Báo cáo với HĐND TP.HCM ngày 10/12/2009, Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh cho biết, toàn TP có 38.866 lớp học (với 28.995 phòng học từ mẫu giáo đến THPT) và 1,2 triệu học sinh (HS), sĩ số bình quân 31 HS/lớp (chỉ tiêu 35 HS/lớp).
Nghĩa là, TP có gần đủ phòng học cho tất cả trường dạy hai buổi ngày. Tuy nhiên, bài toán chia này lại giống như cách tính "bình quân mỗi người ăn hai con gà/tuần", nhưng có người ăn bốn con, có người không ăn được con nào.
Thực tế, trường tiểu học An Hội (P.12, Q.Gò Vấp) bốn tầng, có 5.300 HS, với 103 phòng học (trong đó có mượn sảnh của trường THPT Phạm Văn Chiêu ngăn thành bốn phòng học), sĩ số 51,4 HS/lớp, giáo viên dạy bằng micro, âm thanh hỗn tạp. Tan trường, một tiếng sau HS cuối cùng mới thoát ra khỏi cổng.
Nhiều trường học tại TP.HCM vẫn phải gánh sĩ số trên 50 học sinh/lớp
Trước đây P.12, Q.Gò Vấp có hàng trăm ha trồng rau, hoa kiểng, nhưng giờ đã thành đất xây nhà. Theo ông Trương Văn Non - Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, quận cần 80 ha đất xây trường, nhưng quỹ đất chỉ có 21 ha. Do năm 2003 quy hoạch thiếu tầm nhìn, giờ dân số tăng thêm 160.000 người, khiến sĩ số HS tăng theo. Quận đã tìm được một ha đất xây trường tiểu học mới, cách trường An Hội 400 m, dự kiến năm 2012 xong. Đầu học kỳ II sẽ chuyển bớt HS trường An Hội sang trường Lương Thế Vinh ở P.8. Lương Thế Vinh là trường tiểu học xây mới đạt chuẩn quốc gia duy nhất của quận, nhưng có lẽ sẽ "xuống hạng" khi san sẻ sĩ số HS của trường An Hội.
Theo ông Huỳnh Công Minh, TP.HCM chỉ quá tải cục bộ ở Q.Gò Vấp và Bình Tân, nhưng bà Vi Thị Minh Loan - quyền Trưởng phòng GD - ĐT Q.9 cho biết: HS năm 2009 của quận đã tăng thêm 2.000 em, nhiều trường học cũ cũng xuống cấp, nên phải tận dụng cả nhà thiếu nhi quận, nhà văn hóa phường để dạy nhờ - học ké. Ông Nguyễn Ngọc Vân (MTTQ Q.2) nói: đô thị hóa quá nhanh, dân nhập cư tăng nhưng các cơ quan chức năng dự báo kém, nên Q.2 mới thiếu trường lớp.
Nguyên nhân chính của vấn đề là công tác quy hoạch quỹ đất cho giáo dục từ năm 2003 đến nay vẫn chưa xong. Ông Huỳnh Công Minh lý giải, mình Sở GD-ĐT không làm được, vì lệ thuộc vào quy hoạch chung của quận, lãnh đạo ở đâu quan tâm thì ở đó có đất giáo dục. Đại biểu Nguyễn Văn Ngai (cựu PGĐ Sở GD-ĐT) nêu thêm nguyên nhân tại kỳ họp HĐND TP mới đây: "Cần phải xem lại thủ tục trong xây dựng trường học. Có nhiều dự án trường học mà thời gian kéo dài đến nỗi làm xong thủ tục, có HS đã lấy chồng, sinh con rồi, trường vẫn chưa xây xong!".
Năm 2005, Ban Kinh tế ngân sách (KT-NS) HĐND TP làm việc với Q.Bình Tân, được biết có 6/10 phường chưa có trường THCS. P.Bình Hưng Hòa chưa có trường mầm non và tiểu học. Cả quận chỉ có một trường cấp II, III và hai trường tư thục cấp II, III chỉ đáp ứng được 31% nhu cầu. Do tác động của HĐND TP, năm 2006, Sở Xây dựng ra quyết định xây dựng Trường THPT Bình Trị Đông A, gồm 36 lớp học trên diện tích 3.872,2m2, với tổng vốn đầu tư 43 tỷ đồng. Trường dự kiến hoàn thành năm 2008, nhưng đến năm 2009, Ban KT- NS đi giám sát Q. Bình Tân mới biết vẫn còn thiếu 10 trường tiểu học, và trường THPT Bình Trị Đông vẫn còn là bãi đất trống. P.Bình Hưng Hòa A có 6.000 HS tiểu học, nhưng hai trường xây mới chỉ chứa được 3.281 HS. P.Bình Trị Đông A chỉ có một trường tiểu học chứa 1.300 HS, còn 1.500 HS phải đi học nhờ các trường xa, HS bậc THPT tiếp tục sang An Lạc và Phú Lâm học.
Từ năm 1999 - 2007, mỗi năm TP.HCM xây mới 1500-1.900 phòng học, nhưng năm 2008 chỉ có thêm 800 và năm 2009 chỉ thêm 607 phòng học mới (chủ yếu là lên tầng) vì tìm không ra đất. Trong khi đó, mỗi năm TP tăng 50.000 - 60.000 HS, cần phải xây gấp 1.250 - 1.500 phòng học mới (40 HS/1 lớp). Nếu lấy mẫu thiết kế phòng học cao tầng của Bộ GD-ĐT, thì giá đầu tư ít nhất 200 triệu đồng/ phòng, nghĩa là ngân sách TP.HCM phải dành ra mỗi năm từ 80.000 đến 100.000 tỷ đồng! Bài toán tìm đủ trường học ở TP.HCM rõ ràng là bế tắc!
Theo Báo PN