Nước trái cây ngon ngọt, bổ dưỡng nên một số phụ huynh cho bé uống thay sữa hoặc bột ngũ cốc mỗi ngày. Điều ấy nên chăng?
Bé Susi năm nay 4 tuổi, nặng gần 27kg, bác sĩ nói bé bị thừa cân nên dặn cha mẹ cố gắng giúp bé tăng cường vận động và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp bé giảm cân. Chị Nguyên nghe lời khuyên bác sĩ nên hằng ngày cho Susi uống các loại nước trái cây thay sữa. Hai tháng tiếp theo Susi không giảm thậm chí còn tăng cân nhiều hơn trước. Khi cho bé tái khám, chị Nguyên mới phát hiện nguyên nhân con mình tăng cân nhiều là do chị cho bé uống quá nhiều nước trái cây trong khi chúng giàu năng lượng không kém sữa.
Ảnh: shutterstock
Khi nào bé có thể uống nước trái cây
Các chuyên gia về dinh dưỡng khuyên trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần uống nước trái cây do nguồn sữa mẹ hay sữa công thức đã cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết cho bé. Ngoài ra, nước trái cây có thể khiến trẻ dưới 6 tháng đầy bụng bỏ bú, bỏ bữa. Viện nhi khoa Mỹ thậm chí còn khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống nước trái cây nhằm bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bé.
Cha mẹ cần lưu ý khi tự làm nước trái cây ở nhà cho bé: • Luôn rửa sạch, khử trùng trái cây cẩn thận trước khi làm nước ép trái cây cho bé. • Đối với bé dưới 8 tháng tuổi, nên hấp chín trái cây trước khi ép lấy nước cho bé uống để tránh bé bị nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm. • Cố gắng sử dụng trái cây theo mùa, hoa quả tại địa phương để tránh việc trái cây có nhiều chất bảo quản do vận chuyển từ nơi xa đến hoặc đã tồn trữ lâu ngày. |
Theo thông tin của Viện nhi khoa Mỹ (AAP), bé từ 1-6 tuổi nên uống khoảng 120-180ml nước trái cây/ngày. Trẻ từ 7 tuổi đến 18 tuổi có thể uống nhiều hơn nhưng tối đa là 240-360ml/ngày. Cha mẹ nên sử dụng nước trái cây cho bé như một phần của bữa ăn chứ không phải là một bữa ăn chính và nên cho bé uống 1 cốc nước trái cây một lần thay vì đựng nước trái cây trong chai cho bé uống lai rai cả ngày khiến bé dễ bị sâu răng do thường xuyên tiếp xúc với chất hydrate carbon hàm lượng cao trong nước trái cây.
Những điều cần lưu ý
Trái cây và các loại nước trái cây có chứa hàm lượng hydrat carbon lớn, một số vitamin và một lượng nhỏ các khoáng chất nhưng lại ít chất béo và protein. Do vậy, trái cây và các loại nước ép trái cây không thể thay thế cho sữa hay ngũ cốc. Nếu dùng thay sữa hay ngũ cốc về lâu dài sẽ khiến cơ thể bé thiếu chất protein, chất béo, can-xi, sắt, các loại vitamin và kẽm.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên phụ huynh không nên cho bé uống nước trái cây trước bữa ăn vì nước trái cây chứa nhiều calorie chủ yếu từ các loại đường hoặc hydrate carbon. Nếu dùng trước bữa ăn chính sẽ khiến bé đầy bụng, giảm thèm ăn đối với các loại thực phầm bổ dưỡng khác có chứa nhiều protein và chất béo cần thiết cho sự phát triển và bảo đảm sự cân bằng dinh dưỡng cho bé.
Một số bé uống quá nhiều nước trái cây hằng ngày có thể bị dư cân, béo phì, sâu răng. Do lượng hydrate carbon trong nước trái cây cao nên dùng nhiều có thể khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu thậm chí đau bụng. Đặc biệt khi bé bị tiêu chảy, cha mẹ không nên cho bé uống nước trái cây vì có thể làm bé tiêu chảy nhiều hơn.
Khi mua nước trái cây cho bé, cha mẹ nên mua loại đóng hộp nguyên chất 100% đã được thanh trùng vì loại nước trái cây này thường không có chất bảo quản và các chất tạo mùi, dù giá cả có đắt hơn so với những loại khác. Nếu bé thích uống ngọt, có thể cho đường thêm khi uống.
Đối với trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi) nên cho bé uống nước trái cây pha loãng theo tỷ lệ 25% nước trái cây, 75% nước đun sôi để nguội vì nước trái cây chứa nhiều đường, không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Nước trái cây có thể giúp bé bớt táo bón, nhuận tràng hơn. Một số trẻ nhỏ dưới 4 tháng có thể dùng nước trái cây như một cách thức chữa trị chứng táo bón. Tuy nhiên, phụ huynh nên tập cho bé thói quen thích ăn trái cây hơn là chỉ uống nước vì trái cây có chứa các chất xơ, trong khi các loại nước trái cây không có. Do vậy, nếu cho bé ăn nguyên quả sẽ tốt hơn nhiều so với uống nước ép từ loại trái cây đó.
Theo Báo Đất Việt