Thực phẩm dễ bị mất vitamin khi chế biến Trong quá trình tư vấn dinh dưỡng, nhiều bà mẹ đã tìm đến trung tâm, hỏi rằng, muốn cho trẻ ăn các loại bột ăn dặm của các nhà sản xuất uy tín có được không? Theo tôi là được. Thực tế, đây là một trong những giải pháp bà mẹ có thể nghĩ đến nếu muốn tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ chất cho con. BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM |
Nhiều bà mẹ tự chế biến các bữa ăn dặm tại nhà cho con như nấu cháo với nước hầm xương, nước rau củ và thường bỏ hết xác thịt cá, rau củ đi.
Tuy nhiên, sau khi cho trẻ ăn một thời gian, họ đã rất lo lắng khi con mình không tăng cân, phát triển chiều cao, thậm chí một số trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng.
Phần lớn các bà mẹ chăm con đều dựa trên kinh nghiệm truyền miệng mà thiếu các căn cứ khoa học, nên các bữa ăn dặm của bé thường thiếu các vi chất cần thiết... Không ít trẻ từ 4-12 tháng tuổi hiện nay thiếu các vi chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kẽm và vitamin A, là vì chưa được cung cấp bữa ăn dặm đầy đủ chất.
Một số bà mẹ hiện nay lo ngại chuyện các thực phẩm tươi sống có chất bảo quản, trẻ ăn vào sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Đây đúng là mối lo lớn, nên khi chế biến thức ăn cho trẻ phải đảm bảo tuyệt đối về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu mua phải các loại thịt cá ướp hóa chất bảo quản bán ngoài chợ, trẻ ăn vào dễ bị ảnh hưởng sau này. Thực phẩm chọn lựa cho trẻ phải tươi, xanh, đảm bảo an toàn. Tất cả dụng cụ chế biến cũng phải giữ sạch sẽ, phải rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn. Ngoài ra, phải chú ý cả đến những chi tiết như nếu thức ăn nấu quá lâu, nhiệt độ quá cao sẽ bị mất đi nhiều vitamin và chất bổ dưỡng.
Việc cắt gọt, ngâm rửa rau, củ, quả sẽ làm hao hụt chất dinh dưỡng và các vitamin trong rau, củ. Khi nấu với nhiệt độ cao, các vitamin lại càng bị hao hụt nhiều hơn. Với thịt, cá, hải sản đã sơ chế, sự hao hụt chất dinh dưỡng xảy ra khi thực phẩm trung chuyển từ các lò về chợ, cửa hàng. Sau đó lại bị đông lạnh, rã đông, rửa lâu trong nước lạnh, nấu không đậy nắp với nhiệt độ cao... các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất cứ thế hao hụt đi.
Ảnh minh họa.
Cần có kiến thức khi sử dụng đồ hộp
Sử dụng bột ăn dặm có thuận lợi là người mẹ không phải tốn nhiều thời gian và công nấu nướng. Bột ăn dặm đã được nghiên cứu kỹ về công thức nên không lo ngại chuyện làm sao "cân đong đo đếm" cho đủ từng loại khoáng chất, vitamin, dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của con.
Một số nhãn hiệu bột ăn dặm uy tín hiện nay cũng được bổ sung 17 loại vitamin và khoáng chất cần thiết. Mùi vị đa dạng được kết hợp từ những nguyên liệu quen thuộc như thịt bò, thịt heo, cải bó xôi, cà rốt, bí đỏ... giúp mẹ có thể thay đổi linh động để trẻ luôn có được cảm giác thèm ăn. Việc nhà sản xuất hướng dẫn pha bột ở nhiệt độ 50 độ C cũng giúp bảo toàn những vitamin và khoáng chất trong bột.
Trẻ em nào cũng đều có thể dùng thức ăn chế biến sẵn đóng hộp nếu trẻ thích dùng. Tuy nhiên, vấn đề là không nên dùng hoàn toàn và thường xuyên, cũng tùy từng điều kiện hoàn cảnh mà cân nhắc. Các mẹ muốn lựa chọn thức ăn công nghiệp này cần có đủ kiến thức dinh dưỡng cơ bản, trình độ ngoại ngữ và biết cách đọc nhãn hiệu bao bì. Các bà mẹ phải biết phân biệt hạn sử dụng và tuân thủ tốt các hướng dẫn lưu trữ bảo quản của nhà sản xuất.
Xét trên khía cạnh dinh dưỡng và kích thích độ thèm ăn của bé, nếu người mẹ có thể nấu nướng đầy đủ dinh dưỡng thì thức ăn tươi sống sẽ giàu dưỡng chất và hấp dẫn hơn đồ hộp. Hơn nữa còn thay đổi được nhiều loại thực phẩm, mùi vị khác nhau sẽ đổi món đa dạng và ngon miệng hơn.
Các món ăn đóng hộp thường không thể đa dạng và đổi món linh hoạt như nấu thức ăn tươi sống. Ngoài ra, nếu chỉ sử dụng đồ hộp hoàn toàn và liên tục trong thời gian dài có thể dẫn đến trẻ bị thiếu một số vi chất như vitamin C, một số vitamin nhóm B, acid folic, chất xơ... Vì vậy, trường hợp người mẹ không thể nấu ăn đầy đủ trong thời gian bữa sáng hay bữa trưa thì có thể cho bé ăn một bữa đồ hộp trong ngày, các bữa khác nên nấu ăn bình thường. Kết quả cuối cùng với bất kỳ thức ăn nào là bé phải ăn được và tăng trưởng đủ về cân nặng, chiều cao cũng như phát triển tốt về tâm lý, trí tuệ.
Trẻ càng nhỏ, thức ăn càng phải xay nhỏ, băm nhỏ, giã nhỏ. Khi bắt đầu ăn bổ sung nên cho trẻ ăn cả cái, không chỉ ăn nước, kể cả rau. Cần xoá bỏ quan niệm cho rằng, trẻ ăn cơm sớm sẽ cứng cáp hoặc ăn xương ống, xương chân gà sẽ chống được còi xương, mà nên nhớ rằng trẻ cần được ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, ăn được nhiều thì trẻ sẽ mau lớn và cứng cáp dù đó là thức ăn lỏng và mềm. PGS.TS Lê Thị Thu (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) |
BS. Đào Thị Yến Thủy
Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM