Những ngày cuối cùng của năm 2009 sắp qua đi và năm mới 2010 chỉ còn nửa tháng nữa sẽ đến.
Không biết vào những ngày cuối của năm nay, người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà có lại tiếp tục đề nghị chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tại các địa phương chung tay hỗ trợ thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn, để thầy cô "bớt đi những giọt nước mắt chảy ngược vào lòng khi tết đến" như năm trước hay không?
Không riêng gì thầy cô giáo, những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà đều mong lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ thành hiện thực -Ảnh: N.C.T.
Còn nhớ cách đây hơn ba năm, vào ngày 17-11-2006, trong buổi gặp gỡ 13 nhà giáo nhân dân vừa được phong tặng danh hiệu, và một số giáo sư ở khu vực phía Bắc đại diện 44 giáo sư mới được công nhận chức danh năm 2006, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nói bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.
Nếu chiếu theo lời hứa nói trên thì năm 2010 tới đây đời sống của giáo viên chắc sẽ bớt nhọc nhằn. Thực tế cho thấy hơn một triệu nhà giáo Việt Nam trong mấy chục năm qua đã không được đãi ngộ tương xứng với công sức và vai trò quan trọng của họ trong xã hội, nhưng họ vẫn chấp nhận dấn thân, chấp nhận một cuộc sống đạm bạc với nhiều áp lực.
Áp lực khách quan là xã hội luôn đòi hỏi họ phải tạo ra được nguồn nhân lực cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, và mọi sai lầm của giáo viên đều bị công luận lên án thật gay gắt. Rồi áp lực từ trong nội bộ ngành giáo dục khi giáo viên phải hoàn thành nhiều chỉ tiêu, thành tích... Vì vậy, việc bảo đảm cho người làm nghề giáo được sống trong những điều kiện kinh tế khả quan hơn là điều nhất thiết phải làm.
Do đó, điều chúng tôi tha thiết mong muốn là thời gian gần đến đây, người đứng đầu Bộ GD-ĐT phải thực hiện lời hứa của mình để sau bao nhiêu năm cơ cực, thầy cô giáo có thể sống được, sống đàng hoàng bằng chính đồng lương của họ.
Theo Tuổi Trẻ