Quyết định 161 được ban hành mới hơn một năm nhưng thực sự đã thổi một luồng sinh khí mới, tạo ra sự khởi sắc rõ rệt trong sự nghiệp xây dựng, phát triển bậc học GDMN. Số lượng trẻ đến trường và chất lượng của GDMN đã có bước phát triển mới.
Tuy đã có những chuyển biến đáng kể về cả số lượng và chất lượng nhưng GDMN ở những vùng khó khăn vẫn còn rất nhiều thách thức. So với vùng đồng bằng, thành phố, thị xã thì sự khác biệt, chênh lệch trong hưởng thụ giáo dục MN của trẻ em ngày càng lớn.Tính cho đến thời điểm này trong cả nước vẫn còn 500 xã chưa có trường MN, 14 xã "trắng" về GDMN, 1299 xã có thôn "trắng" hoặc chỉ có một lớp MG gắn với tiểu học. Phần lớn những xã này đều ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, xã thuộc chương trình 135 nên điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kinh tế chậm phát triển, giao thông đi lại khó khǎn... đương nhiên cơ sở hạ tầng của giáo dục nghèo nàn, thiếu thốn. Các lớp MG phần lớn gắn với trường tiểu học, nhiều lớp do người dân đóng góp xây dựng nên còn sơ sài, tạm bợ. Tình trạng các lớp học dột nát, thiếu ánh sáng, nền đất, sát ngay khu vực nuôi gia súc, chuồng trâu, bò mất vệ sinh, không thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc, GD trẻ, dù là tiêu chuẩn tối thiểu... như ở Phình Sáng (Tuần Giáo-Điện Biên), Yên Châu(Sơn La), Ba Bể (Bắc Cạn)...và ở nhiều nơi khác đã ảnh hưởng đáng kể đến việc thu hút trẻ đến trường. Trong điều kiện CSVC thiếu thốn, các hình thức GD dựa vào cộng đồng lại chưa phát triển, lại thêm trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, quen với lối suy nghĩ vấn đề GD là thuộc về trách nhiệm của nhà nước nên việc giáo dục tiền học đường càng không được quan tâm đúng mức. Những khó khăn, hạn chế đó đã lý giải vì sao tỉ lệ thu hút trẻ đến các trường, lớp ở vùng cao, vùng sâu chỉ đạt từ 25-30% trong khi tỉ lệ chung của cả nước là 60%.
Mặc dù Quyết định 161 khi ban hành được coi như chiếc chìa khóa vàng giúp ngành GDMN tháo gỡ, giải quyết khá nhiều vướng mắc và cải thiện chế độ chính sách cho GV song việc thực hiện trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. ở những xã đặc biệt khó khăn có chỉ tiêu biên chế cho GVMN nhưng lại không có nguồn tuyển dụng. Trong khi GV người Kinh, người thị xã, thị trấn không muốn về công tác ở vùng sâu, xa thì ở ngay địa phương lại không có học sinh tốt nghiệp THSP ( dù ngắn hạn). điều này dẫn đến hệ quả là ở một số nơi như huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) tỉ lệ GV chưa đạt chuẩn cao (80%), chuyện thiếu GV trở nên triền miên và phổ biến ở vùng sâu, vùng xa. Một khó khăn nữa nằm ngay trong chính năng lực giao tiếp của GV. Một bộ phận GV người Kinh không có khả năng nói tiếng dân tộc, không hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, còn một số GV người dân tộc thì trình độ thấp, lại chưa nói thạo tiếng phổ thông, do đó càng khó khăn hơn khi truyền thụ kiến thức và chăm sóc giáo dục trẻ.
