Trong việc ăn uống, tâm lý trẻ thường có nhiều biến đổi khác nhau. Chúng sẽ làm cho bạn lúng túng nếu như bạn không có giải pháp thay đổi kịp thời đối với trẻ.
Hầu như trẻ nhỏ nào cũng có những vấn đề trong việc ăn uống như ăn rau, không ăn trái cây, chỉ thích ăn một món nào đó, không tự ăn... Trong những trường hợp đó, bạn có thể giải quyết bằng nhiều cách, tùy theo tâm lý của trẻ.
Trẻ không chịu uống sữa. Mẹ phải làm sao?
Bạn không cần quá lo lắng, tuy trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển và cần cung cấp nguồn can-xi có trong sữa nhưng không phải chỉ có sữa là thực phẩm duy nhất có chứa can-xi. Nếu trẻ trì hoàn việc uống sữa, bạn hãy thử cho trẻ tiêu thụ thực phẩm khác có chứa sữa hoặc thực phẩm có thành phần cơ bản từ sữa như phô-mai, yaourt...
Khi đã quen những thức ăn này, khẩu vị của trẻ cũng thay đổi theo và sau đó, trẻ sẽ uống sữa dễ dàng hơn. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm nguồn can-xi cần thiết cho trẻ từ những thực phẩm thông thường, chẳng hạn món cá mòi cũng chứa nhiều can-xi.
Trong việc ăn uống, tâm lý trẻ thường có nhiều biến đổi khác nhau
Trẻ không ăn hết khẩu phần của mình, mẹ không hài lòng
Khi trẻ nhõng nhẽo không muốn kết thức khẩu phần của mình trong khi bạn tỏ ra bất lực phải chiều theo ý của trẻ, có thế trẻ đã quá no so với khẩu phần bạn muốn ép trẻ ăn. Hoặc nếu như trẻ em ăn quá ít so với khẩu phần qui định, bạn không cần phải dùng sữa hoặc thứ ăn khác để thay thế cho trẻ. Thay vào đó, hãy chờ trong chốc lát cho trẻ cảm thấy đói bụng trở lại và sẽ ăn tiếp. Điều quan trọng là bạn cho trẻ ăn uống sao cho đủ khẩu phần trong ngày một cách hợp lý.
Các chuyên gia về dinh dưỡng cho biết, cảm giác ngon miệng của trẻ có khuynh hướng thay đổi thất thường khi còn nhỏ trong một thời gian dài. Vì thế, nếu thỉnh thoảng trẻ ăn ít phần của mình hơn so với thường lệ thì vào hôm sau, trẻ có thể ăn nhiều hơn. Bạn nên đồng thời nắm được ý thích của trẻ để chế biến cho trẻ những món ăn đầy đủ dinh dưỡng và hợp với khẩu vị của trẻ.
Trẻ chỉ uống nước ngọt thay cho nước lọc làm mẹ khó xử
Nếu trẻ chỉ thích uống một loại nước ngọt và không muốn uống nước lọc, bạn sẽ cảm thấy bực mình vì uống nước khoáng giúp tiêu hóa tốt, còn nước ngọt chứa nhiều calorie. Do vậy, nếu uống quá nhiều nước ngọt sẽ làm cho trẻ tăng cân nhanh chóng. Ngoài ra, thành phần đường của nước ngọt còn gây ra những tác nhân dẫn đến sâu răng.
Bạn không thể đột ngột bắt trẻ ngưng uống nước ngọt mà nên "dung hòa" bằng cách cho trẻ uống nước chanh, vẫn là nước nhưng có vị ngọt. Có thể tập cho trẻ uống nước chanh theo cách chế biến sau: Cho nước lọc đun sôi để nguội vào một cái chén lớn, vắt vào nước lát chanh tươi mỏng và cho thêm chất làm ngọt nhân tạo không có chứa calorie, chẳng hạn như đường sucroza. Sau đó, bạn dần dần bớt lượng đường trong nước chanh mỗi khi cho trẻ uống cho đến khi trẻ có thể uống không cần đường. Giải pháp này sẽ giúp trẻ "yêu" việc uống nước lọc được đun sôi để nguội một cách dễ dàng hơn.
