Dinh dưỡng
   An toàn trong dinh dưỡng cho thiên thần của mẹ
 

Cậu bé Bin này gần được 1 tuổi rồi đấy! Mỗi ngày, một đứa bé nặng 10kg như Bin thường nhập vào cơ thể khoảng 1,5-2kg thức ăn nước uống các loại. Mỗi tuần, con số này là 10-14kg, và mỗi năm là 500-700kg. Một con số khổng lồ mà nếu không nhắc đến, chắc cũng không nhiều người tưởng tượng ra.

Tưởng tượng thêm một chút nữa, nếu những thực phẩm và nước uống mà Bin ăn vào hàng ngày không đủ an toàn, không đủ vệ sinh, chỉ cần mỗi thứ một chút thôi, thì mỗi năm, Bin đã nhận bao nhiều nguy cơ bệnh lý vào người? Không phải vô cớ mà tiền nhân đã tặc lưỡi căn dặn cháu con mình, "bệnh tòng khẩu nhập..."

Có thể có những thứ không an toàn nào trong thực phẩm?
Có thể chia những tác nhân nguy hiểm trong thực phẩm thành hai nhóm chính : vi sinh vật, và không phải vi sinh vật.

Vi sinh vật là những sinh vật sống nhỏ xíu, có tên là vi trùng (vi khuẩn), virus, hay vi nấm, chỉ nhìn thấy qua kính hiển vi hoặc kính hiển vi điện tử. Đừng xem thường chúng nhé, vì dù nhỏ nhưng chúng sinh sản với một tốc độ mà không một sinh vật to con nào có thể sánh bằng,. Và dù nhỏ nhưng chúng vẫn có thể quật chết một con voi hay con sư tử dũng mãnh lớn hơn gấp tỉ lần trong vòng vài ba ngày.

Còn cỡ một con người nhỏ xíu nặng có 10kg như Bin thì có nhằm nhò gì! Vi sinh vật là nguyên nhân của khoảng ¾ các vấn đề không an toàn trong thực phẩm. Khi ăn phải thức ăn bị nhiễm vi sinh vật, trẻ có thể bị nôn ói, tiêu chảy, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, co giật..., trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

¼ thực phẩm không an toàn còn lại là do các hóa chất (thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, tồn dư kháng sinh, kim loại nặng...), phụ gia không an toàn (hàn the, chất bảo quản hoặc thuốc chống nấm mốc ngoài danh mục...), độc chất có sẵn trong thực phẩm (khoai mì, cá nóc, nấm,...), và thực phẩm bị biến chất (thịt cá ôi thiu, dầu mỡ bị oxy hóa do sử dụng nhiều lần...).

Ngộ độc các chất này có thể dẫn đến các triệu chứng cấp tính như nôn ói, co giật, tím tái, ngưng thở, hôn mê, nhưng ngay cả khi ăn vào một số lượng ít không đủ gây các triệu chứng cấp thời, độc chất vẫn có thể tích tụ trong cơ thể lâu ngày dẫn đến ngộ độc mãn tính hoặc gây tác hại lâu dài như ung thư gan, ung thư đại tràng, bàng quang...

Cách lựa chọn thực phẩm an toàn cho trẻ.
Thực phẩm tươi sống
Là các thực phẩm được mua từ chợ và nấu tại nhà cho trẻ, có thể là thịt cá, tôm cua, trứng, rau, trái cây tươi... Nguyên tắc chung là chọn thực phẩm còn đang sống hoặc còn thật tươi, càng gần thời gian thu hái hay giết mổ càng tốt, chưa qua bảo quản (bằng đông đá hay tẩm ướp).

Lựa chọn các thực phẩm được cung cấp từ các công ty cung cấp thịt gia súc gia cầm đã được cấp phép, có kiểm dịch và dây chuyền giết mổ hiện đại, đảm bảo vệ sinh. Rau hoặc trái cây ngoài chuyện tươi, còn phải sạch, tức là không lấm đất cát, không có mùi thuốc trừ sâu, lá rau có màu đặc trưng của từng loại, không quá bóng mướt, xanh đậm, cũng không có kích thước to lớn bất thường.

Tất cả thực phẩm mua về phải được chế biến ngay, những phần chưa chế biến phải được bảo quản đúng cách trong tủ lạnh như thịt cá đông đá từng phần nhỏ vừa đủ ăn và rã đông một lần, bảo quản trứng trong ngăn để trứng không quá 1 tuần, rau quả để trong ngăn mát không quá 3 ngày...

Thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn
Có thể là thực phẩm cần qua chế biến như bột ăn dặm, dầu ăn, sữa bột, hoặc các thực phẩm ăn ngay như các loại mứt trái cây, thực phẩm công thức chế biến sẵn đóng lọ, ngũ cốc, sữa tươi... Trong các xã hội hiện đại, dạng thực phẩm này ngày càng được sử dụng nhiều hơn vì sự tiện lợi, ít tốn thời gian, giá thành vừa phải và khẩu vị đa dạng không kém gì các thực phẩm chế biến. Các thực phẩm này ít có nguy cơ về vi sinh vật hơn thực phẩm tươi sống do được tiệt trùng trước khi đóng gói, nhưng lại có nguy cơ từ hóa chất bảo quản, phụ gia thực phẩm và hao hụt các chất dinh dưỡng trong quá trình chế biến công nghiệp.

Vì vậy, khi chọn mua các sản phẩm này, cần quan tâm đến uy tín và thương hiệu của nhà cung cấp, tìm hiểu về quy trình chế biến, lưu ý đến các thông tin về thành phần dinh dưỡng, sản phẩm có dùng phụ gia bảo quản hay không, hạn sử dụng... Đừng quên rằng có một số phụ gia được phép dùng trong thực phẩm của người lớn nhưng lại không được khuyến cáo dùng trong thực phẩm của trẻ em như bột ngọt, muối...

Khi mua hàng, cũng cần lưu ý đến điều kiện bảo quản của nơi bày bán, ví dụ hàng phải được bày trên các kệ cao, khô ráo, không ẩm ướt, nhiệt độ lạnh đúng yêu cầu của từng loại sản phẩm, bao bì không rách, có nhãn tiếng Việt đi kèm , các tem, đai bảo hiểm phải còn nguyên vẹn.

Thức ăn uống không dành cho trẻ
Có một số thức ăn nước uống được người lớn dùng hàng ngày, nhưng hoàn toàn không an toàn khi sử dụng cho trẻ. Kích thước cơ thể trẻ còn nhỏ nên nồng độ có thể gây nguy hiểm thấp hơn, các cơ quan thải độc như gan thận còn non yếu nên khả năng thải độc kém hơn, hệ thần kinh còn trong giai đoạn phát triển nên dễ bị kích thích hơn. Đó là các chất gây ảnh hưởng trên hệ thần kinh như trà đặc, cà phê..., những loại thực phẩm nhiều muối như mắm, khô, dưa muối..., và đương nhiên, bất kỳ một nồng độ cồn nào dù nhỏ nhất cũng đều bị cấm ở trẻ em.

Trong thực tế đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra chỉ vì cho trẻ tham gia một trò vui của người lớn như "nhậu với ba một tí", "nhấp một tí cà phê với mẹ" hay "uống trà với ông cho có bạn"...

Các loại nước uống có dùng nước đá cũng có thể là nguồn gây bệnh đường tiêu hóa cho trẻ. Cũng không nên sử dụng các loại "nước mát" như rễ tranh, mía lau, artichaud... cho trẻ, vì sẽ gây lợi tiểu, làm mất nước trong khi cơ thể trẻ cần tỉ lệ nước cao hơn người lớn, nên với một lượng nước mất ít hơn cũng có thể gây nguy hiểm hơn cho quá trình chuyển hóa của trẻ.

Khi chuẩn bị bữa ăn cho trẻ, không ai không lưu ý đến chuyện dinh dưỡng, nhưng không phải ai cũng đã có thói quen quan tâm đúng mức về sự an toàn. Khi thực phẩm đã không an toàn cho trẻ, có nghĩa là đặt sức khỏe của trẻ trước những nguy cơ lớn nhỏ, thì thành phần dinh dưỡng của thực phẩm có thể không còn ý nghĩa nữa.

ThS. BS. Đào Thị Yến Phi (Giảng viên Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch)
Theo Web Trẻ Thơ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Giải nhiệt cho bé (18/3)
 Giúp bé ăn ngon miệng (18/3)
 Nên cho trẻ ăn váng sữa như thế nào? (18/3)
 Lưu ý về nước hoa quả cho bé (17/3)
 4 món mì ống cho bé (17/3)
 Chế độ dinh dưỡng cho bé thế nào thì tốt (17/3)
 Chuyện ăn uống của bé thừa cân (16/3)
 Để con phát triển toàn diện, bắt đầu từ đâu? (16/3)
 Dinh dưỡng trẻ từ 1 đến 3 tuổi (13/3)
 Trắc nghiệm kiến thức dinh dưỡng cho bé (13/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i