Ngày 18-5, UB DS-GĐ và TE Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo triển khai Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em. Trong 3 giờ đồng hồ, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi, một thành công ngoài mong đợi. Xin lược ghi một số ý kiến để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Bà Trần Thị Thanh Thanh - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB DS-GĐ và TE Việt Nam
Tôi đánh giá cao sự ra đời của đường dây này. Đây là một cách thực hiện quyền trẻ em thiết thực và hữu hiệu. Tuy nhiên, để thành công, chúng ta phải xác định làm trong hoàn cảnh của Việt Nam. Nên hết sức chú ý về đời sống, điều kiện vật chất của đại đa số gia đình. Không phải ai cũng có điện thoại... vì thế cũng cần dựa vào điện thoại của UB DSGĐ và TE địa phương để giúp đỡ các em. Bên cạnh đó, để vững bền thì cần cân đối ở khâu dịch vụ. Dịch vụ chính là câu trả lời thiết thực cho các em, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Minh Lan, Chủ nhiệm CLB Phóng viên nhỏ “Ong Xanh” - Đài Tiếng nói Việt Nam
Các em trong CLB của tôi đều tỏ ra thích thú khi được biết có đường dây tư vấn này. Nhưng chúng ta không chỉ tư vấn về tâm lý, tình cảm cho các em mà còn cần chỉ ra được một dịch vụ để giúp đỡ các em, đặc biệt là trẻ em khó khăn - đều già dặn, khôn trước tuổi. Xin kể ra hai ví dụ: Cô bé Lê Hải Hà (học sinh Làng trẻ Hòa Bình - Thanh Xuân) đã đi tìm việc ở nhiều nơi mà chưa được. Một lần nghe tôi an ủi, Hà bảo: “Cháu chán nghe tư vấn, tâm sự lắm rồi. Cháu cần một việc làm”. Còn Nguyễn Thị Mai Phương, bị tật nguyền, đã hết tuổi học tại Làng Hòa Bình thì bảo: “Cháu về cộng đồng rồi nhưng chả biết làm gì. Nhà cháu trồng rau bán, nhưng làng cháu ai cũng trồng rau cả vậy thì cháu bán cho ai?”. Chưa kể có một em nhỏ lang thang đã hỏi: “Cháu sẽ vào đâu để gọi đến đường dây tư vấn?...”
Bà Jê-rô, đại diện của Đường dây Hỗ trợ trẻ em quốc tế
Chúng tôi chia sẻ với các bạn những khó khăn bước đầu. Đó cũng là câu hỏi của các đường dây hỗ trợ trẻ em ở nhiều quốc gia. Với kinh nghiệm của các nước đi trước, chúng ta sẽ phân công thành từng cặp để giúp đỡ nhau. ấn Độ sẽ giúp đỡ Việt Nam trong thời gian đầu (khoảng 1 năm). Sau này khi đường dây ở Việt Nam đã lớn mạnh, các bạn sẽ giúp đỡ đường dây của các nước mới thiết lập.
Ông Đặng Nam, Giám đốc Dự án Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em Hà Nội
Đối tượng mà chúng ta phục vụ là một đối tượng đặc biệt, mọi điều kiện phải cố gắng ở mức tốt nhất. Vì thế chắc chắn còn nhiều khó khăn mà chúng ta phải vượt qua. Ngay số điện thoại của đường dây cũng chưa phải là một số “đẹp”. Đường dây hỗ trợ trẻ em của các nước trên thế giới đều là 4 số, ví dụ Anh: 1111; Canada: 4321, Mỹ 1800... Tại Hà Nội, chương trình cài đặt miễn phí cuộc gọi từ các trạm công cộng đến Đường dây Tư vấn - Hỗ trợ trẻ em đang chuẩn bị thực hiện. Trong thời gian không xa, số lượng máy ở tổng đài có thể lên tới 10 chiếc. Nhưng quan trọng hơn, đây là một dự án mở, nó cần và rất cần sự tham gia của toàn xã hội vì quyền lợi của trẻ em.
HNM
|