Sau khi tiến hành khảo sát thực trạng GDMN tại 6 xã khó khăn tại 3 huyện của 3 tỉnh Quảng Trị, Đồng Tháp, Bắc Giang phục vụ việc nghiên cứu đề tài cấp bộ "Nghiên cứu một số giải pháp phát triển GDMN vùng khó khăn", Vụ GDMN đã tổng hợp kết quả, đề nghị Bộ GD & ĐT ban hành quy định mức chất lượng tối thiểu của các trường lớp MG, nhóm trẻ tại các xã, vùng đặc biệt khó khăn. Mức chất lượng tối thiểu này được áp dụng thí điểm ở 2.380 xã đặc biệt khó khăn và các xã nghèo, bao gồm những tiêu chí phù hợp với cách tiếp cận với các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia và quy định những điều kiện thiết yếu cho các trường, các nhóm trẻ, lớp MG đảm bảo được điều kiện chăm sóc và GD trẻ.Để công báo quyết định của Bộ trưởng và thống nhất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong 2 ngày 8-9/4 Vụ GDMN đã tổ chức hội thảo về "các giải pháp phát triển GDMN vùng khó khăn". Tham dự hội thảo này có đại diện lãnh đạo ngành GD của các tỉnh đặc biệt khó khăn về GDMN là Kon Tum, Lai Châu, Điện Biên, Sóc Trăng, Quảng Trị, Vĩnh Long ... lãnh đạo huyện có những xã trắng về GDMN, chủ tịch của 14 xã trắng chưa có GDMN và đại diện của những xã chỉ có một lớp MN. Hội thảo đã đề xuất và đi sâu vào thảo luận 6 giải pháp phát triển GDMN ở vùng khó khăn.
Tổ chức mạng lưới trường, lớp nhóm MN.
Trước mắt nơi nào chưa có trường, lớp cần tìm cách tổ chức ít nhất một lớp và có 1 GV làm hạt nhân trong công tác vận động quần chúng trong công tác nuôi và dạy trẻ theo phương pháp khoa học. Về hình thức có thể là lớp MG, có thể là nhóm trẻ hoặc lớp ghép.
Xây dựng đội ngũ giáo viên Mn có chất lượng chuyên môn cao.
Các trường CĐSP trung ương và địa phương cần có kế hoạch mở rộng diện đào tạo hoặc bồi dưỡng để đảm bảo không những có đủ GV cho các cơ sở MN mà còn tiến tới nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trên các địa bàn khó khăn. Kinh nghiệm cho thấy hình thức mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn là khá thích hợp với vùng khó khăn. Tại Hà Giang có hình thức mở lớp bồi dưỡng GV cắm bản, tại Bắc Hà (Lào Cai) có hình thức bồi dưỡng trực tiếp, ngắn hạn học một ngày trong tuần ngay tại lớp học đã được tổ chức. Để GV yên tâm phục vụ tại các bản làng, trong công tác bồi dưỡng đào tạo cần thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho họ theo QĐ 161.
Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên để phổ biến kiến thức đến các gia đình. Trên những địa bàn quá khó khăn, xa xôi chưa thể lập được lớp MN, cần thiết lập sự phối hợp giữa GV MN với đội ngũ cán bộ phụ nữ, y tế xã để chuyển tải những kiến thức cơ bản về chăm sóc, giáo dục trẻ, về vệ sinh môi trường... tới các bậc cha mẹ, ông bà và cộng đồng
Ưu tiên xây dựng trường, lớp MN cho các xã khó khăn. Nếu chưa được thì hình thức linh hoạt nhất là tận dụng các phòng họp thôn bản, điểm văn hoá làng xã, các trung tâm học tập cộng đồng để mở lớp MN.
Tìm mọi cách nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Lồng ghép với các chương trình của Chính phủ và các dự án của các tổ chức quốc tế đang triển khai tại các địa phương để phát triển GDMN, thì không chỉ đạt hiệu quả xã hội mà còn đạt được kết quả cuối cùng là xoá đói giảm nghèo, phù hợp với mục tiêu chung.
Kim Phượng(Giáo Dục Thời Đại)
|