Gọi là bữa phụ, nhưng đối với trẻ em chẳng có bữa ăn nào là phụ. Trẻ nhỏ ngoài 3 bữa ăn chính còn cần "phụ đạo" thêm 2 - 3 bữa ăn khác xen kẽ.
Nói cách khác, trẻ em cần được ăn 5 - 7 bữa mỗi ngày và bữa ăn nào cũng đều quan trọng như nhau.
Tại sao nên ăn nhiều bữa?
Trẻ nhỏ thì dạ dày cũng nhỏ và dạ dày của trẻ sẽ "nở" lớn dần theo tuổi. Cùng một lúc, trẻ không thể "kham" một bữa ú hụ mà dạ dày nhỏ xíu của bé không chứa nổi. Chia nhỏ chúng ra và bé sẽ "giải quyết" nhiều lần!
Phải liên tục "cơi nới diện tích" bao tử trẻ bằng những bữa ăn no nê để bé có đủ dinh dưỡng cho quá trình phát triển chiều cao, cân nặng, trí não.
Mẹ nên tăng lượng thức ăn dần dần mỗi 2 - 4 tuần sao cho vừa sức của trẻ. Đừng ép nhiều quá, bé sẽ bị Nôn ói ngay sau khi ăn. Tuy nhiên, do Sữa vón cục nhanh chóng trong dạ dày nên trẻ có thể bù nhiều hơn "thể tích" bao tử của trẻ.
Trẻ chủ yếu ăn các thức ăn lỏng như sữa, bột, cháo, bún, nui vốn ít năng lượng, mau tiêu, mau đói nên trẻ cần ăn nhiều lần, kể cả ban đêm. Dù vậy, mẹ cũng không nên quá cực đoan mà xốc ngược trẻ dậy đúng bốn giờ để ép trẻ ăn hoặc bú. Khi đói, trẻ sẽ tự khắc thức dậy và đòi "măm". Ban đêm, nên cho trẻ Bú hoặc uống Sữa để trẻ có thể nhanh chóng ngủ trở lại. Giấc ngủ của trẻ rất quan trọng giúp trẻ phát triển thể chất và nhất là tăng chiều cao.
Khi nào ăn bữa phụ?
Trẻ sơ sinh Bú Sữa 8 - 14 lần mỗi ngày tùy theo nhu cầu của trẻ. Khi trẻ 4 tháng tuổi, mẹ bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm với thức ăn sệt như bột sữa, bột ngũ cốc. Lúc này, thức ăn chủ yếu vẫn là Sữa và bữa ăn dặm được xem là bữa phụ. Dần dà, lượng thức ăn đặc (bột, cháo) ngày càng tăng dần lên, thay thế dần các cữ sữa.
Đến 6 tháng tuổi, mỗi ngày bé cần ăn 2 bữa phụ với đủ bốn nhóm thực phẩm (bột, đạm, rau, dầu) cùng với 6 - 8 cữ sữa. Sau 8 tháng, mẹ có thể cho trẻ ăn cháo. Hơn 1 tuổi, trẻ tập ăn nui, bún.
Khoảng 2 tuổi thì ăn được cơm ngày 3 bữa và 4 - 5 cữ Sữa mỗi ngày. Nếu bé ăn được quá ít, nên cho trẻ ăn thêm chút gì khác như bánh flan, Sữa chua, kem, trái cây hoặc uống thêm một ít Sữa cho đủ no bụng. Từ 3 tuổi trở lên, 3 bữa chính của trẻ không có cơm thì phải có hủ tíu, nui và cộng thêm ít nhất là 3 cữ Sữa (200 ml/cữ) mỗi ngày.
Nên phân chia thời gian và thức ăn ra sao?
Có thể cho trẻ em ăn sau khi trẻ thức dậy khoảng 30 phút. Bữa tiếp theo cách nhau khoảng 2 -3 giờ sau. Các bữa ăn nên đổi món để trẻ ăn ngon miệng hơn. Khoảng cách các bữa lâu không nên quá 4 giờ, sẽ không có đủ thức ăn cần thiết trong ngày cho trẻ.
Bữa phụ không chỉ là ly nước cam, cái bánh quy, viên kẹo hay vài múi quýt là được, vì sẽ không cung cấp đủ lượng và chất cần thiết cho trẻ. Nhưng món ăn vặt này nên ăn ngay sau bữa ăn chính như là món tráng miệng, không nên ăn rải rác suốt ngày sẽ làm bé bị "no ngang", khiến bé không ăn đủ khẩu phần cần thiết trong bữa chính.
Đối với trẻ em, tổng lượng thức ăn trong ngày mới là quan trọng. Nếu thức ăn không "hợp khẩu" lắm, trẻ ăn ít hơn. Nhưng mẹ vẫn có thể cho trẻ uống bù thêm một ít Sữa ngay sau khi ăn hoặc cho trẻ ăn cữ sau sớm hơn một chút.
Trái cây tươi, Sữa chua, kem, bánh quy, phô mai, đậu hũ nước đường là những món ăn "phụ thêm" để bổ sung vào bữa chính hoặc thỉnh thoảng thay thế một cữ sữa. Tuy nhiên, cơm (với thịt cá, rau củ, dầu mỡ) và Sữa mới là những thức ăn cung cấp năng lượng chính yếu của trẻ em.
Trẻ tăng cân và chiều cao đều đặn theo đúng Biểu đồ tăng trưởng khi trẻ được ăn uống đầy đủ và phù hợp. Nếu thấy trẻ không lên cân hay chậm lên cân vài tháng liên tiếp, nên xem lại chế độ ăn. Đặc biệt, tăng cường các bữa phụ ngoài cơm, các món tráng miệng trong bữa chính giúp trẻ có đủ dưỡng chất cần thiết để phát triển trong những năm tháng đầu đời.
Thành phần dinh dưỡng của trẻ (200 ml cháo /bột) gồm bốn nhóm:
Bột hoặc cháo (cơm, bún, hủ tíu, nui...) và 2 muỗng canh chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, gan, trứng, đậu hũ...) băm nhuyễn, đong ngang miệng muỗng.
2 muống canh lá rau, củ, bí bầu băm nhuyễn.
1-2 muỗng canh dầu ăn (mè, nành...)
Chế độ ăn trẻ em:
- Trẻ sơ sinh: Bú mẹ theo yêu cầu (ngày 10 - 14 lần).
- 4 - 6 tháng: Tập ăn dặm bột sữa, Bú mẹ nhiều lần.
- 6 - 8 tháng: 1 chén bột (mặn/ngọt), ngày 2 bữa. Sữa (120 ml - 150 ml), ngày 6 lần.
- 9 - 12 tháng: 1 chén bột /cháo, ngày 3 bữa. Sữa (180 ml - 200 ml), ngày 4 - 5 lần.
- 13 - 24 tháng: 1 chén bột /cháo, ngày 3 - 4 bữa. Sữa (200 ml), ngày 3 - 4 lần.
- 24 - 30 tháng: Sáng: Cháo, bún, hủ tíu: 1 chén. Cơm: 1/2 chén, ngày 2 bữa trưa, tối. Sữa (200ml), ngày 3 - 4 lần.
- 30 tháng - 6 tuổi: Cơm 1 chén, ngày 3 - 4 bữa. Sữa (200 ml), ngày 3 - 4 lần.
- 7 - 10 tuổi: Cơm 1 - 2 chén, ngày 3 - 4 bữa. Sữa (200 ml), ngày 3 - 4 lần.
Theo Mẹ yêu bé