Còn vài ngày nữa là tới ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 nên trên các tuyến phố chuyên bán đồ chơi trẻ em như: Lương Văn Can, Hàng Lược, Hàng Mã... luôn đông người. Số lượng đồ chơi trẻ em năm nay nhiều hơn so với năm ngoái. Mẫu mã, màu sắc và giá cả cũng có những thay đổi lớn
Đồ chơi Trung Quốc chiếm khoảng 80%
Chị Đỗ Thị Hạnh - chủ cửa hàng đồ chơi (37 phố Lương Văn Can) cho biết: "Mẫu mã đồ chơi hiện nay được thay đổi từng tháng, tính năng sản phẩm cũng được nâng cao. Tuy nhiên, đồ chơi Trung Quốc chiếm phần lớn (khoảng 80%), nhiều cửa hàng muốn bán hàng Việt Nam nhưng mẫu mã, kiểu dáng và màu sắc sản phẩm không chiếm được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng nên tiêu thụ rất chậm". Ngoài các loại đồ chơi bánh đà, chạy pin, năm nay các loại đồ chơi cơ, chạy bằng cót được nhiều cửa hàng nhập về. Hầu hết các loại con vật bằng nhựa dành chủ yếu cho đối tượng nhỏ tuổi được làm bằng cót, thay vào đó là các loại đồ chơi hình nhân, ôtô, máy bay, xe máy... chạy pin. Bà Lê Thị Thảo - chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em trên phố Hàng Mã - nói: "Vẫn là ôtô, xe máy hay bộ xếp hình nhưng mỗi mặt hàng có tới hơn 10 thậm chí 15 chủng loại khác nhau để khách hàng lựa chọn".
Giá đồ chơi tăng trung bình 20%
So với cùng thời điểm năm ngoái, giá đồ chơi năm nay tăng trung bình khoảng 20%. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do cơ quan quản lý thị trường kiểm tra chặt nên các chủ hàng phải tăng tiền vận chuyển hàng từ nơi tập kết về điểm kinh doanh. Phổ biến trên thị trường giá một số đồ chơi trẻ em như sau: Súng tạo cảm giác mạnh: 50.000 - 270.000đ/chiếc, ôtô to gồm 4 toa: 120.000đ/bộ, ôtô loại nhỏ gồm 4 ôtô con: 25.000đ/bộ, điện thoại nhựa các loại: 12.000 - 25.000đ/chiếc, đàn ghita nhựa chạy pin: 80.000 - 130.000đ/chiếc, bộ xếp hình từ 500 - 2.000 miếng: 45.000 - 110.000đ/bộ, bộ siêu nhân: 55.000 - 70.000đ/bộ, con giống bằng cót, đồ chơi điều khiển từ xa các loại: 12.000 - 20.000đ/con, bộ lắp hình nhỏ: 10.000 - 12.000đ/bộ, bộ câu cá: 30.000 - 45.000đ/bộ, bộ vợt nhựa, bóng nhựa: 20.000 - 25.000đ/bộ... Dự kiến từ nay đến ngày Quốc tế Thiếu nhi, giá đồ chơi sẽ còn tiếp tục tăng.
Vẫn còn đồ chơi bạo lực
Nếu nói không có đồ chơi bạo lực là không chính xác, muốn mua được các loại súng có cảm giác mạnh tại các cửa hàng, sạp hàng, khách phải vào "kho" trong ngõ. Theo chân một người khách vào một ngõ trên phố Lương Văn Can (không có địa chỉ), chúng tôi được chủ hàng giới thiệu hơn 20 loại súng khác nhau từ súng hoạt động bằng pin đến các loại súng cơ. Giá bán mặt hàng này cũng khá đắt, thấp nhất là 50.000đ/khẩu. Ngoài mặt hàng súng thường còn có cả các loại súng bắn đạn, bắn nước và mặt nạ bạo lực. Hầu hết đồ chơi trẻ em bạo lực đều được bán trao tay, lén lút không công khai như những năm trước. Tuy nhiên, số lượng khách mua đối với mặt hàng này cũng khá đông, chủ yếu là học sinh trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông và một số phụ huynh chiều con tìm mua.
Thuỷ Nguyên
|