Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách chế biến thức ăn cho trẻ


Trẻ càng nhỏ, thức ăn càng phải xay nhỏ, băm nhỏ, giã nhỏ. Khi bắt đầu tập trẻ ăn bổ sung phải cho ăn cả cái, không nên chỉ ăn nước, kể cả rau.

Nấu bột cho trẻ 5-6 tháng tuổi
+ Bột gạo 2 thìa cà phê (10g bột).
+ Lòng đỏ trứng gà: 1/2 quả hoặc thay thế bằng 2 thìa cà phê thịt, tôm, cá (giã nhuyễn, băm nhỏ ăn cả cái).
+ 10g rau xanh (1 thìa cà phê bột rau giã nhỏ) cho rau khi bột đã chín, đun sôi nhấc ra ngay.
+ Dầu ăn hoặc mỡ: 1/2- 1 thìa cà phê.

Nấu bột cho trẻ 7-12 tháng tuổi
+ Bột gạo 4-5 thìa cà phê (20-25g bột).
+ Lòng đỏ trứng gà: 1 quả hoặc thay thế bằng 3 thìa cà phê thịt, tôm, cá (giã nhuyễn, băm nhỏ ăn cả cái).
+ 20g rau xanh (2 thìa cà phê bột rau băm nhỏ) cho rau khi bột đã chín, đun sôi nhấc ra ngay.
+ Dầu ăn hoặc mỡ: 1-2 thìa cà phê.

Nấu cháo cho trẻ 13-24 tháng
Có thể nấu một nồi cháo trắng nhừ đến mỗi bữa múc một bát vào xoong con rồi cho thêm thịt, cá, trứng, tôm, gan, đậu phụ ... + rau xanh và dầu mỡ như nấu bột nhưng số lượng nhiều hơn.

Nấu cơm nát cho trẻ từ 24-36 tháng tuổi
Nấu cơm nhiều nước hơn bình thưòng rồi nấu canh thịt, cá, tôm, cua trộn với cơm cho trẻ ăn, không nên chỉ cho trẻ ăn nước rau luộc trộn cơm.

Hoặc có thể nấu kiểu cơm nát thập cẩm như sau: dùng các loại củ như: bí đỏ, su hào, khoai tây... cắt nhỏ 2x3 cm, đun chín nhừ nghiền nát cho gạo vào nước rau củ để nấu cơm, thịt, cá băm nhỏ mỗi bữa 30-40g cho vào hấp khi cơm đã chín, nếu dùng thịt nạc, cá, tôm... thì phải cho thêm 1-2 thìa dầu mỡ trộn đều cho trẻ ăn.

Biểu đồ tăng trưởng của bé. Nguồn: nestle.com.vn

Trẻ trên 36 tháng
Có thể ăn cơm như người lớn nhưng cần ưu tiên thức ăn và ăn thêm các bữa phụ.

Cần xóa bỏ quan niệm cho rằng trẻ ăn cơm sớm sẽ cứng cáp, hoặc ăn xương ống, xương chân gà sẽ chống được còi xương, mà nên nhớ rằng trẻ cần được ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, ăn được nhiều thì trẻ sẽ mau lớn và cứng cáp dù đó là thức ăn lỏng và mềm.

Muốn biết trẻ đã được ăn uống đúng và đầy đủ chưa, hãy theo dõi cân nặng của trẻ trên biểu đồ phát triển, nếu trẻ lên cân đều đặn tương ứng với kênh A trên biểu đồ là trẻ đã được nuôi dưỡng tốt. Còn không lên cân, hoặc tụt cân, tức là đường biểu diễn cân nặng nằm ngang hoặc đi xuống, thì có thể trẻ bị bệnh hoặc nuôi dưỡng không đúng.

Nguồn: Viện Thông tin - Thư viện Y học Trung ương
Theo Phunuonline