Một trong những món quà vô giá mà đứa trẻ nhận được từ cha mẹ - đó là biết cách tiếp xúc với thế giới xung quanh bằng sự lạc quan, yêu đời.
Người lạc quan - đó không phải là người lúc nào cũng nở nụ cười trên môi nhưng che giấu những ý nghĩ buồn chán. Đó là người có thái độ tích cực với cuộc sống, luôn yêu đời, yêu mọi người và tự tin vào chính mình. Tính lạc quan không chỉ sản sinh ra những suy nghĩ tốt, mà chính là nền tảng của lối tư duy sáng sủa, mạch lạc.
Trẻ em lạc quan nhìn vào trong tương lai với niềm hy vọng, bởi vì chúng tin rằng mình sẽ có đủ khả năng để giải quyết những nhiệm vụ phức tạp. Và nếu như trong đời, bạn thấy cái xấu nhiều hơn cái tốt, bạn vẫn có thể cho bé của mình chiếc chìa khoá cửa vào thế giới của những người lạc quan. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, thậm chí những đứa trẻ bẩm sinh hay sợ hãi có thể học được tính lạc quan.
Ảnh minh họa
Biết sống lạc quan - đó là kỹ năng làm cho cuộc sống của chúng ta nhẹ nhàng và dễ dàng hơn nhiều. Kết quả của một số nghiên cứu cho thấy những em học sinh, mà được thầy cô cho là lạc quan, giao tiếp với bạn bè dễ dàng hơn, kiên trì tìm cách giải các bài tập khó hơn, và có kết quả hơn những học sinh bi quan. Học sinh lạc quan sức khoẻ tốt hơn, ít ồn ào hơn, lớn lên mau hồi phục hơn sau những bệnh tật và ít bị căng thẳng thần kinh hơn nhiều so với những học sinh khác. Thật may, việc dạy con lạc quan không bao giờ sớm và cũng không bao giờ muộn.
Cho bé biết tất cả những gì bé làm đều quan trọng
Những đứa trẻ luôn cảm nhận được sự ủng hộ của cha mẹ thường tự tin hơn những đứa trẻ khác. Khi bạn dỗ bé đang khóc hoặc tới trường dự buổi văn nghệ có bé tham gia biểu diễn, bạn cho bé lòng tự tin, cảm giác được che chở. Nếu như bé thường xuyên cảm nhận được sự quan tâm của cha mẹ, khi rơi vào tình huống không quen thuộc, bé vẫn tự tin vì cảm giác có hậu phương vững chắc.
Khi trẻ chơi hay tự làm một việc gì đó cha mẹ đừng quên khen ngợi và khích lệ bé kịp thời. Khi trẻ còn nhỏ, trẻ thử nghiệm những hình thức hoạt động khác nhau thông qua các trò chơi - xếp nhà từ bộ xếp hình, chơi nhạc cụ, những trò chơi để bàn, làm thủ công và những chương trình máy tính. Những thứ đó giúp trẻ hiểu được chúng thành công nhất trong việc gì.
Trong bất cứ trường hợp nào, bạn nên chia sẻ tâm huyết thử nghiệm những cái mới của trẻ, chứ không phê phán những việc trẻ làm. Khen bức tranh đơn giản bé vừa vẽ ngoáy bằng bút chì, hoặc chiếc thuyền bé vừa nặn trong giờ học thủ công - luôn luôn khuyến khích bé và nhận xét: "Con làm thật tuyệt!", "Cho mẹ xem nào, con giỏi quá, con đã làm được"...Những lời khen ngợi đúng lúc, đúng chỗ vô hình trung sẽ là những viên gạch vô hình xây nên tính lạc quan của trẻ sau này.
Hãy đứng sang bên cạnh
Bé còn nhỏ đòi tự chải tóc, chắc sẽ làm tóc rối tung lên. Tuy nhiên, càng cho trẻ em nhiều cơ hội tự thể hiện mình, sau này, chúng càng trở nên tự tin hơn và sẽ tự quyết định được những công việc khác nhau trong cuộc đời.
Các chuyên gia cho rằng, có khi cha mẹ muốn thể hiện sự quan trọng đối với con cái, đã tạo cho trẻ nhỏ sự bất lực hoàn toàn. Họ tự làm những việc của con mình, nuôi cảm giác bất lực trước người lớn hoặc cảm giác vô nghĩa khi thử tự làm một cái gì đó, vì công việc này người lớn sẽ làm, và còn tốt hơn hàng nghìn lần. Những người mẹ và bà, khoác cặp sách giùm cho con - cháu, nghĩ là làm nhẹ bớt gánh nặng cho chúng, thực sự giúp trẻ một cách tai hại. Họ đâu biết rằng một hành động rất đơn giản như tự khoác cặp sách trên lưng, làm cho trẻ cảm thấy nó quan trọng và tự tin.
Thực tế, chúng ta sẽ thể hiện tình yêu lớn hơn cho trẻ nếu tạo điều kiện cho chúng được "nếm trải" tất cả các cung bậc cảm xúc khi tự giải quyết một vấn đề gì đó - từ cảm giác bực bội rằng bao công sức đã bỏ ra để làm một chuyện vặt tới cảm giác hài lòng cực độ khi đứa bé thấy nó làm được, và làm được tốt một việc mà nó cho là to tát, có ý nghĩa.
