Dinh dưỡng
   Cách chế biến thức ăn cho trẻ
 

Trẻ càng nhỏ, thức ăn càng phải xay nhỏ, băm nhỏ, giã nhỏ. Khi bắt đầu tập trẻ ăn bổ sung phải cho ăn cả cái, không nên chỉ ăn nước, kể cả rau.

Nấu bột cho trẻ 5-6 tháng tuổi
+ Bột gạo 2 thìa cà phê (10g bột).
+ Lòng đỏ trứng gà: 1/2 quả hoặc thay thế bằng 2 thìa cà phê thịt, tôm, cá (giã nhuyễn, băm nhỏ ăn cả cái).
+ 10g rau xanh (1 thìa cà phê bột rau giã nhỏ) cho rau khi bột đã chín, đun sôi nhấc ra ngay.
+ Dầu ăn hoặc mỡ: 1/2- 1 thìa cà phê.

Nấu bột cho trẻ 7-12 tháng tuổi
+ Bột gạo 4-5 thìa cà phê (20-25g bột).
+ Lòng đỏ trứng gà: 1 quả hoặc thay thế bằng 3 thìa cà phê thịt, tôm, cá (giã nhuyễn, băm nhỏ ăn cả cái).
+ 20g rau xanh (2 thìa cà phê bột rau băm nhỏ) cho rau khi bột đã chín, đun sôi nhấc ra ngay.
+ Dầu ăn hoặc mỡ: 1-2 thìa cà phê.

Nấu cháo cho trẻ 13-24 tháng
Có thể nấu một nồi cháo trắng nhừ đến mỗi bữa múc một bát vào xoong con rồi cho thêm thịt, cá, trứng, tôm, gan, đậu phụ ... + rau xanh và dầu mỡ như nấu bột nhưng số lượng nhiều hơn.

Nấu cơm nát cho trẻ từ 24-36 tháng tuổi
Nấu cơm nhiều nước hơn bình thưòng rồi nấu canh thịt, cá, tôm, cua trộn với cơm cho trẻ ăn, không nên chỉ cho trẻ ăn nước rau luộc trộn cơm.

Hoặc có thể nấu kiểu cơm nát thập cẩm như sau: dùng các loại củ như: bí đỏ, su hào, khoai tây... cắt nhỏ 2x3 cm, đun chín nhừ nghiền nát cho gạo vào nước rau củ để nấu cơm, thịt, cá băm nhỏ mỗi bữa 30-40g cho vào hấp khi cơm đã chín, nếu dùng thịt nạc, cá, tôm... thì phải cho thêm 1-2 thìa dầu mỡ trộn đều cho trẻ ăn.

Biểu đồ tăng trưởng của bé. Nguồn: nestle.com.vn

Trẻ trên 36 tháng
Có thể ăn cơm như người lớn nhưng cần ưu tiên thức ăn và ăn thêm các bữa phụ.

Cần xóa bỏ quan niệm cho rằng trẻ ăn cơm sớm sẽ cứng cáp, hoặc ăn xương ống, xương chân gà sẽ chống được còi xương, mà nên nhớ rằng trẻ cần được ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, ăn được nhiều thì trẻ sẽ mau lớn và cứng cáp dù đó là thức ăn lỏng và mềm.

Muốn biết trẻ đã được ăn uống đúng và đầy đủ chưa, hãy theo dõi cân nặng của trẻ trên biểu đồ phát triển, nếu trẻ lên cân đều đặn tương ứng với kênh A trên biểu đồ là trẻ đã được nuôi dưỡng tốt. Còn không lên cân, hoặc tụt cân, tức là đường biểu diễn cân nặng nằm ngang hoặc đi xuống, thì có thể trẻ bị bệnh hoặc nuôi dưỡng không đúng.

