Thấy con mới 8 tháng tuổi nôn ói, khó thở, vợ chồng anh Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) vội bế chạy đến bệnh viện. Sau khi hỏi thăm về chế độ ăn uống cùng các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bé bị dị ứng bởi protein sữa bò. Nếu không đến viện điều trị kịp thời sẽ tổn hại nặng đến sức khoẻ.
|
PGS Nguyễn Gia Khánh. |
Những triệu chứng nhận biết
Trường hợp của con anh Tuấn được các nhà chuyên môn gọi là "bất dung nạp sữa". Theo PGS Nguyễn Gia Khánh, Chủ nhiệm bộ môn Nhi, ĐH Y Hà Nội, đó là tình trạng trẻ có những phản ứng bất lợi với các thành phần của sữa bao gồm dị ứng đạm sữa, không hấp thu hết đường lactose.
PGS Khánh cho biết thêm, nghiên cứu mới nhất của ông và cộng sự về dị ứng sữa ở trẻ dưới 3 tuổi tại khu vực Hà Nội cho thấy, tần suất trẻ dị ứng sữa bò là 2,1% và nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Hậu quả chung của việc trẻ bất dung nạp với đường lactose trong sữa và dị ứng với sữa dẫn đến 1/3 số trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt.
"Nếu bố mẹ mắc các bệnh dị ứng, hen suyễn, phù, mề đay thì trong thời kỳ mang thai, người mẹ hãy tránh ăn các thức ăn có thể gây di ứng"
Bất dung nạp sữa do không dung nạp lactose có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn nhưng dị ứng sữa thì thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi. Theo PGS Khánh, theo diễn biến tự nhiên, cứ sau một thời gian dị ứng sữa bò, 50% số trẻ sẽ dung nạp được trong vòng 1 năm và 80% sẽ dung nạp được trước 3 tuổi. Tuy nhiên, trẻ vẫn có nguy cơ cao xuất hiện các bệnh dị ứng đường hô hấp. Ông cũng khuyến cáo đối với những gia đình có bố mẹ mắc các bệnh dị ứng, hen suyễn, phù, mề đay thì trong thời kỳ mang thai, người mẹ hãy tránh ăn các thức ăn có thể gây dị ứng như lạc, trứng...
Hiện tượng bất dung nạp sữa thường gặp ở trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi, do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do hệ miễn dịch và tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh. Hai tình trạng này có những triệu chứng khá giống nhau, đặc biệt ở đường tiêu hóa như: Nôn ói, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy, phân nhầy máu, kém bú, kém ngủ, tăng cân ít. Ngoài ra, trẻ có các triệu chứng ở da như phát ban, chàm, hăm tã dai dẳng, chảy nước mũi, ngứa mũi, ngạt mũi, khó thở... Sữa mẹ giảm tới 50% nguy cơ dị ứng
|
Thông tin này được GS Larry W.Williams, Giám đốc Y khoa Abbott Hoa Kỳ đưa ra tại Hội thảo "Bất dung nạp sữa ở trẻ - thực trạng và giải pháp" do Hội Nhi khoa Việt Nam tổ chức hôm 30 và 31/5. Theo GS Larry, với tiền sử bố mẹ bị dị ứng, cách tốt nhất là nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn từ 4 đến 6 tháng. Sữa mẹ sẽ giúp giảm được nguy cơ trẻ dị ứng sữa bò từ 30 đến 50%. Trong trường hợp trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ nữa và bị dị ứng sữa bò thì cố gắng sử dụng sữa bò có công thức thủy phân hoặc sữa có protein đậu nành tinh chế".
Khi trẻ bất dung nạp sữa, biện pháp hết sức quan trọng là sử dụng sữa không có lactose. Đối với trẻ em, tỷ lệ thiếu men lactase bẩm sinh dẫn đến không dung nạp đường lactose rất ít, đa số là thiếu men lactase thứ phát (hậu quả của tổn thương ruột non như tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài, ruột ngắn, suy dinh dưỡng nặng và các nguyên nhân gây tổn thương ruột non khác).
Theo PGS Nguyễn Gia Khánh, protein của sữa bò đã được thủy phân hoặc sữa đậu nành tinh chế là hướng giải quyết hữu hiệu cho trẻ bất dung nạp sữa. Tuy nhiên, PGS Khánh cũng nhấn mạnh: "Ở những trẻ này, việc bổ sung các dưỡng chất rất quan trọng. Nếu chúng ta chỉ quan tâm tìm các chất dinh dưỡng thay thế sữa bò mà không quan tâm tới sự phát triển của hệ thần kinh và thể chất thì đứa trẻ sẽ phát triển không toàn diện. Vì thế, song song với dùng sữa đậu nành tinh chế, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất khác cho con".
Thông thường, các bà mẹ có thể nhận biết các biểu hiện rối loạn tiêu hóa khi trẻ ăn sữa. Tuy nhiên, PGS Khánh cho rằng, bản thân các bà mẹ không phân biệt được những biểu hiện rối loạn là do bất dung nạp sữa hay dị ứng sữa. Vì thế, khi con có các biểu hiện trên, các bà mẹ nên đưa con đến các bác sĩ nhi khoa để có hướng điều trị thích hợp, tránh hậu quả trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu thiếu sắt do bất dung nạp sữa.
Nếu con bị dị ứng sữa, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ khi sử dụng các loại thực phẩm cho con phải luôn kiểm tra thành phần ghi trên nhãn, ngay cả đối với những sản phẩm quen dùng cũng không nên chủ quan vì có thể nhà sản xuất thay đổi thành phần. Cần thông báo cho người chăm sóc trẻ như người trông trẻ, cô giáo, ông bà về tình trạng dị ứng của trẻ. Ngoài ra, cần ghi rõ tiền sử dị ứng của trẻ trong "hồ sơ" để ghi nhớ thông tin. Nên chuẩn bị sẵn một số thuốc chống dị ứng tại nhà để dùng khi cần thiết. Trong trường hợp trẻ bị phản ứng phản vệ cấp, cần nhanh chóng đưa đi bệnh viện ngay. |
Theo giadinh.net.vn