Tranh thủ lúc thay tã, bạn có thể dạy con những phần khác nhau trên cơ thể hoặc những phần khác nhau trên quần, áo. Kể lại là cách giúp bé tiếp thu được trước khái niệm từ.
Hoặc bạn có thể cù nhẹ vào gan bàn chân của con. Tiếng cười là bước khởi đầu khi bạn muốn dạy con về tính hài hước. Khi chạm vào cằm của con, bạn có thể vui vẻ đùa: "Heo con của mẹ" hay "Cún con của mẹ"...
Những cơ hội khác để bạn dạy bé khám phá cuộc sống xung quanh như sau:
Khi nghỉ ngơi: Bạn hãy dành vài phút mỗi ngày ngồi trên sàn nhà với con, không âm nhạc, không ánh sáng mạnh và cũng không có đồ chơi. Thử để bé tự khám phá, quan sát những gì bé thích.
Khi bật điện: Bạn hãy nói to với bé: "Mẹ bật điện lên nào" trước khi dùng tay bật công tắc điện. Bạn đã dạy cho con khái niệm về nguyên nhân và hệ quả.
Kích thích thị giác
Mắt tiếp xúc với mắt: Khi bé mở to mắt và nhìn chăm chú vào mẹ, bé có thể nhận diện được khuôn mặt của mẹ, từ rất sớm. Mỗi lần bé nhìn chăm chăm vào bạn, trí nhớ của bé sẽ được hình thành.
Cử chỉ ở khuôn mặt: Các nghiên cứu chứng minh, khoảng 2 ngày tuổi, bé có khả năng bắt chước những chuyển động đơn giản trên khuôn mặt mẹ.
Tạo sự khác biệt: Bạn thử giơ hai bức tranh cách mặt bé chừng 8-10cm. Hai bức tranh tương tự nhau nhưng có sự khác biệt nhỏ; chẳng hạn, một bức có một cây tre còn bức kia thì không. Dù bé chưa thể chỉ ra sự khác nhau giữa hai bức tranh nhưng nó giúp bé nhận diện hình ảnh tốt hơn, về sau.
Tăng cường trí nhớ
Album gia đình: Gồm những bức ảnh của gia đình, họ hàng để kích thích trí nhớ cho bé. Khi bà ngoại gọi điện tới, bạn thử chỉ tay vào bức ảnh của bà khi bé nhận điện thoại.
Quyển sách vườn bách thú: Bạn có thể sưu tập những bức ảnh về động vật, xếp thành một album. Sau đó, bạn chỉ tay vào hình ảnh và gọi tên con vật trong đó, cùng với những âm thanh và câu chuyện đặc trưng do bạn tạo ra.
Ảnh của riêng bé: Bạn có thể đưa bức ảnh đầu tiên bạn chụp cho bé với quả bóng, khi bé biết lẫy, chơi với ông bà ngoại... cho bé xem. Với mỗi bức ảnh, bạn hãy thuật lại sự kiện đáng nhớ cho bé. Cách này giúp bé học được ngôn ngữ và củng cố trí nhớ.
Để bé khám phá không gian mới
Cho bé đi dạo: Bạn đặt bé trên xe đẩy và để bé khám phá cuộc sống xung quanh. Bạn sẽ là hướng dẫn viên cho con, có thể chỉ cho bé: "Con chó nhỏ kìa", "Con nhìn đi, cái cây này to quá" hoặc "Con có nghe thấy tiếng ôtô không?". Đây là cách bạn bổ sung từ vựng cho con không giới hạn.
Đi mua sắm: Những khuôn mặt, âm thanh và màu sắc trong siêu thị sẽ cung cấp cho bé cơ hội để khám phá cuộc sống.
Thay đổi góc nhìn: Bạn hãy đổi chỗ ngồi quen thuộc cho con sang một góc khác của bàn ăn. Điều này sẽ giúp bé ghi nhớ góc nhìn mới với cách quan sát mới.
Để bé khám phá chất liệu mới
Túm lấy hai đồ vật: Nếu bé thích lôi đồ vật ra khỏi một chiếc hộp, bạn cứ để bé thoải mái. Bạn có thể giấu vào đó 2 (hoặc 3-4) đồ chơi chất liệu khác nhau để bé tự khám phá chúng.
Mô tả cảm giác chạm vào đồ vật: Bạn chuẩn bị những khối hộp đồ chơi có chất liệu khác nhau như lụa, vải, gỗ, len. Sau đó, chà xát nhẹ lần lượt từng khối hình lên chân, tay hay bụng của bé; đồng thời, bạn mô tả cảm nhận khác nhau với mỗi đồ vật.
Cảm nhận theo cách của bé: Để bé chạm tay vào cánh cửa sổ lạnh, quần áo mềm, một chiếc lá thô ráp hoặc bất kỳ đồ vật an toàn nào khác. Nhiệm vụ của bạn là gắn tên cho mỗi bề mặt tiếp xúc đó.
Để bé chơi với thức ăn: Khi bé đã đến tuổi ăn bốc, bạn có thể chế biến thức ăn cho con theo nhiều cách khác nhau như món rau luộc, hoa quả thái dạng hạt lựu, mỳ sợi cắt nhỏ, ngắn.... Bé sẽ học được cách chộp đồ ăn và khám phá nó qua miệng.
Theo mevabe