Các chuyên gia về lĩnh vực nuôi dạy con cho biết có nhiều kiểu nuôi dạy con khác nhau nhưng chủ yếu là 3 loại sau:
* Nuôi dạy bằng cách ra lệnh
* Nuôi dạy bằng cách nhún nhường
* Nuôi dạy bằng cách đưa ra sự lựa chọn
Ra lệnh
Với kiểu nuôi dạy này, các ông bố, bà mẹ sẽ chú trọng vào việc đặt ra các giới hạn. Họ cố gắng kiểm soát các con của mình. Trẻ em sống dưới sự nuôi dạy kiểu này thường có ít hoặc không cảm thấy tự do.
Kiểu nuôi dạy này còn thường được gọi là "kẻ độc tài". Bố mẹ có xu hướng chỉ trích và phán xét con cái. Họ đưa ra các yêu cầu với trẻ và thường sử dụng biện pháp trừng phạt và khen thưởng để kiểm soát chúng. Một ông bố hoặc bà mẹ kiểu này có thể là người can thiệp quá sâu vào bài tập về nhà của trẻ và điểm chác hơn là kinh nghiệm học tập của trẻ.
Cách cư xử của con cái sẽ là...
Nếu bạn là một người cha, người mẹ độc tài, con cái của bạn có thể phản ứng theo các cách khác nhau.
Một số sẽ tỏ ra tức giận và nổi loạn ở những lĩnh vực mà bạn không thể kiểm soát như bạn bè, ma túy, chểnh mảng học tập hoặc sex. Sự tôn trọng dành cho hai bên đã mất.
Một số khác lại cư xử theo hướng ngược lại: sợ hãi bố mẹ và không dám thể hiện cảm xúc của mình. Những đứa trẻ này không muốn bị chỉ trích nên đã cố gắng hết sức để làm vừa lòng bố mẹ và tuân theo những gì họ bảo ngay cả khi không có sự kính trọng trong đó. Bề ngoài, mối quan hệ của gia đình này trông có vẻ hoàn hảo vì con cái nghe lời bố mẹ.
Hậu quả của kiểu nuôi dạy này
* Không xây dựng được lòng tin và sự kính trọng
* Không giúp trẻ có được sự tự do hoặc trách nhiệm cần có
* Không dạy trẻ tự nghĩ cho chính chúng
Nhún nhường
Nếu bạn không thuộc kiểu thích ra lệnh, có thể bạn thuộc kiểu bố mẹ "nhún nhường". Những bố mẹ kiểu này chấp nhận cho con cái nổi loạn.
Một ông bố bà mẹ kiểu này, còn được gọi là "ông bố bà mẹ thoải mái, dễ dãi" thường cho rằng tốt nhất không nên cản trở những điều con cái muốn. Họ nhún nhường trước những đòi hỏi của con cái. Bố mẹ dễ dãi thường cảm thấy chưa sẵn sáng để đối mặt với những vấn đề của con cái như nghiện hút, sex và sự thiếu kính trọng với những người gì hoặc các nhân vật có quyền thế.
Thường thì bố mẹ kiểu này rất bận rộn với công việc và ít khi có mặt ở nhà. Có thể họ đã ly dị hoặc tái hôn. Do không thể dành nhiều thời gian cho con nên họ cảm thấy tội lỗi với chúng và muốn bù đắp lại những thiệt thòi đó cho trẻ bằng cách cho phép trẻ tự quyết định mà không cần hỏi ý kiến bố mẹ. Bố mẹ kiểu này "bật đèn xanh" cho con cái làm sai. Nhún nhường khiến cả bố mẹ và con cái mất đi sự tôn trọng.
Cách cư xử của con cái sẽ là...
Bố mẹ kiểu này khiến trẻ nghĩ rằng bố mẹ chúng yếu kém và dễ bị "đàn áp". Vì vậy, chúng có lý do để nổi loạn hoặc thể hiện sự bất kính.
Các chuyên gia cho rằng có thể con cái cảm thấy hài lòng về việc có toàn quyền kiểm soát nhưng thường điều đó không kéo dài lâu. Khi bố mẹ tiếp tục nhún nhường con cái thì cuối cùng chúng cũng sẽ nhận ra bố mẹ không tôn trọng chúng và điều này khiến trẻ khó tôn trọng họ và chính mình.
Hậu quả của kiểu nuôi dạy này
* Không có giới hạn sẽ khiến trẻ không học được cách hòa hợp với người khác
* Không giúp trẻ có thói quen gánh vác trách nhiệm và tôn trọng người khác
* Không giúp trẻ tôn trọng chính mình
Đưa ra sự lựa chọn
Khi một người được đưa cho phép lựa chọn một hành động hoặc một cách cư xử nào đó, họ cảm giác thầy mình nắm quyền kiểm soát - sự kiểm soát lành mạnh. Nuôi dạy con bằng cách đưa ra sự lựa chọn còn được gọi là "kiểu dân chủ" - trong đó quyền hạn và trách nhiệm được cân bằng. Kiểu này giúp trẻ có sống trách nhiệm thông qua việc thể hiện sự tôn trọng và đưa cho chúng cơ hội quyết định.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng kiểu nuôi dạy này cho phép con cái quyền nói lên những gì chúng cần hoặc muốn nhưng không có nghĩa muốn làm gì thì làm.
Kiểu nuôi dạy này cũng hướng dẫn và rèn luyện con cái, nhưng với sự tôn trọng. Tuy nhiên, bố mẹ đồng thời cũng muốn nhận được sự tôn trọng đó từ con cái. Nếu bố mẹ hò hét, con cái sẽ khó tôn trọng họ, dẫn đến nảy sinh những hành vi thiếu tôn trọng bậc sinh thành ra mình
Vì vậy, nếu trong gia đình mọi người đều được tôn trọng thì điều đó có đồng nghĩa với việc con cái được tự quyết định không? Không! Có những giai đoạn bố mẹ cần can hiệp và đưa ra những kỷ luật và hướng dẫn có tính xây dựng để giữ cho trẻ được an toàn. Điều quan trọng ở đây là hướng dẫn con bạn với sự tôn trọng.
Cách cư xử của con cái sẽ là...
Nếu bạn có thể thôi kiểm soát chặt chẽ con cái thì chúng sẽ bắt đầu học cách tự đưa ra những quyết định lành mạnh, rút ra bài học từ những sai lầm của mình và trở thành người độc lập. Sự thay đổi này không phải là xảy ra trong một sớm một chiều mà cả một quá trình đưa trẻ trở thành một người tốt.
Những đứa con cảm thấy được bố mẹ yêu thương và tôn trọng thì cũng sẽ yêu thương và tôn trọng trở lại bố mẹ chúng. Khi sự tin tưởng giữa các thành viên trong gia đình và con cái phát triển thì chúng sẽ trưởng thành và hành động có trách nhiệm hơn đối với những người trong gia đình cũng như những người bên ngoài gia đình như giáo viên, bạn bè, nhân viên...
Theo afamily