Trẻ mải chơi trong giờ ăn khiến mẹ bực mình
Nếu trẻ vòi vĩnh được chơi đùa trong lúc ăn, nhưng bạn không đồng ý, hãy tập cho trẻ cách ăn mà không làm thêm việc gì khác trong khi ăn bằng cách hãy làm gương trước cho trẻ. Điều này rất quan trọng mà bạn cần luyện tập cho trẻ ngay từ lúc còn nhỏ, đặc biệt khi trẻ bắt đầu biết tự ăn một mình.
Bạn tránh cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi (điều này có nghĩa là bạn cũng không nen xem tivi khi ăn), vì sẽ làm cho giờ ăn càng diễn ra lâu hơn. Nó đồng thời làm cho trẻ mất tập trung khi ăn và không cảm nhận được hương vị của món ăn. Thói quen này còn tiềm ẩn tính thiếu độc lập của trẻ khi lớn lên. Còn nếu như bạn chấp nhận cho trẻ vừa ăn vừa chơi, bạn sẽ phải "chịu đựng" điều này của trẻ cho đến khi trẻ lớn.
Trẻ từ chối ăn rau, làm mẹ lo lắng
Nếu trẻ một mực khước từ những món rau bổ dưỡng, bạn nài ép không được và đồng ý với trẻ. Điều này không có nghĩ là bạn luôn làm theo sở thích của trẻ, nhưng bạn cần sử dụng chiến lược khác để trẻ phải tiêu thụ món rau. Bạn không nên ép buộc trẻ ăn rau nếu trẻ chưa muốn ăn vì điều này có thể làm cho trẻ bị tổn thương khi nhìn thấy món rau và trẻ sẽ không bao giờ muốn nếm thử nó.
Thay vào đó, bạn cố gắng cho trẻ ăn thử những món rau có vịt ngọt hoặc trộn thêm rau với các thức ăn mà trẻ yêu thích hay chế biến món ăn chính hoặc ăn chơi, ăn nhẹ... Ngoài ra, nếu trẻ nhìn thấy bạn ăn rau, trẻ sẽ bắt chước ăn giống như bạn vậy.
Trẻ không tuân thủ nguyên tắc ăn uống, làm mẹ khó chịu
Tuy bạn có quyền bắt trẻ phải tuân thủ những nguyên tắc về ăn uống theo ý của mình, nhưng trẻ đôi khi lại làm trái ý. Trẻ càng lớn, càng nhận thức được nhiều điều mới về đồ ăn và thức uống vì thế, bạn có thể linh động giải quyết vấn đề tùy theo tình huống. Chẳng hạn như thỉnh thoảng cho trẻ ăn món kem hoặc sô-cô-la mà trẻ vẫn thích và xem đồ giống như phần thưởng dành cho trẻ khi trẻ ngoan, biết vâng lời.
Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận nếu như trẻ đặc biệt tỏ ra quá yêu thích một thực phẩm hoặc thức uống nào đó, vì trẻ sẽ có khuynh hướng đòi hỏi một cách thường xuyên hơn và từ chối những thức ăn bổ dưỡng khác mà trẻ không thích. Trường hợp này bạn cần tỏ ra cương quyết từ chối trẻ, nếu không, việc cho trẻ ăn uống vô độ theo ý thích sẽ làm cho trẻ dễ mắc bệnh.
Tập trẻ tự ăn
Khi trẻ lên hai tuổi, bạn nên bắt đầu cho trẻ ăn chung cùng gia đình. Một nguyên tắc cơ bản là trước khi ăn, trẻ bắt buộc phải rửa tay sạch sẽ. Nếu trẻ còn nhỏ, bạn nên mặc yếm hoặc đeo khăn cho trẻ khi để trẻ ngồi vào bàn ăn cùng mọi người trong gia đình, ăn theo giờ giấc nhất định trong ngày...
Trong bầu không khí sum họp trên bàn ăn, trẻ sẽ học được cách quan sát thói quen ăn uống từ những người thân và cũng sẽ tập ăn theo mọi người, không tự tiện "thích gì ăn nấy" như khi ăn một mình. Điều này còn góp phần tạo nên bầu không khí gia đình ấm áp đối với trẻ, từ đó sẽ hình thành một thói quen tốt khi trẻ ngồi vào bàn ăn.
Theo Tin Tức