Xã hội
   Tiền trường - quỹ hội: Hiểu sao cho đúng?
 

Cứ "đến hẹn" là dư luận lại xôn xao về tiền trường, quỹ hội. Nhưng rất khó phân định "sai", "đúng" cho những khoản thu này. Bởi có một sự thật dễ thấy là nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh (PHHS) mà môi trường giáo dục đã được thay da đổi thịt.

Đổi mới giáo dục từ sự hỗ trợ của PH!
Bước vào trường THCS Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp, TP.HCM), người ta thấy dễ chịu bởi những mảng xanh nối tiếp nhau. Bên trái là một bồn hoa chạy dọc theo bức tường có vẽ nhiều bức tranh cổ động HS sống thân thiện và bảo vệ môi trường. Tiếp theo là đồi cỏ, hòn non bộ và cây xanh.... "Tất cả những thành quả đó đều do PHHS hỗ trợ"- cô Nguyễn Thị Ngọc Bích, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định. Nhưng đó chỉ là bề nổi, bởi từ nhiều năm qua, Hội PHHS trường này đã từng bước hỗ trợ trường cả về chiều sâu, trong đó có đóng góp để nâng cấp, thay thế phòng máy vi tính, trang bị hệ thống âm thanh để giảng bài tại các lớp...

Sự hỗ trợ này là rất đáng kể, vì trước đó, 100% thầy cô giáo của trường được phổ cập tin học nhưng trường không có phương tiện để ứng dụng. Hội PHHS đã đóng góp mỗi năm hai máy vi tính và đến nay, đã trang bị đều khắp các phòng chức năng và các bộ môn... Dự một tiết Giáo dục công dân của HS lớp 9, chúng tôi thấy cô giáo chỉ cần gắn USB vào màn hình và nhấp chuột là nội dung bài học và hình ảnh minh họa "chạy" ra. Thời gian được tiết kiệm và giờ học thêm phần sinh động. Ngoài giờ học, HS cũng có thể sử dụng máy để lên mạng tìm kiếm tài liệu học tập hoặc nghe nhạc vào buổi trưa.

Hơn 100 HS trường THCS Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp) đi khai mạc Hội khỏe Phù Đổng 2009 về. Những hoạt động như thế này ngân sách không cấp kinh phí, Hội PH phải hỗ trợ

Khoản tiền đóng góp cho quỹ Hội tại trường THCS Phan Tây Hồ là 180.000đ/PH/năm. Các trường THCS Minh Đức (Q.1), tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) cũng ở mức 150.000đ/ năm. Tỷ lệ PH đóng góp từ 70% - 80% tùy từng trường. Hội PHHS trường THCS Minh Đức cho biết: 10% khoản tiền đóng góp sẽ được trích lại cho hoạt động của HS tại các lớp. Số còn lại được chi như sau: 30% dành cho nâng cấp hoạt động dạy học; 50% chi cho khen thưởng, bồi dưỡng và phụ đạo HS; 20% còn lại chi hỗ trợ cho các hoạt động của giáo viên (chủ yếu là tổ chức lễ 20/11, liên hoan).

Nét nổi bật của trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và trường mầm non 20/10 (Q.1) là môi trường xanh, dù không gian tại hai trường này rất chật hẹp và bị bê tông hóa gần như hoàn toàn. Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm có đến gần 500 chậu cây lớn nhỏ được bố trí khắp sân trường và các dãy phòng học, thì "chín phần mười" là do PH tặng. Cô Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, HS của trường thường xuyên có những tiết học ngoài trời. Trước đây, trường thường đưa các em đến Thảo cầm viên, còn bây giờ, các em có thể xuống sân trường để học về hoa lá, học vẽ, học tập làm văn... Các khu vệ sinh của trường cũng được gắn thêm nhiều vòi nước cho HS rửa mặt, rửa tay.

Sai, đúng khó phân định
Chúng tôi đến trường mầm non 20/10 (Q.1) vào đúng lúc trường đang trang hoàng cho các bé đón Tết Trung thu. Cô Trần Thị Ngọc Lan - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Tổ chức các hoạt động vui chơi cho các cháu là yêu cầu của ngành, để thông qua đó, giáo dục cho các cháu các kỹ năng. Đây cũng là điều hợp lý khi sân chơi cho các cháu đang rất thiếu. Tuy nhiên, đã tổ chức thì phải có mâm cỗ để dạy các cháu bày cỗ thế nào, phá cỗ ra sao, dạy văn hóa ăn uống, văn hóa lễ hội... Tất cả đòi hỏi phải có kinh phí, trong khi những khoản này Nhà nước không cấp".

