Trẻ cần ăn nhiều loại thức ăn khác nhau để cơ thể khoẻ mạnh.
THỨC ĂN BỔ SUNG CỦA TRẺ
Thức ăn được chia thành 4 nhóm, trẻ cần được ăn đủ cả 4 nhóm này trong từng bữa ăn:
+ Nhóm cung cấp tinh bột: Gạo, mì, khoai, ngô...
+ Nhóm cung cấp đạm: Thịt, cá, trứng, sữa, cua, tôm, đậu, đỗ...
+ Nhóm cung cấpp chất béo: Dầu ăn, mỡ, vừng, lạc...
+ Nhóm cung cấp Vitamin và chất khoáng: Rau, quả
SỐ LƯỢNG BỮA ĂN TRONG NGÀY CỦA TRẺ LỨA TUỔI ĂN DẶM:
Trẻ 6 - 12 tháng: Ngoài Sữa mẹ, cho trẻ ăn thêm ít nhất 3 bữa bột một ngày.
Trẻ 12 - 24 tháng: Ngoài Sữa mẹ, cho trẻ ăn thêm 5 bữa một ngày (3 bữa cháo chính và 2 bữa phụ hoa quả, Sữa hoặc bánh).
Trẻ từ 2 - 5 tuổi: Trẻ có thể ăn cùng với gia đình. Ngoài 3 bữa cơm chính với gia đình, cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ hoa quả, Sữa hoặc bánh.
Trẻ cần ăn nhiều bữa trong một ngày vì dạ dày của trẻ nhỏ, chứa được ít thức ăn nhưng nhu cầu về năng lượng và phát triển của trẻ lại rất lớn.
CHO TRẺ BẮT ĐẨU ĂN DẶM TỪ NGOÀI 6 THÁNG
Trong thời gian 6 tháng đầu sau khi sinh, trẻ chỉ cần Bú Sữa mẹ, không cần ăn, uống bất kỳ loại thức ăn nào khác.
Sau 6 tháng tuổi, ngoài Sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm các thức ăn khác để đảm bảo năng lượng và sự phát triển của trẻ.
Dù đã ăn các thức ăn khác, Sữa mẹ vẫn rất cần cho trẻ đến 18 - 24 tháng.
Không nên cai Sữa cho trẻ trước 12 tháng.
CHUẨN BỊ THỨC ĂN BỔ SUNG CHO TRẺ
Rửa tay và rửa thức ăn sạch sẽ trước khi nấu.
Đong đủ lượng nước và bột thích hợp rồi nấu chín.
Thêm thịt,cá, tôm, trứng, ốc, hến đã băm nhỏ.
Thêm rau xanh đã băm nhỏ hoặc nghiền. Thêm dầu ăn hoặc mỡ.
CHẾ ĐỘ ĂN KHI TRẺ BỊ BỆNH (TIÊU CHẢY, NHIỄM KHUẨN HÔ HẤP
Trẻ bị tiêu chảy cần được uống ORS ngay từ khi mới bị tiêu chảy, nếu không có ORS thì cho trẻ uống nước cháo muối để phòng mất nước.
Trẻ nhỏ đang Bú mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ Bú Bình thường và tăng số lần cho bú.
Với trẻ đã ăn dặm cần cho trẻ ăn thêm các thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, sữa,cá... nhiều lần và ít một. Cần cho thêm dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần nếu trẻ không có rối loạn tiêu hoá. Trường hợp có rối loạn tiêu hoá dùng giá đỗ xanh làm loãng thực phẩm để trẻ dễ ăn.
Cho trẻ ăn thêm các loại quả chín hoặc nước quả để tăng lượng kali và các vitamin. Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nhiều chất xơ như rau thô, tinh bột, nguyên hạt (ngô, đỗ...) vì khó tiêu hoá.
CHẾ ĐỘ ĂN SAU KHI TRẺ KHỎI BỆNH
Sau khi trẻ khỏi bệnh cần cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, ăn tăng thêm bữa và bồi dưỡng bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng.
Sau khi khỏi tiêu chảy, cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa nữa trong 2 tuần liền. Với trẻ tiêu chảy kéo dài cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa nữa và kéo dài tối thiểu một tháng.
Giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân.
MỘT SỐ DẤU HIỆU NGUY HIỂM KHI TRẺ BỊ NHIỄM KHUẨN HÔ HẤP
Nếu trẻ có một trong các dấu hiệu nguy hiểm sau đây là biểu hiện nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính rất nặng hoặc Viêm phổi rất nặng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế:
- Trẻ Bú kém, không uống được.
- Thở nhanh, khó thở, thở rít khi nằm yên.
- Sốt cao, có thể có co giật.
- Trẻ bị mệt hơn, ngủ li bì khó đánh thức.
MỘT SỐ DẤU HIỆU NGUY HIỂM KHI TRẺ BỊ TIÊU CHẢY
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi đã điều trị tại nhà 2 - 3 ngày không đỡ hoặc khi xuất hiện một trong các triệu chứng:
- Trẻ tiếp tục đi ngoài nhiều lần hơn, phân toé nước.
- Nôn liên tục nhiều lần, dấu hiệu mất nước tăng lên.
- Sốt, ăn uống kém đi.
- Có máu trong phân.
PHÒNG CHỐNG THIẾU VITAMIN A
Vitamin A cần cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Vitamin A giữ gìn sự trong sáng đôi mắt, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và tử vong ở trẻ nhỏ.
Hãy cung cấp đủ Vtamin A cho bữa ăn của trẻ và cho trẻ đi uống Vitamin A đầy đủ vào ngày Vi chất dinh dưỡng và vào tháng 12 hàng năm tại Trạm y tế xã phường.
Theo Dinhduong.com.vn