Trẻ mầm non thể hiện sở thích của mình rất đa dạng. Các cháu thông minh, hiếu động và thường thích tự làm lấy mọi thứ, không muốn người lớn làm hộ... vì muốn thể hiện khả năng của mình. Vì thế, bố mẹ nên tạo cơ hội để trẻ được bộc lộ, đừng buộc con phải tuân theo ý mình.
Hiểu tâm lý, cá tính của từng bé cha mẹ sẽ dễ dàng hơn để trở thành "người bạn" của con
Trong thực tế, có thể bạn nghĩ trò chơi này hay hơn, hoặc muốn con nghe mẹ đọc truyện, nhưng bé không nghĩ vậy. Đây là thử thách lớn nhất của cha mẹ khi học cách chơi cùng trẻ.
Nếu bạn cảm thấy chán những trò nghịch ngợm của bé thì có thể con cũng chẳng hứng thú gì với các trò chơi do bố mẹ áp đặt. Tốt nhất, bạn nên kiên nhẫn quan sát, phát hiện xem điều gì làm bé thích rồi từ đó tổ chức lại cách chơi.
Trò chơi có thể xuất phát từ ý tưởng của bé. Nếu bé không muốn mẹ đọc hoặc kể chuyện thì hãy để bé làm việc đó và bạn tỏ ra chăm chú lắng nghe rồi hỏi để con trả lời. Hai mẹ con cũng có thể chơi trò tiếp sức, cùng sáng tạo ra một câu chuyện.
Tăng cường tổ chức các chuyến dã ngoại như tới viện bảo tàng, vườn thú, công viên, đi siêu thị, ra sân bay, đến nhà hát kịch, đi nghe hòa nhạc hay về quê, đi picnic, tham dự những sự kiện văn hóa... khuyến khích trẻ đưa ra những nhận xét, nói về những gì chúng nhìn thấy, những gì chúng cảm nhận trước, trong và sau những chuyến đi này, đó là cách tốt nhất để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, xúc cảm.
Chính ngôn ngữ và xúc cảm tích cực là bệ phóng" để phát triển trí tuệ. Cha mẹ nên ủng hộ những sở thích và mối quan tâm của trẻ bằng cách đặt các câu hỏi, giúp trẻ tìm kiếm câu trả lời, dạy chúng những kỹ năng khám phá, thu thập và xử lý thông tin để phát triển tính ham học hỏi.
Bạn nên nhớ, bất kỳ hoạt động nào do trẻ khởi xướng sẽ thu hút trẻ lâu hơn so với hoạt động do người lớn gợi ý. Các trò chơi đó tạo cho bé tính độc lập, tự tin. Khi mẹ muốn sửa một lỗi nào đó của con thì nên thông qua trò chơi được bé thích rồi đặt ra quy tắc chơi và mượn nó để điều chỉnh hành vi không mong muốn.
Bí quyết làm cha mẹ thành công là hiểu biết đặc điểm tâm lý của lứa tuổi, hiểu rõ tâm lý, cá tính của trẻ, luôn lắng nghe, chia sẻ để thấu hiểu điều trẻ muốn, luôn dõi theo hành động của trẻ.
Thay vì nói từ "không được" với trẻ, hãy cho trẻ được làm những thứ chúng thích, hãy giao nhiều việc vặt vừa sức để trẻ tự làm, chỉ hỗ trợ khi trẻ không tự mình làm được (chỉ gợi ý chứ không làm hộ) để củng cố lòng tin, động viên khích lệ kịp thời, khơi gợi ý muốn của trẻ mới là cách nuôi dạy trẻ tốt nhất.
PGS.TS. Nguyễn Công Khanh - Theo Tin Tức