Tìm hiểu tại các trường, chúng tôi còn được biết, mỗi năm học có rất nhiều hoạt động như Hội khỏe Phù Đổng, các cuộc thi văn nghệ, hoạt động dã ngoại, khen thưởng HS... nhưng ngân sách chỉ cấp cho hai dịp khai giảng và tổng kết năm học, tổng cộng một triệu đồng. Xây dựng môi trường học thân thiện đòi hỏi con người và thiên nhiên cây lá phải tồn tại hài hòa với nhau, nhưng ngân sách cũng không có khoản chi cho cây xanh. Trang trí trường lớp cho đẹp và có ý nghĩa giáo dục, giáo viên và nhà trường có thể vẽ tranh, ghép tranh, nhưng khung treo thì chịu chết! Biên chế chỉ cho hai nhân viên vệ sinh, trong khi thực tế cần bốn - năm người mới đảm bảo sạch sẽ... Để tổ chức tốt các hoạt động này, các trường buộc phải dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ Hội PH.

"Chúng tôi đánh giá rất cao và trân trọng những hỗ trợ từ PH, vì sự hỗ trợ ấy thật sự thiết thực. Nhờ đó, điều kiện dạy và học ngày càng đầy đủ" - cô Vũ Thị Phương Chi, Hiệu trưởng trường THCS Minh Đức, nói.

Nhưng, cứ "đến hẹn" là dư luận lại kêu ca về tiền trường, quỹ hội. Các khoản tiền trường, đặc biệt đối với HS học bán trú, nếu liệt kê thì có vẻ khủng khiếp, nhưng không khoản nào vô lý. Riêng khoản "quỹ Hội" thì "sai", "đúng" thật khó phân định, vì trong quy định về các khoản thu không có khoản này, nhưng đó lại là sự đòi hỏi chính đáng của thực tiễn.

Hiệu trưởng một trường bộc bạch: "Dư luận khiến chúng tôi bị tổn thương. Đôi khi chúng tôi không muốn vận động gì thêm, có bao nhiêu làm bấy nhiêu, nhưng nếu chỉ dựa vào ngân sách thì điều kiện dạy và học sẽ trở về thời bao cấp, HS sẽ không được phục vụ tốt, và sẽ không PH nào muốn con mình phải học trong điều kiện thiếu thốn như vậy!".

Chị Tr. Hương- PHHS trường THCS Phan Tây Hồ nói: "Thực tế đòi hỏi các điều kiện giáo dục phải tốt hơn nữa. Khi Nhà nước chưa lo được thì PH góp sức lo cho con em mình cũng là lẽ thường. Nhưng sự đóng góp phải thực sự tự nguyện, ai không có khả năng thì không đóng". Một PH khác nói: "Chúng ta đang thực hiện rất nhiều cuộc vận động để làm cho xã hội tốt đẹp hơn thì tại sao không vận động để làm tốt cho chính con em mình".

Còn ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM - nêu quan điểm: khi nhờ đến Hội PH, các trường cần phải trình bày rõ kinh phí từ ngân sách cấp là bao nhiêu, bao nhiêu cho lương, bao nhiêu cho điện nước và còn bao nhiêu... Nếu PH thấy không cần phải thu thêm thì thôi. Nếu thu thì sẽ chi cho những gì, phải cụ thể và minh bạch. Làm được vậy PH sẽ đồng tình và không thắc mắc.

Theo Phụ nữ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Quá tải chuyện học của lớp 1: “Cõng” chữ, “cõng” cả thi đua (29/9)
 Thức ăn tự nhiên phát triển nhanh ở châu Á (29/9)
 Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (Ba Đình) đạt chuẩn quốc gia (29/9)
 Máy tính khuyến khích trẻ mầm non khám phá (28/9)
 Đưa Toán lớp 1 lên internet (28/9)
 TPHCM: Trường thiếu, dự án treo (28/9)
 Dưới 7 tuổi, trẻ em Canada đã “quen” Internet (28/9)
 Cấm giáo viên bán hàng cho học sinh (28/9)
 Hà Tĩnh: Học sinh phải đóng tiền mua máy tính xách tay cho trường (25/9)
 Miền Bắc: Cúm mùa “tấn công” trường học (25/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i