Ngoài công sức, kiên trì và tình thương của giáo viên, cần phải có chính sách bồi dưỡng thích hợp.
Một giờ học của thầy trò Trường Chuyên biệt quận 10.
"Trở ngại lớn nhất hiện nay là nhận thức về giáo dục khuyết tật còn sơ khai, cơ sở vật chất của các trường còn thiếu thốn, nhân sự tay ngang, chủ yếu đến với trẻ khuyết tật bằng tình thương, lòng nhân đạo. Giáo dục khuyết tật của TP cần được đầu tư lớn mạnh, rộng khắp hơn để trẻ khuyết tật trí tuệ có thể tự chăm sóc bản thân, tham gia lao động, giảm gánh nặng cho gia đình" - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT) TP.HCM Huỳnh Công Minh trăn trở. Báo Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận nỗ lực của các trường và đội ngũ giáo viên trong việc giúp trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ thiểu năng trí tuệ hòa nhập.
Học giỏi là... "bị đuổi"
Cô Vũ Thị Kim Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), cho biết: "Qua 10 năm thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, mắc bệnh tự kỷ, các thầy cô tay ngang dần có kinh nghiệm về chuyên môn. Việc 25 cháu đang học hòa nhập tại trường là một nỗ lực lớn cần đến nhiều công sức, sự kiên trì và tình thương của những người giảng dạy". Sự hết mình của giáo viên và sự hợp tác từ gia đình đã giúp các cháu tiếp thu được chương trình phổ thông như trẻ bình thường ở mức tối thiểu.
Thầy Phạm Tuấn, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt quận 10, trăn trở: "Công tác đào tạo giáo viên chuyên dạy trẻ khuyết tật chưa được chú trọng kịp thời trong khi xã hội ngày càng có nhiều trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ mắc bệnh tự kỷ. Mỗi năm nhà trường tuyển khoảng 45-50 em. Cả quận có trên 200 trẻ khuyết tật mà chỉ có một trường chuyên biệt". Tuy nhiên, các em đã qua trường chuyên biệt thường hòa nhập rất tốt khi vào trường bình thường. Hồ sơ mỗi em đều được trường gửi sang giúp thầy cô nắm đặc điểm tâm sinh lý từng em để theo dõi.
"Ở trường chúng tôi, em nào học giỏi là "bị đuổi". Nhiều đồng nghiệp và bạn bè hỏi trường có mấy lớp, tôi thường trả lời vui rằng 45. Thực tế là vậy bởi 45 cháu là 45 cá thể khác nhau. Thầy cô phải dành thời gian dạy từng cháu, gọi là tiết học cá nhân" - thầy Phạm Tuấn thêm.
Cô Đỗ Thị Ngân, Trường mầm non 19-5 (quận 10), chia sẻ: "Đa số trường có nhận trẻ khuyết tật hòa nhập gặp khó khăn là do không có cán bộ chuyên trách về giáo dục hòa nhập, phó hiệu trưởng được phân công kiêm nhiệm, đội ngũ giáo viên thường xuyên biến động, ban giám hiệu và thầy cô luôn phải choàng việc cho nhau. Chưa kể là trẻ khuyết tật thuộc nhiều thành phần gia đình khác nhau và kiến thức, nhận thức của các bậc phụ huynh cũng đa dạng. Đặc biệt, một vài phụ huynh lại không muốn hợp tác với nhà trường.
Để trẻ hòa nhập thành công
"Dạy về chủ đề chăm sóc răng miệng cho trẻ bình thường chỉ mất một buổi, còn với trẻ thiểu năng phải dạy tới dạy lui cả tuần. Dạy các em cực lắm! Song khi thấy các em trưởng thành, biết lo cho bản thân thì thật hạnh phúc" - cô Lê Thị Xuân Giới (Trường Chuyên biệt quận 10) bộc bạch.
Ở góc nhìn khác, cô Lê Thanh Hiền (Trường Chuyên biệt quận 10) cho rằng thực tế khó khăn hiện nay là học cụ của nhà trường chưa đồng bộ nên khi dạy, học sinh không tập trung chú ý. Theo cô Hiền, mỗi trẻ ở trường chuyên biệt đều phải được dạy tiết cá nhân để qua đó giáo viên hiểu được tính nết từng em và phối hợp với gia đình xây dựng nhân cách cho các em.
Bà Trần Thị Bạch Tuyết, Hiệu trưởng Trường mầm non 9 (quận 11), lạc quan: "Nếu chúng ta có phương pháp và chuyên môn cao thì việc dạy cho học sinh khuyết tật đủ sức hòa nhập không khó. Khi trẻ mới chuyển sang hòa nhập tại các trường tiểu học bình thường, nhà trường cần thường xuyên liên hệ để giúp giáo viên tiểu học nắm đặc điểm tâm sinh lý từng trẻ. Hiện trường có ba học sinh khuyết tật trí tuệ đã tốt nghiệp tiểu học, đang học lên bậc trung học cơ sở.
Theo bà Tuyết, để công tác giáo dục hòa nhập có kết quả tốt hơn, lãnh đạo TP.HCM cần có chính sách bồi dưỡng thêm cho giáo viên, tính toán lại kinh phí cấp cho các em. Đến nay, tổng thu nhập của giáo viên Trường Chuyên biệt quận 10 cũng chỉ hơn ba triệu đồng/người/tháng.
Thầy Phạm Tuấn, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt quận 10: Trường không phải là nơi giữ trẻ Nếu chúng ta chỉ dùng tình thương để che chở cho trẻ khiếm khuyết trí tuệ thì sự che chở ấy cũng chỉ thoáng qua trong chốc lát. Ngay cả cha mẹ các em có thương con mình đến mấy cũng không thể theo các em đến suốt đời. Chúng tôi thỏa thuận với phụ huynh là các cháu vào đây sẽ được học, sẽ biết tự chăm sóc bản thân, đồng thời cũng xác định rõ trường không phải là nơi giữ trẻ.
Các trường chuyên biệt phải có phòng học riêng dành cho từng loại bệnh. Hai năm qua, thành công lớn của tập thể Trường Chuyên biệt quận 10 với chín giáo viên là đã đưa ba trẻ hòa nhập vào các trường tiểu học bình thường. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM:
Tăng cường giáo viên chuyên ngành Về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục đặc biệt năm học 2009-2010, ngành giáo dục TP sẽ tuyển dụng giáo viên có trình độ chuyên ngành giáo dục đặc biệt, cử nhân tâm lý, bác sĩ tâm lý vào làm việc tại Sở và các trường chuyên biệt để hoàn thiện đội ngũ. 24 quận, huyện phải có trường chuyên biệt, trang bị thêm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tài liệu tham khảo. Ngành giáo dục TP sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ, UBND TP chăm lo chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên làm công tác giáo dục hòa nhập.
|
Theo Báo Pháp Luật