hiểu nghĩa của các từ quan trọng sẽ giúp trẻ không mất thời gian mà vẫn hiểu được hết nghĩa của câu.
- Thường xuyên bắt trẻ cho ví dụ: Mỗi từ thường không phải chỉ có một nghĩa duy nhất (đặc biệt là trong tiếng Việt) và không chỉ được dùng trong một hoàn cảnh duy nhất. Do đó, bạn sẽ không thể dạy trẻ cách vận dụng từ trong tất cả mọi trường hợp mà chỉ trong những trường hợp điển hình nhất, sau đó bảo trẻ nghĩ thêm về những cách vận dụng khác. Có khi trẻ lại mang đến cho bạn những vận dụng mới đầy thú vị mà bản thân bạn cũng không nghĩ ra.
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)
|