Hãy để trẻ cảm nhận mình là một phần quan trọng của "cuộc đời rộng lớn"
Ngoài việc tự chăm sóc mình, giúp đỡ mọi người trong gia đình, hãy cho bé cơ hội cảm nhận mình là một phần quan trọng của gia đình và giúp bé tự tin vào bản thân. Hãy giao cho bé nhỏ việc vừa, ví dụ như xếp đồ chơi gọn gàng sau khi chơi xong, còn đứa trẻ 8 tuổi hoàn toàn có thể dọn bàn ăn giúp mẹ. Hãy tạo cho trẻ cảm giác lôi cuốn vào tập thể, vào những sinh hoạt chung.
Những người biết cách tham gia vào công việc tập thể vì mục đích chung sẽ dễ xử lý những thất bại riêng hơn. Hãy làm gương cho trẻ thông qua những công việc chung của gia đình, của khu phố, làng xã... để bé có ý thức về vai trò của một "công dân" trong xã hội, lớn lên bé sẽ biết sống có trách nhiệm, tự tin và yêu đời, yêu người hơn.
Hãy để trẻ tự quyết định!
Những đứa trẻ, đã quen tự nghĩ tự làm, sau này khi lớn lên sẽ kiểm soát cuộc đời mình tốt hơn. Cha mẹ hãy luôn tạo điều kiện cho bé có cơ hội luyện tập để học cách chọn đúng. Vì vậy, hãy cho trẻ cơ hội tự chọn càng nhiều càng tốt, đưa ra những giải pháp một trong hai tùy lứa tuổi: ví dụ, hỏi bé 2 tuổi, bé thích uống nước trái cây từ cốc đỏ hay cốc xanh da trời; cho bé 5 tuổi lựa chọn sẽ tham gia câu lạc bộ múa hay hội hoạ; hỏi trẻ 10 tuổi - thích học thêm tiếng Anh hay tiếng Pháp.
Nếu như thấy trẻ có vấn đề rắc rối gì đó, việc hỏi gợi ý có thể giúp trẻ đi tới kết luận đúng. Ví dụ, nếu như đứa bé không giải được bài toán đúng, thì thay vào việc chỉ ngay lỗi, hãy hỏi: "Con giải thích cho mẹ xem làm thế nào con có kết quả này!". Thường thường khi thử tự giải thích, đứa trẻ sẽ dễ dàng nhận ra chỗ sai của mình và tự sửa.
Hãy giải thích cho trẻ hiểu, kết quả không phải lúc nào cũng tỷ lệ với sức lực bỏ ra
Sau khi nghiên cứu về động cơ và thành tích học tập của trẻ em, các nhà tâm lý học đã đi tới kết luận: những học sinh cho rằng chỉ có những ai "sinh ra đã thông minh" mới học tốt được, thường bỏ cuộc ngay thất bại đầu tiên. Nhưng những em tin rằng kiến thức chỉ có được khi cố gắng rất nhiều, thường tiếp tục gắng sức cho tới khi đạt được kết quả tốt. Để tạo cho bé của bạn cảm giác lạc quan như thế, hãy chú ý tới sự cố gắng chứ không phải sản phẩm của cố gắng đó. Hãy khen tính kiên trì của trẻ và luôn nhấn mạnh: thành tích - đó là kết quả của sự tự cố gắng, chứ không phải do tình cờ gặp may.
Hãy dạy trẻ tránh những ý nghĩ tiêu cực
Những người lạc quan nghiêng về tiếp nhận sự việc một cách tích cực hơn người bi quan. Khi xảy ra một việc không tốt, người lạc quan không cho là "chấm hết" đó. Họ tìm những giải thích khác và gắng tìm hiểu làm thế nào để lần sau tránh được chuyện đó.
Ví dụ, sau khi con gái bạn cãi nhau với một bé gái khác, hãy hỏi con bạn, vào ngày đó, bé gái kia chỉ tức giận một mình con bạn hay vì tâm trạng không khoẻ, nên tức giận tất cả mọi người. Khi nhìn thấy những nguyên nhân khác, con gái của bạn sẽ hiểu ra vấn đề và sẽ nhìn nhận sự việc từ những góc độ tích cực hơn và không vội vã quy kết lỗi một cách cực đoan nữa. Từ đó bé dễ dàng giải toả những ý nghĩ tiêu cực, thấy vui hơn, dễ chịu hơn.
Có thể chiến thắng những suy nghĩ bi quan bằng sự hài hước. Hãy dạy cho bé của bạn tự làm mình vui bằng những suy nghĩ và câu chuyện hài hước, buồn cười, hãy cho bé thấy rằng trong cuộc sống có thể còn có những thứ tồi hơn nhiều so với những gì đã xảy ra. Khi tất cả được chuyển thành trò chơi vui, bé sẽ quên ngay những bực bội vừa diễn ra với bé.
Theo Tin Tức