Lê giàu chất xơ, kali và vitamin C. Giống các loại quả khác, chất xơ có trong lê chứa nhiều axit tự nhiên, có tác dụng giảm ung thư, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch và duy trì lượng cholesterol cân bằng.
Trong quả lê có chứa tới 2 loại đường là glucose và fructose. Lê cũng được xem như "bài thuốc" xoa dịu cho bé mắc táo bón.
Thời điểm cho bé ăn lê
Lê được coi là sự lựa chọn hợp lý dành cho bé tập ăn dặm (khoảng 4-6 tháng tuổi).
Cách chế biến
Khi mới cho bé tập ăn lê, bạn có thể hấp lê cho đến khi lê chín mềm nhưng với bé khoảng 7-8 tháng tuổi, bạn nên cho bé ăn lê tươi. Lúc này, lê không cần được hấp hay nấu chín vì bản thân lê chín đã mềm và dễ tiêu hóa.
Một số cách chế biến quả lê như sau:
1. Lê nghiền nhuyễn
Có thể hấp (hoặc không hấp) vài miếng lê nhỏ, chín, đã được gọt sạch vỏ, bỏ hạt. Tiếp đến, nghiền nhuyễn lê thành hỗn hợp sền sệt và cho bé thưởng thức. Nếu hỗn hợp quá đặc, có thể thêm vào chút nước đun sôi để nguội.
Cách 2: Cắt lê đã được gọt vỏ, bỏ hạt thành những miếng nhỏ rồi cho vào nồi nấu. Thêm ít nước lọc hoặc nước táo ép. Đậy vung và đun nhỏ lửa cho đến khi lê chín mềm. Có thể dùng thìa dầm nhuyễn hoặc dùng máy xay để xay nhuyễn lê. Cuối cùng, múc một ít lê được nghiền nhuyễn ra cốc hoặc bát và cho bé thưởng thức.
2. Lê trộn với bột ăn dặm
Trước tiên, lê được gọt vỏ, bỏ hạt và thái thành khúc nhỏ. Tiếp đến, bạn nghiền nhừ lê và dùng hỗn hợp lê như một loại rau, trộn vào bột ăn dặm dành cho bé.
Những thực phẩm có thể trộn chung với lê là: táo, quả bơ, chuối, xoài, đào, khoai lang, thịt gà, sữa chua.
Theo mevabe