Biểu hiện của bé như thế có bình thường không?
Trả lời: Giận dữ là... bình thường
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết: "Cảm giác giận dữ cũng bình thường như cảm giác vui sướng hoặc buồn phiền. Nó cho thấy chúng ta đang kết nối với mọi người xung quanh và luôn quan tâm đến những sự việc đang diễn ra hàng ngày. Giận dữ thường là phản ứng với sự đau đớn về thể chất hoặc tinh thần - một cố gắng để thoát khỏi tổn thương".
Ngay khi còn sơ sinh, trẻ đã có thông điệp về sự giận dữ. Ví dụ như bé cần có mẹ mà chúng ta cứ giao cho người giúp việc, bé có thể cảm thấy mất mát, cô đơn và trạng thái giận dữ đầu tiên đã có thể xuất hiện. Thông thường, trẻ giận dữ khi chúng cảm thấy không kiểm soát được những việc mà chúng muốn, ví dụ như khi xếp hình, đoán chữ... Việc cha mẹ thay đổi một kế hoạch đi chơi, đổi món ăn... đôi lúc cũng làm trẻ giận dữ... Đặc biệt, trong lúc mệt mỏi, khó chịu vì bệnh tật có khi trẻ cũng phát sinh sự giận dữ.
Những cách bé biểu lộ cơn giận cũng không rõ ràng. Có bé chỉ trở nên cứng đầu và im lặng từ chối, không làm những việc mà bạn yêu cầu. Có bé dồn nén cơn giận dữ trong lòng, trở nên buồn bã hoặc thờ ơ. Chúng mất hứng thú trong hoạt động và kiểu ăn uống của chúng cũng thay đổi. Những bé này có thể sẽ bị trầm cảm. Chúng không để cho người khác biết sự giận dữ của mình, nhưng vẫn cảm nhận thấy nó. Một số bé biểu lộ sự giận dữ thông qua những biểu hiện của cơ thể. Chúng có thể bị nhức đầu hoặc đau dạ dày thường xuyên, thậm chí là bị ốm hơn so với những đứa trẻ khác nhưng bác sĩ không hề phát hiện bệnh lý nào cả".
"Đối diện: với cơn giận của con
Chị Thiều Thị Kiều Tiên (Q.10, TP.HCM) chia sẻ: "Từ năm sáu tuổi, con trai tôi bắt đầu có những cơn giận kinh người. Khi giận bạn bè, người thân, một việc gì dù rất nhỏ như dọn dẹp đồ chơi, áo quần của cháu mà cháu không tìm ra hoặc la mắng oan cháu một việc gì, cháu lại la lên: "Con nhức đầu quá rồi". Ban đầu vợ chồng tôi cứ tưởng con nói chơi, nhưng sau thấy cháu chảy nước mắt, ôm đầu đập vào tường... trông rất đáng sợ! Sau khi nhờ chuyên viên tâm lý tư vấn, tôi mới biết con tôi giận dữ là như vậy đấy".
Theo lời khuyên của các chuyên gia tư vấn, chị Tiên phải tập thích nghi dần với những cơn giận của con, giúp cháu vượt qua những cảm xúc đó.
Chị kể: "Không dễ khi một người mẹ phải dự trù trước cơn giận của con. Tôi phải theo sát con, cho cháu biết rằng tôi hiểu cảm giác của cháu. Ví dụ như khi con tôi giận một bạn học cùng lớp vì đã bẻ gãy bút chì của cháu, cháu càu nhàu: "Con căm thù bạn Tiên!", tôi phải chữa lại: "Con có vẻ giận bạn Tiên lắm hả?" để xoa dịu tình hình. Trong trường hợp này, nếu tôi cũng tức giận hùa theo bé, việc nhức đầu, chảy nước mắt lập tức sẽ diễn ra. Theo sát con như vậy, hai năm sau, con tôi mới hết chứng nhức đầu khi giận dữ".
Có một kinh nghiệm cho các bà mẹ là khi giúp con điều chỉnh, kiềm chế bớt những cảm xúc tiêu cực, bạn đừng bao giờ phê phán bé. Những câu nói: "Con không được làm như vậy...", "Hãy dừng ngay hành vi đó của con..." không thể xoa dịu tình hình mà có thể làm trầm trọng hơn cơn giận của con.
Để giúp con biểu hiện, giải tỏa cơn giận hợp lý, đôi lúc cha mẹ phải giải thích cho con rằng con có thể giận bạn Hoa vì Hoa đã nói xấu mình, nhưng con xé tập của Hoa để hả giận là việc làm không tốt.
Cảm giác giận dữ là một phần bình thường của cuộc sống. Bạn cần dạy cho con những cách có thể chấp nhận được để đối mặt với cơn giận và xoa dịu nó.
Theo Phụ nữ online