Khoai tây giàu tinh bột, vitamin A, C và kali. Một củ khoai tây hấp chứa đến 252 kalo.
Thời điểm cho bé ăn khoai tây
Do khoai tây nhiều tinh bột, ít các chất dinh dưỡng khác nên các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ nên cho bé ăn khoai tây khi bé được khoảng 8 tháng tuổi. Thời điểm này, bé cần nhiều carbonhydrat để phát triển.
Cách chọn và bảo quản khoai tây
Nên chọn loại khoai có vỏ màu vàng nâu nhạt. So với loại khoai vỏ trắng, loại khoai này mịn và bở hơn khi được hấp chín và dầm nhuyễn. Đảm bảo rằng khoai không mọc mầm hoặc có những đốm xanh.
Cách bảo quản khoai tốt nhất là để khoai ở nơi khô, mát, tránh ánh nắng mặt trời. Tránh dự trữ khoai tây trong ngăn đá. Cũng không nên để khoai ở khu vực ẩm ướt vì như thế, nó sẽ dễ mọc mầm.
Cách chế biến
Hấp là cách chế biến giữ được nhiều dinh dưỡng trong khoai. Ngoài ra, bạn có thể thái hạt lựu và luộc chín khoai trước khi nghiền nhuyễn và cho bé thưởng thức.
1. Khoai tây nghiền nhuyễn
- Cách 1: Khoai tây rửa sạch, gọt vỏ, thái làm 4 rồi cho vào nồi hấp. Khi khoai đã chín mềm, có thể dùng thìa dầm nhuyễn khoai và cho bé thưởng thức. Ngoài ra, có thể thái khoai dạng hạt lựu và cho bé dùng tay bốc.
- Cách 2: Khoai tây rửa sạch, gọt vỏ, thái dạng hạt lựu và cho vào nồi luộc. Chú ý mực nước trong nồi chỉ cao hơn mực khoai một chút là được. Kiểm tra khoai và thêm
nước, nếu cần. Cuối cùng, dùng thìa dầm phần khoai đã được luộc chín và cho bé ăn. Có thể cho thêm chút nước luộc trong nồi để hỗn hợp khoai bớt đặc.
2. Hỗn hợp khoai tây và súp lơ (bông cải) xanh
- Luộc (hấp hoặc nướng) khoai tây cho đến khi khoai chín mềm.
- Dùng thìa dầm nhuyễn phần khoai đã chín, thêm chút nước, nếu cần. Thêm vào bát khoai một chút súp lơ (bông cải) xanh đã được hấp chín, thái nhỏ mịn. Trộn đều hỗn hợp và cho bé thưởng thức.
3. Khoai tây và bí xanh
- Bí xanh gọt vỏ, bỏ hạt được hấp (luộc) cho đến khi chín mềm. Khoai tây gọt vỏ được hấp (luộc) cho đến khi chín mềm.
- Bí xanh và khoai tây được thái dạng hạt lựu và cho bé dùng tay ăn bốc.
Thực phẩm trộn chung với khoai tây là: carrot, đậu đỗ, củ cải, bí xanh; thịt gà, thịt bò, thịt lợn.
Theo mevabe