Có thể nói tivi rất phổ biến đến nỗi hầu như nhà nào cũng có ít nhất một cái. Tivi lại là một vật dễ sử dụng, thậm chí trẻ mới 2-3 tuổi, chưa biết chữ cũng đã biết điều khiển tivi.
Tương tự game online, tivi cũng gây nghiện cho người xem. Ai dán mắt vào màn ảnh nhỏ hơn 4 giờ/ngày, vừa về đến nhà là cầm ngay cái remote... thì nên xem lại. Đó có thể là "triệu chứng lâm sàng" của căn bệnh "nghiện tivi".
Với riêng trẻ con, đầu óc còn rất non nớt, như tờ giấy trắng, rất tò mò và dễ bắt chước thì tác động của tivi là rất lớn. Bên cạnh những tác động tích cực như giúp trẻ hiểu biết thế giới xung quanh, có thêm kiến thức, năng động hoà nhập cuộc sống hiện đại... thì vẫn còn đó những điều chưa tốt cần phải nghiêm túc nhìn nhận.
Các bậc phụ huynh nhất định phải hạn chế thời gian và chương trình xem ti vi của trẻ
Những thắc mắc người lớn khó trả lời!
Chị gái tôi có hai cô con gái, Tuệ Khánh Và Tuệ Anh. Cháu Khánh học lớp hai, còn cháu Anh đang đi mẫu giáo. Tôi thường trò chuyện với các cháu nên gặp tôi chuyện gì các cháu cũng mang ra hỏi và nhờ tôi giải thích. Một lần, bé Khánh sà vào lòng tôi và hỏi :"Cậu ơi, Ô-kê là gì vậy cậu?", và tròn xoe mắt chờ câu trả lời.
"Con nghe ở đâu vậy?", tôi hỏi, suýt ngất! Bé hồn nhiên :"Con xem quảng cáo trên tivi mà không hiểu. Con hỏi ba nhưng bị ba la. Ba con bảo con nít đừng nói bậy".
À, ra thế. Không biết bạn có gặp những câu hỏi của con trẻ, hay cháu bé nào đó về những điều tương tự như vậy chưa? Và lúc đó, nếu là ba mẹ, bạn sẽ trả lời đứa con lên 8 của mình như thế nào? Bạn sẽ nói gì khi bắt gặp đôi mắt trong sáng của chúng chờ một câu trả lời?
Thực sự tôi đã rất lúng túng tìm câu trả lời cho cháu.
Trường hợp đó không phải là duy nhất. Tôi vẫn bị chúng... chất vấn vì không thể hiểu những chuyện trên tivi. "Tại sao chú và cô kia thương nhau mà lại... cắn nhau dữ vậy?". "Vì sao ba không thương ông bà nội, vì con không thấy ba mua sữa... Ensure cho ông bà?". "Có cánh gì, không phải chim cũng có cánh hả cậu?"... Vân vân và vân vân... Nhiều lúc tôi... đuối và vã mồ hôi!
Những tác động lên các giác quan của trẻ
Trẻ con hầu hết đều tò mò về thế giới xung quanh. Nếu như thế hệ trước đây, thế giới kỳ diệu là kho tàng truyện cổ tích, là cánh đồng để thả diều, là khoảng sân rộng để chơi bán hàng, thì bây giờ, thế giới kỳ diệu của đa số trẻ con chính là chiếc tivi.
Các chương trình truyền hình đa phần dành cho đối tượng người lớn và chủ trương của Nhà nước là xã hội hoá truyền thông. Các game show, talk show mang tính giải trí chiếm phần lớn dung lượng phát sóng trên tất cả các kênh. Mục tiêu lớn nhất ẩn đằng sau đó là thương mại, giới thiệu sản phẩm, kích thích nhu cầu tiêu thụ của người xem.
