Cha mẹ không nên bỏ qua cử chỉ của bé khi ăn, đặc biệt là khi bé thử một món ăn mới. Khi bé không thích hương vị hoặc chán ngán với thức ăn, bé sẽ gửi thông điệp khó chịu tới bạn.
Những dấu hiệu sau cho thấy bé không hào hứng với món mới:
- Quay đầu đi.
- Ngậm chặt miệng lại.
- Nhè thức ăn khỏi miệng.
- Cáu kỉnh.
Cách xử trí
Cha mẹ không nên lo lắng hoặc không tìm cách bỏ cuộc sớm. Giống như người lớn, bé cần thời gian để làm quen và yêu thích một món ăn; có những món hợp khẩu vị với bé và có những món thì không. Hơn nữa, trong khoảng thời gian mới ăn dặm, kỹ năng tiếp nhận thức ăn bằng thìa và khả năng nuốt ở bé còn kém. Nếu bé thực sự không muốn ăn, bạn không nên ép bé. Thay vào đó, nên chọn một thời điểm thích hợp khác để cho bé tập ăn lại một món mới.
Bạn nên tôn trọng sở thích cá nhân của bé: những món bé ưa thích và những món bé ghét. Nếu bạn cố ép bé ăn món bé không thích hoặc cho ăn khi bé buồn bã, cáu kỉnh, mệt mỏi, đã no... thì nhiều khả năng, những lần sau đó, bé không muốn thử lại món này nữa. Tốt nhất, bạn có thể chuyển qua cho bé thử một món khác trước. Khoảng một vài tuần tiếp theo, bạn mới nên tập lại cho bé ăn món này vì khẩu vị của các bé có thể thay đổi theo thời gian.
Nếu bé tỏ ra ngon miệng với một món mới, bạn có thể tăng khẩu phần lên một chút.
Thói quen ăn dặm của bé trong những tháng đầu đời có khả năng ảnh hưởng đến sở thích ăn uống trong nhiều năm sau đó. Nếu bị cha mẹ bắt ép, bé sẽ bị áp lực tới mức chán ăn hoặc ăn uống vô tội vạ, dễ bị thừa cân.
Theo mevabe.net