Tùy theo sự thay đổi của thời tiết, chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng khác nhau. Đặc biệt vào mùa nóng, do thời tiết oi bức nên dinh dưỡng của trẻ cần mát để giúp giải nhiệt cho cơ thể.
- Cho trẻ ăn nhiều hơn ngày thường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như rau dền, rau muống, bí, dầu... chúng giúp mang lại cảm giác mát mẻ đồng thời cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể, bổ sung chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.
- Bữa ăn của trẻ cần chia nhỏ và có nhiều canh rau, ít dầu mỡ, thức ăn nên có hương vị hấp dẫn, thơm ngon, hơi chua, hơi ngọt... giúp kích thích việc tiết dịch ở dạ dày đồng thời tăng cường tiêu hóa thức ăn. Cho trẻ ăn bổ sung bằng những bữa ăn nhẹ bổ mát như chè hạt sen, sữa, sữa chua, bánh flan...
- Thức ăn của trẻ cần tránh để ngoài nhiệt độ môi trường hơn hai tiếng đồng hồ. Tốt nhất nên nấu bữa nào ăn bữa đó và bảo quản trong tủ lạnh. Khi cần ăn, phải nấu sôi lại. Trẻ có thể vừa ăn vừa uống sữa lạnh để cung cấp thêm nước và chất dinh dưỡng.
- Cho trẻ uống đủ nước, khoảng 100ml/kg cân nặng/ngày. Cho trẻ uống thức uống có giá trị dinh dưỡng như sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua uống, sinh tố, nước ép trái cây. Nước giải khát như nước lọc, trà, nước khoáng, nước suối, nước tinh khiết và nước mát được chế biến theo cách dân gian như nước sâm, rau má...
Ngoài ra cần lưu ý những điều sau:
- Khi thời tiết trở nên nóng nực, trẻ thường nổi nhiều rôm sẩy. Vì thế, bạn cần cho trẻ uống thêm các loại nước mát và bổ dưỡng như nước ép bưởi, nước cam, nước dưa hấu, nước rễ tranh, sắn dây, mía lau... Trẻ sẽ bớt nổi mụn, nổi mẩn trên da đồng thời cơ thể của trẻ sẽ tăng sức đề kháng với các bệnh lý dễ xảy ra vào mùa nắng nóng.
- Bên cạnh đó, bạn cần chú ý những yếu tố về thời tiết có thể ảnh hưởng, thời tiết nóng ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ như:
- Trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy do thức ăn ôi, thiu, do vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở trong môi trường nóng ẩm cũng như nước đá không tinh khiết.
Theo Web Trẻ Thơ