“Mỹ thuật của thiếu nhi trong và ngoài nhà trường”- một nhánh khá quan trọng của nghệ thuật, cũng là tiêu đề cho cuộc hội thảo ở phạm vi Quốc gia, lần đầu tiên được Bộ VHTT, Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh cùng phối hợp tổ chức, sáng 12-5.
Giáo dục thẩm mỹ là nhu cầu cần thiết trong đời sống. Song, đối với thiếu nhi luôn tồn tại một vấn đề là: Dạy vẽ cần, hay dạy nghệ thuật quan trong hơn ? Đây cũng là hai quan điểm cho một câu hỏi lớn mà số đông các đại biểu tham dự hội thảo cùng nêu lên.
Bất luận vào năm 2000, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có những thay đổi chỉnh lý trong việc xây dựng chưng trình mỹ thuật cho đồng bộ với các môn học khác. Theo đó, việc dạy vẽ cho học sinh phổ thông lan rộng, tăng nhanh về số lượng. Thế nhưng, chất lượng của công tác này lại là điều để chúng ta băn khoăn. Liệu có thể kỳ vọng vào hiệu quả của mỹ thuật học đường, khi mà không ít nhà giáo dục, văn nghệ sĩ cùng nhận xét: Còn nặng tính thực dụng là lối dạy và học mỹ thuật trong nhà trường hiện nay.
“Nội dung chương trình giáo dục mỹ thuật còn có chỗ chưa hợp lý, gò ép, áp đặt, chưa phù hợp với những lứa tuổi học sinh khác nhau: Các em phải học trang trí sớm và quá nhiều, nhiều nội dung trùng lập dễ gây nhàm chán. Khuôn khổ bài vẽ lại quá bé, tạo nên thói quen đi nét vẽ hình vụn, tủn mủn... Nếu bằng một nội dung và phương pháp chưa thật chuẩn sẽ khó đạt được mục đích và dễ dẫn đến tình trạng: Càng lớn, càng học vẽ nhiều, các em lại càng vẽ xấu đi”, nhận xét của họa sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Họa sĩ Triệu Khắc Lễ, Hiệu trưởng, Trường CĐSP Nhạc họa TW cho hay: “Với quan niệm giáo viên tiểu học là người đứng lớp toàn diện, dạy đủ các môn. Với cái nền cơ bản được học ở phổ thông hầu như chưa có gì, quỹ thời gian ít ỏi được trải nhiều cho phân môn mỹ thuật, cộng với cơ sở vật chất thiếu thốn, môn học không được chú ý. Vì thế, chất lượng chuyên môn sẽ là rất thấp”.
Đã có một sự khác xa về quan niệm giáo dục thẩm mỹ của ta, nếu nhìn ra nền mỹ thuật tiên tiến thế giới. ở Châu Âu, đi thăm viện bảo tàng nghệ thuật là một nhu cầu của cuộc sống. Ngoài bảo tàng quốc gia còn có bảo tàng của những nhà sưu tập tư nhân rất đa dạng và phong phú. Ngay từ tuổi mẫu giáo, các em đã được đến tham quan, ngắm nhìn những kiệt tác (hội họa, điêu khắc...) từ nhiều thế kỷ. Do vậy, cái nôi nghệ thuật đã được dệt, và ghi dấu sâu đậm trong tâm hồn trẻ thơ.
Tại hội thảo này, nhiều đại biểu đã xem tủ sách Nghệ thuật (bao gồm Nghệ thuật VN, Danh họa thế giới, Kiến trúc, điện ảnh…) của NXB Kim Đồng như là giải pháp tình thế, khi chúng ta chưa thể biên soạn những công trình quy mô, hệ thống về dạy và học các bộ môn nghệ thuật trong nhà trường.
Bức xúc thì nhiều, đề xuất giải pháp cũng không thiếu, nhưng chốt lại, câu trả lời là dạy vẽ hay dạy nghệ thuật cho trẻ em trong trường học thì vẫn chưa lựa chọn xong.Và liệu, trong những năm tới, trình độ thưởng thức mỹ thuật chung của thiếu nhi VN sẽ có được nâng lên chút nào không thì cũng không có ai dám chắc.
ĐỖ HƯNG - VIỆT HOÀI(Tuổi Trẻ)
|