Nếu không được thay đổi cách chăm sóc, trẻ biếng ăn có thể bị các chứng bệnh kèm theo như suy dinh dưỡng, còi xương, rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp...
Thạc sĩ Phan Thị Bích Nga, Phó giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết mỗi ngày có khoảng 150-200 trẻ tới khám, hầu hết là do biếng ăn. Phòng khám và tư vấn dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương trung bình một ngày cũng tiếp nhận 60 - 70 trẻ biếng ăn và có các vấn đề dinh dưỡng khác.
Bé Trà My 18 tháng chỉ nặng có 6 kg. Ảnh: Mai Hương.
Chăm sóc chưa đúng cách
Chị Trần Thị Thảo (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, bé My con chị sinh ra nặng 3,4 kg. Trong ba tháng đầu, mỗi tháng bé tăng đều một kg. Nhưng từ tháng thứ tư trở đi, bé My không tăng cân nào dù không hề ốm hay hắt hơi, sổ mũi. Đến nay đã 18 tháng tuổi nhưng My cũng chỉ nặng 6 kg. Chị Thảo kể, My rất lười ăn, mỗi bữa chỉ ăn vài thìa, ép thế nào cũng không chịu. Mẹ bé xót con, pha thêm sữa cho uống nhưng hễ đút sữa vào miệng là My phun ra. Các bác sĩ cho biết bé bị suy dinh dưỡng nặng.
Tình trạng như bé My không phải là hiếm. Chị Lê Thị Nhung ở Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai, Hà Nội, kể, cứ đến bữa ăn là cả gia đình chị lại "đánh vật" với cu Tí hai tuổi. Ông bà phải làm đủ trò mua vui hoặc bế đi khắp sân khu tập thể nhưng Tí vẫn không chịu ăn. Còn mẹ thì bê theo bát cháo, lắm khi một bữa phải chạy về nhà đun lại mấy lần. Chị đã dọa nạt đủ kiểu nhưng cu Tí chỉ nước mắt ngắn dài chứ nhất quyết không chịu há miệng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ được coi là biếng ăn khi ăn không đủ lượng yêu cầu của lứa tuổi, thời gian ăn kéo dài trên 30 phút. Khi mắc bệnh dù nhẹ như cảm cúm, sốt, viêm họng, đau bụng..., trẻ cũng mệt mỏi, không muốn ăn. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ khỏe mạnh, không có bệnh tật vẫn rất biếng ăn do cha mẹ chăm sóc chưa đúng cách.
Thạc sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhấn mạnh: "Cho trẻ ăn lặp đi lặp lại một kiểu chế biến thì dù thực phẩm đó có giàu chất dinh dưỡng, trẻ cũng không tiêu hóa nổi. Nhiều khi cha mẹ còn biến bữa ăn của trẻ thành một cuộc chiến, ép trẻ ngồi gò bó, không cho tự xúc vì sợ dây bẩn ra quần áo, gây tâm lý căng thẳng, sợ ăn cho trẻ".
Giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi khoa, chỉ ra việc nuôi con không bằng sữa mẹ là một trong những nguyên nhân khiến trẻ ngày càng biếng ăn. "Sữa mẹ sẽ giúp đường tiêu hoá của trẻ phát triển, tạo cảm giác thèm ăn, trong khi sữa nhân tạo không kích thích sự phát triển này. Nếu để tình trạng biếng ăn kéo dài, cơ thể trẻ không có sức đề kháng, rất dễ sinh bệnh", giáo sư Nhạn nói.
Nên tạo niềm vui cho trẻ trong bữa ăn
Theo thạc sĩ Phan Thị Bích Nga, phải tùy thuộc vào nguyên nhân để điều trị dứt điểm bệnh biếng ăn. Nếu biếng ăn do nhiễm bệnh thì cần chữa khỏi bệnh. Chỉ khi cơ thể khỏe mạnh, bé mới có cảm giác thèm ăn trở lại. Còn nếu do cách chăm sóc, cha mẹ cần điều chỉnh cho phù hợp, tránh để tình trạng biếng ăn kéo dài, trẻ dễ sinh bệnh.
Còn theo thạc sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, các bà mẹ phải chú ý phối hợp thức ăn khi chế biến. Không nên cho ăn quá nhiều rau vì trẻ còn nhỏ, rất khó tiêu hoá chất xơ. Trẻ cần ăn đa dạng các loại thức ăn và tốt nhất là nên dùng thực phẩm tươi để chế biến, đảm bảo đủ chất bột, đạm, béo, vitamin và muối khoáng.
Nên cho trẻ ăn đúng theo độ tuổi, chỉ cho ăn bột khi 6 tháng tuổi trở lên và ăn cháo từ một tuổi trở lên. Cha mẹ tuyệt đối không dọa nạt trẻ, cần tạo niềm vui, sự hứng khởi, thoải mái cho bé mỗi bữa ăn. Tránh cho trẻ ăn bánh kẹo hoặc uống nước ngọt trước bữa ăn vì chúng sẽ gây cảm giác "no giả tạo" khiến trẻ không muốn ăn trong khi thực chất trẻ vẫn "đói", thiếu dinh dưỡng.
Theo Báo Đất Việt