'Chỉ dạy học sinh nói cảm ơn là chưa đủ' Chỉ biết "nhận" mà không biết "cho", đòi hỏi mà không biết hàm ơn, là cách xử sự đang phổ biến trong nhiều học sinh. Thực tế này ít nhiều xuất phát từ thực trạng buồn của giáo dục: dạy chữ nhiều hơn dạy làm người. Theo khảo sát mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường FTA, 70% học sinh khi được hỏi về cách thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh đều cho rằng: "chỉ cần nói "cảm ơn là đủ". 39% học sinh chưa từng thể hiện lòng biết ơn Song, trên thực tế lại có tới 39% trong số đó chưa từng thực hiện hành động này. "Môi trường giáo dục ở TP HCM khá tốt so với tình hình chung cả nước nhưng nếu học sinh chỉ thể hiện lòng biết ơn bằng lời nói suông thì thật đáng lo ngại", ông Dũng nhìn nhận. Muốn học sinh có nhân cách tốt, cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng bày tỏ: "Nhiều học sinh chỉ nói cảm ơn như một cái máy. Điều này rất đáng báo động bởi câu cảm ơn phải kèm theo một sự nhận thức, một tấm lòng... mới làm cho cuộc sống tốt đẹp". Thay đổi soạn giả SGK? Theo ông Trần Đình Thuận, Trưởng ban quản lý Chất lượng giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cách giáo dục con cái hiện nay trong gia đình làm cho trẻ chỉ biết hưởng thụ, chỉ biết yêu cầu người khác chăm sóc mà không biết "cho" lại. Trong khi đó, việc rèn nhân cách cho trẻ của nhà trường thông qua sách giáo khoa, chương trình giáo dục chưa mang lại nhiều kết quả. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, kiến thức trong sách giáo khoa mênh mông nhưng lại thiếu những điều gần gũi về cách dạy làm người. Cũng với băn khoăn này, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD- ĐT TP HCM) nói: "Nếu chương trình giáo dục làm cho học sinh chai lì cảm xúc thì rất nguy hiểm". Theo Báo Đất Việt |