Trẻ con bắt đầu biết hờn dỗi khi vào độ tuổi từ 18 tháng đến 3 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ chưa thể tự nói ra nguyên nhân vì sao chúng tức tối hoặc giận dữ. VÌ thế, cha mẹ nên lưu ý tới những biểu hiện khác lạ của con để giúp trẻ "điều khiển" được tâm trạng của mình. Thông thường, trẻ cáu giận vì những nguyên nhân sau:
Đòi hỏi sự quan tâm chú ý nhưng không được đáp ứng
Trẻ em luôn muốn mình là trung tâm của vũ trụ. Vì thế, khi nhận thấy người lớn ít quan tâm tới mình, chúng sẽ cảm thấy thiếu thốn, hụt hẫng và đó là nguyên nhân khởi đầu cho những hờn dỗi, mè nheo, khóc lóc hoặc ngỗ ngược. Trước tình hình này, thay vì bực bội trách móc, các bậc cha mẹ hãy dành thời gian âu yếm, chơi đùa cùng bé để giúp trẻ vượt qua cảm giác này.
Đòi hỏi những thứ không phải của mình
Khi đó, bạn phải biết nói "không" với trẻ. Ngay từ lúc này, cha mẹ nên cho trẻ biết rằng, nếu muốn một điều gì đó, trẻ cần phải hỏi ý kiến người lớn. Trong nhiều trường hợp, trẻ cũng cần học cách chấp nhận thực tế rằng, không phải bất cứ thứ gì trẻ muốn là điều có thể được.
Để dỗ được bé khi bé hờn dỗi là điều không quá khó khăn của các bậc cha mẹ
Bé muốn chứng tỏ là mình "đã lớn" và biết "tự lập"
Bé con của bạn có thể sẽ làm mọi cách để chứng tỏ rằng: Con đã trưởng thành và không thích bị ai kèm cặp nữa. Có thể bé sẽ có nhiều trò làm bạn bất ngờ vì tính cách ngang ngược và khăng khăng đòi làm theo ý mình. Ví dụ như bé đòi mặc một bộ quần áo mùa đông trong khi thời tiết đang là mùa hè. Bé có thể khóc ầm lên vì ý thích của bé không được mẹ "tôn trọng" và vì bạn đã "xâm phạm" đến quyền tự quyết của bé.
Thất vọng ngấm ngầm
Cảm xúc của trẻ đã hình thành đầy đủ và không giới hạn độ tuổi, trong khi đó khả năng nói chuyện, diễn đạt ý muốn của trẻ có phần bị hạn chế, do đó việc người lớn hiểu sai ý của bé cũng là điều dễ hiểu. Nhưng chính điều này sẽ làm cho bé thất vọng và đâm ra cáu kỉnh, hờn dỗi... Giải quyết việc trẻ đang thất vọng băng cách đồng ý cho bé tự thực hiện những việc vừa sức, không quá khó. Ví dụ cho bé tự mặc cái váy mới có kiểu đơn giản. Khi thấy bé gặp khó khăn, hãy nói với bé: "Thôi, chùng mình trơi trò khác đi nhé", bé sẽ tạm quên đi "mục đích" hiện tại.
Sự ghen tị
Việc này thường hay diễn ra với những đối tượng là anh chị em của bé hoặc với các bạn bè cùng tuổi. Bé có thể bùng nổ cơn giận dỗi khi muốn lấy đồ chơi hoặc quyển sách mà bọn trẻ khác đang chơi nhưng không lấy được.
Bé quá mệt mỏi hoặc đói
Nếu cơn giận dỗi xảy ra vì lý do này, bạn sẽ rất vất vả vì lúc bé ít chịu "hợp tác" với bạn. Nói chung, bé có biểu hiện gắt gỏng, khó chịu khi cảm thấy trong người mệt mỏi hoặc cần bổ sung thêm một bữa ăn phụ.
Xúc động quá mức
Một em bé sẽ không tránh khỏi sự căng thẳng quá mức khi những biến cố dồn dập xảy đến với mình, nhất là những cảm giác, cảm xúc mới lạ đến cùng một lúc, làm bé cảm thấy không chịu đựng nổi. Bạn nên tránh đẩy con vào những tình huống này mà hãy tạo cho bé môi trường thư giãn, vui vẻ thường xuyên.
Những nguyên nhân khó nhận biết
Có một lúc nào đó, bé yêu của bạn bỗng dưng hờn dỗi không rõ nguyên nhân và hét toáng lên: "Con thích...", "Con không...", "Con làm cơ"... Hoặc bé đòi quay về nhà lấy thứ này, thứ khác hay nằng nặc đòi mua thứ mà bạn không thể đáp ứng... Những lúc ấy, hãy hướng trẻ qua câu chuyện hấp dẫn khác.
Đối phó với những cơn giận của trẻ - Đối mặt với những cơn giận dữ của bé, bạn phải giữ thái độ bình tĩnh, ôn hòa. Hãy cho bé biết rằng, bạn rất thông cảm với việc bé bị từ chối và giải thích với bé vì sao lại như vậy. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần phải:
Luôn dành thời gian chơi với con, giúp bé thực sự thư giãn, thích thú, vui vẻ.
Bố mẹ can thiệp vào hành động của con là cần thiết nhưng không nên thái quá. Trẻ ở độ tuổi này thích tự mình khám phá và tìm hiểu mọi thứ. Vì vậy, bạn chỉ nên ngăn con lại nếu hành động đó gây nguy hiểm. Bạn cũng không nên đặt quá nhiều hy vọng vào con và bắt buộc bé phải hoàn hảo theo ý bạn.
Đừng bao giờ nói "không" một cách khô khốc với bé. Điều này chỉ làm bé tăng cơn giận dỗi mà thôi. Thay vào đó, cố gắng nói câu dài hơn với giọng điệu nhẹ nhàng.
Nên lường trước các tình huống dễ gây cơn giận dữ của bé để chuẩn bị tinh thần cho bé khỏi "sốc".
Trở thành tấm gương tốt cho trẻ. Nếu muốn bé bình tĩnh và không nổi nóng khi yêu cầu chưa được đáp ứng, trước hết, bạn phải biết tự kiềm chế mình.
Đừng bao giờ trừng phạt bé khi bé đang giận dỗi. Điều này sẽ làm khoảng cách giữa bạn và bé ngày càng xa hơn.
|
Theo Tin Tức