Chỉ biết "nhận" mà không biết "cho", đòi hỏi mà không biết hàm ơn, là cách xử sự đang phổ biến trong nhiều học sinh. Thực tế này ít nhiều xuất phát từ thực trạng buồn của giáo dục: dạy chữ nhiều hơn dạy làm người.
Theo khảo sát mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường FTA, 70% học sinh khi được hỏi về cách thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh đều cho rằng: "chỉ cần nói "cảm ơn là đủ".
39% học sinh chưa từng thể hiện lòng biết ơn
Ông Trần Ngọc Dũng, Công ty FTA cho biết, kết quả nghiên cứu được khảo sát trên 100 học sinh từ 6-12 tuổi và 100 phụ huynh trong độ tuổi 25-45. Theo đó, đang có một thực trạng đáng buồn là có đến 40% học học sinh tỏ ra ngại ngùng khi thể hiện lời nói cảm ơn. Đồng thời, 70% học sinh đồng tình rằng nên có những hành động cụ thể để thể hiện lòng biết ơn đối với ba mẹ như rót nước, quạt mát...
Song, trên thực tế lại có tới 39% trong số đó chưa từng thực hiện hành động này. "Môi trường giáo dục ở TP HCM khá tốt so với tình hình chung cả nước nhưng nếu học sinh chỉ thể hiện lòng biết ơn bằng lời nói suông thì thật đáng lo ngại", ông Dũng nhìn nhận.
Muốn học sinh có nhân cách tốt, cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng bày tỏ: "Nhiều học sinh chỉ nói cảm ơn như một cái máy. Điều này rất đáng báo động bởi câu cảm ơn phải kèm theo một sự nhận thức, một tấm lòng... mới làm cho cuộc sống tốt đẹp".
Tiến sĩ Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP HCM cho rằng, một con người vô ơn sẽ không thể làm được gì. Bởi mọi cảm xúc đặc biệt tạo ra sự sáng tạo, kiên trì, rèn dũa bản lĩnh, sống tốt hơn... đều có thể khởi nguồn từ lòng biết ơn ba mẹ, thầy cô, xã hội, đất nước.
Thay đổi soạn giả SGK?
Học sinh không biết thể hiện lòng biết ơn hay không cảm nhận được về ơn thầy cô, cha mẹ và những người xung quanh? Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình nhận xét: "Ngoài những học sinh không hiểu được biết ơn là gì, cũng có một số em nhận thức được nhưng rất rụt rè khi thể hiện lòng biết ơn. Một trong những nguyên nhân là do hầu hết phụ huynh giao phó việc giáo dục con cái cho nhà trường".
Theo ông Trần Đình Thuận, Trưởng ban quản lý Chất lượng giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cách giáo dục con cái hiện nay trong gia đình làm cho trẻ chỉ biết hưởng thụ, chỉ biết yêu cầu người khác chăm sóc mà không biết "cho" lại. Trong khi đó, việc rèn nhân cách cho trẻ của nhà trường thông qua sách giáo khoa, chương trình giáo dục chưa mang lại nhiều kết quả.
"Mỗi tuần học sinh tiểu học chỉ học 1 tiết đạo đức, mà lại toàn những vấn đề to tát nên chưa mang lại lợi ích cho trẻ. Vì vậy, phải thay đổi cách viết sách giáo khoa hiện nay. Đối với bậc phổ thông, người soạn sách giáo khoa phải là giáo viên mới sát thực tế hiện nay", ông Thuận nói.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, kiến thức trong sách giáo khoa mênh mông nhưng lại thiếu những điều gần gũi về cách dạy làm người.
Cũng với băn khoăn này, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD- ĐT TP HCM) nói: "Nếu chương trình giáo dục làm cho học sinh chai lì cảm xúc thì rất nguy hiểm".
Theo Báo Đất Việt