Nguồn: Viện Thông tin - Thư viện Y học Trung ương
Theo Phunuonline

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Về cách chế biến thức ăn cho bé
Ngày gửi: 8/3/2009 3:46:15 AM

Kính gửi Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non,
Kính gửi Viện Thông tin - Thư viện Y học Trung ương,

Cũng chung tinh thần với bài nhận xét “Từ "Trẻ biếng ăn, tại sao?" đến phương pháp cho bé ăn dặm” mà tôi đã gửi tới Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non và bác sĩ Nguyễn Lân Đính ngày 1/8/2009, sau khi đọc bài “Cách chế biến thức ăn cho trẻ” đăng ngày 16/7/2009, tôi nhận thấy như sau:

1. Theo nội dung của bài “Cách chế biến thức ăn cho trẻ” thì giai đoạn tập ăn cho bé mất 31 tháng kéo dài từ khi bé được 5 tháng tuổi đến khi bé được 36 tháng tuổi và được chia làm 4 giai đoạn:
- Bé 5-6 tháng tuổi ăn bột
- Bé 7-12 tháng tuổi ăn bột
- Bé 13-24 tháng tuổi ăn cháo
- Bé 24-36 tháng tuổi ăn cơm nát

Trong khi đó, theo phương pháp ăn dặm của Nhật mà tôi đã áp dụng thành công với con mình thì thời gian tập ăn cho bé chỉ mất 10 tháng bắt đầu khi bé được 5 tháng tuổi và kết thúc khi bé được 15 tháng tuổi và cũng được chia làm 4 giai đoạn:
- Bé 5-6 tháng tuổi ăn cháo dạng bột. Cháo được nấu với tỉ lệ 1:10 (1 gạo + 10 nước), sau đó nghiền nhuyễn, rây qua lưới thành dạng bột cho bé ăn.
- Bé 7-8 tháng tuổi ăn cháo nguyên hạt. Cháo được nấu với tỉ lệ 1:7 (1 gạo + 7 nước), để nguyên hạt cho bé ăn, không cần nghiền nữa.
- Bé 9-11 tháng tuổi ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:5 (1 gạo + 5 nước).
- Bé 12-15 tháng tuổi ăn từ cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:3 (1 gạo + 3 nước, tương đương với cơm nát) rồi đến cơm.

Như vậy, theo phương pháp ăn dặm của Nhật thì bé chỉ cần tập ăn cháo dạng bột trong vòng 2 tháng, sau đó chuyển sang tập ăn cháo nguyên hạt loãng trong vòng 2 tháng và cháo nguyên hạt đặc hơn trong vòng 3 tháng, đến khi bé được 1 tuổi thì chuyển sang tập ăn cơm nát, và đến 15 tháng tuổi thì bé có thể ăn được cơm rồi.

Người Nhật thường cho bé ăn cháo trắng với thức ăn nấu riêng và họ có cách nấu cháo cho bé khá tiện lợi. Nếu bố mẹ hàng ngày nấu cơm bằng nồi cơm điện thì có thể đặt thêm lon cháo cho bé trong nồi cơm điện. Ví dụ đối với cháo tỉ lệ 1:10, cho 5 ml gạo + 50 ml nước vào một lon inox, đặt vào nồi cơm điện nấu cùng, khi cơm chín thì phần gạo trong lon inox sẽ thành cháo, đem cháo nghiền nhuyễn và rây qua lưới sẽ được bột cháo cho bé ăn. Bé 5-6 tháng tuổi mỗi bữa chỉ ăn khoảng 30-40 ml cháo nên chỉ cần nấu 5 ml gạo là đủ.

2. Theo bài “Cách chế biến thức ăn cho trẻ” thì bé được tập ăn bột trong thời gian quá dài từ 5 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi. Như vậy, có thể hình dung bé thực hành bài học nuốt thức ăn dạng bột suốt 7 tháng. Trong khi đó, em bé Nhật chỉ thực hành bài này trong 2 tháng (5-6 tháng tuổi). Sang giai đoạn 7-8 tháng tuổi bé chuyển sang ăn cháo nguyên hạt để có phản xạ nhai. Việc tập cho bé có phản xạ nhai có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tập cho bé ăn. Khi chỉ có vài chiếc răng bé vẫn có thể nhai cháo và thức ăn bằng lợi. Dần dần, bé sẽ có thêm nhiều răng hơn và kỹ năng nhai của bé cũng sẽ điêu luyện hơn. Hơn nữa, việc cho bé ăn cháo nguyên hạt còn tập cho bé nuốt thức ăn thô hơn, điều này giúp bé tránh bị ọe thức ăn như nhiều bé Việt Nam thường mắc phải, vì bé Việt Nam được ăn thức ăn dạng bột trong thời gian quá dài. Ngoài ra, nếu bé chỉ nuốt thức ăn dạng bột quá lâu bé có thể chậm có phản xạ nhai, đến khi đã có nhiều răng bé vẫn nhai kém, nhai yếu.