Chương trình dành cho thiếu nhi quá ít, quá thưa thớt và thiếu sinh động. Khung giờ phát sóng đôi khi trùng với giờ thời sự mà bố mẹ tất nhiên sẽ... tranh phần rồi! Bạn thử hỏi một con trẻ nào đó, "con thích xem gì nhất trên tivi?, gần như chắc chắn là chương trình... quảng cáo và phim hoạt hình.
Phim hoạt hình thì phát vào những giờ nhất định hoặc trên kênh truyền hình cáp, còn quảng cáo thì... phát sóng xen lẫn trong tất cả chương trình, xuất hiện với mật độ dày đặc, bật tivi lên là thấy ngay! Rất nhiều bà mẹ cho biết, khi đút cho con ăn thì phải bật tivi và cho cháu xem... quảng cáo thì cháu mới chịu há miệng.
Phải nói rằng, việc đầu tư cho các phim quảng cáo là rất công phu. Trong một thời gian ngắn, mọi ngôn ngữ và hình ảnh đều được chọn lọc và đẩy lên đỉnh điểm. Chính vì vậy, thông thường, chúng để lại ấn tượng lớn cho người xem.
Trẻ con thuộc nằm lòng lời thoại, bài hát, hình ảnh... trong các mẩu quảng cáo chẳng có gì lạ. Ví dụ, mẹ phải mua "sưa tươi trăm phần trăm" con bò thì mới uống! Hay thậm chí một số chị em nhỏ trong nhà thì lặp lại đoạn phim quảng cáo. Có thể nói, tính giáo dục của các chương trình dành riêng cho thiếu nhi hiện nay hầu như bỏ ngỏ, chỉ còn lại những dấu ấn mạnh mẽ của các đoạn phim quảng cáo tác động lên tư duy còn rất non nớt của trẻ con.
Không hiếm các bậc cha mẹ còn đi khoe với người khác rằng bé con rất... thông minh, mới có 2 tuổi mà nó đã biết bật/tắt tivi, biết sử dụng điều khiển mở các kênh theo yêu cầu. Họ tỏ ra rất hài lòng khi thấy trẻ bắt chước một điều gì đó mà chúng thấy trên tivi. Đó là sự ngộ nhận rất tai hại.
Nhà tâm lý học cho biết, ngay ở trong bào thai, sau tháng thứ 5, thai nhi đã có thể cảm nhận thế giới xung quanh. Ở một số nơi, người ta khuyến khích giáo dục con cái ngay từ trong bào thai (thai giáo). Từ tuổi lên 2, những giác động (sensori motrice) của trẻ hoạt động và "bắt sóng" rất tốt. Những gì tác động lên trẻ đều lưu lại dấu ấn ảnh hưởng một cách sâu sắc đến sự phát triển và tính cách, thái độ ứng xử về sau.
Định hướng cho trẻ
Nếu trong nhà có trẻ, bạn hãy cẩn thận trong việc chọn vị trí đặt tivi. Nhất định phải hạn chế thời gian và chương trình xem.
Nhiều nhà chuyên môn khuyên rằng hãy để tivi nơi phòng khách và chỉ xem khi cả nhà quây quần. Đừng để nơi khuất, vì như thế bạn không thể kiểm soát trẻ đang xem gì trên tivi. Thay vì ra lệnh, bố mẹ hãy làm gương. Vì nếu bạn cấm, trẻ càng tò mò, và sẽ tìm xem ở nơi khác. Khi xem các chương trình, có trẻ xem cùng, nếu có cảnh nhạy cảm, bạo lực, hoặc điều gì đó tế nhị khác, bạn nên tìm cách "đánh trống lảng" bằng cách chuyển kênh hay làm tắt tivi chẳng hạn...
Lâu lâu, bạn hãy phát động phong trào "một ngày không tivi" trong gia đình bằng cách đi dã ngoại hoặc đọc sách. Tốt nhất hãy tạo nên một nếp nhà là bố mẹ hướng dẫn, chọn lọc và xem tivi cùng con.
Theo Tintuc