Khi bé tiêu chảy, có thể luân phiên chọn một trong số những loại nước sau: nước đun sôi để nguội, nước dừa, sữa mẹ... Trong đó sữa mẹ được coi là thức ăn tốt nhất cho bé lúc này vì sữa mẹ đầy đủ chất dinh dưỡng, lại có yếu tố bifidus - chất cần thiết để cân bằng môi trường đường ruột.
Tiêu chảy, có thể kèm nôn (trớ) dễ dẫn tới hiện tượng mất nước; do đó, cha mẹ nên chú ý phòng tránh tình trạng này cho bé. Sau từng khoảng thời gian ngắn, bạn cần cho bé uống một vài thìa chất lỏng.
Nếu bé bị nôn (trớ), nên đợi khoảng 15-30 phút mới nên bắt đầu cho bé uống nước. Có thể cho bé uống nước dừa hoặc ăn một chút cháo loãng.
Nên đưa bé đi khám ngay nếu bé tiếp tục bị nôn sau khi ăn, bị sốt hoặc có dấu hiệu bị mất nước.
Ngoài ra, trong thời gian bé bị tiêu chảy, cha mẹ nên cho bé ăn thức ăn nhẹ và mềm để bé dễ tiêu hóa; chẳng hạn, cháo gạo trắng loãng, cháo thịt nạc, cháo carrot thịt nạc, carrot hầm nhừ (carrot rửa thật sạch, để nguyên vỏ trước khi chế biến được xem như món ăn có lợi cho bé tiêu chảy), soup gà, khoai tây hầm nhừ, khoai lang hầm nhừ...
Nên nhớ cho bé ăn một lượng thịt ít hơn thường ngày (nếu cho bé ăn nhiều chất đạm, bé sẽ khó tiêu hóa). Trường hợp này, cha mẹ nên chọn loại sữa dành cho bé bị tiêu chảy vì lượng đường trong sữa tuy thấp nhưng nó vẫn chứa đủ các chất dinh dưỡng khác.
Táo và chuối chín là hai loại quả thích hợp cho bé bị tiêu chảy vì chúng chứa nhiều kali, giúp cơ thể nhanh hồi phục. Có thể hấp hoặc hầm nhừ táo để bé dễ tiêu hóa.
Tránh cho bé ăn những thức ăn nhiều đường, hoa quả nhiều đường gây nặng nề cho hệ tiêu hóa. Cha mẹ cũng không nên cho bé tiêu chảy uống nước hoa quả hoặc nước ngọt vì đồ uống này sẽ khiến chứng tiêu chảy ở bé trầm trọng hơn.
Nên tránh cho bé ăn thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Một số bé uống sữa cũng khiến tiêu chảy nặng thêm do phản ứng với lactose có trong sữa.
Nên cho bé ăn nhiều bữa nhỏ, thường xuyên thay vì chú trọng đến khẩu phần của một bữa lớn. Cũng không nên bắt ép bé ăn mà có thể để bé tự chọn món ăn yêu thích, bé sẽ hấp thu được nhiều thức ăn hơn bạn nghĩ.
3 cấp độ khi bé bị mất nước
- Mất nước nhẹ: Bé khát nước và dường như muốn uống nước liên tục. Bé quấy khóc nhiều và chỉ khi được uống nước, bé mới tỏ ra ngoan ngoãn.
- Mất nước vừa: Ngoài khát nước, bé còn xuất hiện những dấu hiệu như miệng khô, mắt khô và da nhăn nheo. Bé có thể bị lõm thóp, mắt trũng lại; bé khóc không có nước mắt, nước dãi...
- Mất nước nặng: Ngoài những dấu hiệu trên, bé sẽ xuất hiện những triệu chứng nặng hơn như lừ đừ, hôn mê hoặc co giật.
Theo mevabe.net