3.Trong khi em bé Nhật 12-15 tháng tuổi đã được tập ăn cơm nát và cơm thì bé Việt Nam vẫn đang tiếp tục ăn cháo đến 24 tháng tuổi. Hơn nữa, em bé Nhật được tập ăn cháo trắng và thức ăn riêng, nên bé cảm nhận được mùi vị của từng loại thực phẩm. Từ đó, bé sẽ biết mình thích hay không thích món gì. Trong khi đó, theo công thức trong bài “Cách chế biến thức ăn cho trẻ” thì cháo được trộn với “thịt, cá, trứng, tôm, gan, đậu phụ ... + rau xanh và dầu mỡ” thành các loại cháo thập cẩm. Như vậy, cho dù có thay đổi các loại “thịt, cá, trứng, tôm, gan, đậu phụ ... + rau xanh” đi nữa thì đó vẫn là một loại cháo thập cẩm, bé sẽ không được cảm nhận mùi vị của từng loại thực phẩm, điều này khiến cho bé cảm nhận những thứ mà bé được ăn hàng ngày ná ná như nhau, dần dần bé sẽ ngán và không muốn ăn hoặc ăn ít, thậm chí nhiều bé mắc tật ngậm thức ăn vì không muốn nuốt nữa. Và hầu như đến lúc này thì các mẹ bắt đầu ca thán việc con mình biếng ăn, kéo theo là một loạt vấn đề như trong bài “Bi hài chuyện cho con ăn” đăng trên Vnexpress ngày 31/10/2008 (http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2008/10/3BA07DE5/)

Trong khi đó, em bé Nhật đến 12-15 tháng tuổi đã có thể ăn cơm nát và cơm như người lớn. Và vì bé được ăn thức ăn riêng nên thực đơn của bé vô cùng phong phú. Hơn nữa, lúc này bé đã biết tự bốc, tự xúc ăn, thức ăn của bé được chế biến thành dạng viên, miếng, sợi sao cho bé có thể tự bốc ăn. Do đó, đến lúc này mẹ không cần phải đút từng muỗng cho bé nữa mà bé đã có thể tự xử lý được một phần bữa ăn của mình. Vài trò của mẹ lúc này chỉ là hỗ trợ thêm cho bé mà thôi. Và bữa ăn của bé chỉ kết thúc trong vòng 15-30 phút. Nếu ăn cùng bố mẹ thì bé sẽ kết thúc cùng với bố mẹ, bố mẹ sẽ không phải mất thời gian chờ bé ăn lâu.

Trên đây là một vài nhận xét cũng như ý kiến tôi xin được chia sẻ với Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non, Viện Thông tin - Thư viện Y học Trung ương và các mẹ đang nuôi con ăn dặm. Bởi đây cũng chỉ là suy nghĩ của riêng tôi thông qua kinh nghiệm của bản thân nên tôi rất mong nhận được thông tin phản hồi từ Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non, Viện Thông tin - Thư viện Y học Trung ương và các mẹ đang nuôi con ăn dặm.
Xin cám ơn.

Osaka, ngày 3/8/2009

Một độc giả của http://www.mamnon.com

(Thông tin phản hồi xin gửi vào địa chỉ dtmykhanh@yahoo.com)



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Thời điểm và cách cho bé ăn cà chua (16/7)
 Thực phẩm 'bổ não' cho bé lên 3 (15/7)
 Cho bé ăn đu đủ đúng cách (15/7)
 Hướng dẫn bé ăn thức ăn đặc (14/7)
 Những cách chế biến món táo cho bé ăn dặm (14/7)
 Dinh dưỡng cho trẻ trong ngày hè (13/7)
 Cho bé tập ăn nho (13/7)
 Gợi ý cho món táo tây của bé (11/7)
 3 câu hỏi khi bé dùng thêm sữa ngoài (11/7)
 Cách cho bé ăn bốc (10/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i