Hiện nay, tình trạng trẻ bị rối loạn tiêu hóa ở độ tuổi ăn dặm đang ngày càng phổ biến.
Gs. Nguyễn Thu Nhạn trao đổi cùng PV Bibi.vn
Nguyên nhân của việc trẻ bị rối loạn tiêu hóa là do trẻ ăn dặm quá sớm, hay chế độ ăn không phù hợp. Điều này có thể dẫn tới việc trẻ chậm tăng cân, ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài của trẻ.
Sữa mẹ - nguồn dinh dưỡng vô giá
Sữa mẹ được coi là một nguồn dinh dưỡng vô giá, có đầy đủ các dưỡng chất (như tinh bột, đạm, mỡ, vitamin...) giúp trẻ phát triển, bảo vệ hệ miễn dịch còn non nớt của trẻ trong những tháng đầu đời.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỉ lệ nuôi con bằng Sữa mẹ đang ngày càng thấp đi, cho đến nay chỉ còn khoảng 20%, trong đó ở thành thị thì tỉ lệ này giảm xuống còn 10-12%. Có nhiều bà mẹ vì một số lí do xã hội nên không thể duy trì việc cho con bú, thay vào đó là các sản phẩm Sữa công thức và bột dinh dưỡng đóng hộp.
Theo khuyến nghị của Hội Nhi khoa Việt Nam, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu. Trong thời gian này, các bà mẹ cần ăn uống đủ chất, hợp vệ sinh, đồng thời nghỉ ngơi hợp lý và giữ tinh thần thoải mái để tạo một nguồn Sữa đảm bảo cho con.
Làm quen với ăn dặm
Từ tháng thứ 6 trở đi, trẻ đã có thể bắt đầu làm quen với việc ăn dặm. Một bát bột cần đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể của trẻ. Cơ cấu chất trong bát bột được thể hiện qua ô vuông thức ăn mà trung tâm vẫn là Sữa mẹ.
Ô vuống thức ăn - Ảnh minh họa
Cho trẻ ăn theo nguyên tắc từ lỏng tới đặc dần, từ ít tới nhiều, thức ăn cần phải được xay nhuyễn, ninh nhừ. Lúc đầu, có thể cho bé nếm một vài thìa bột loãng để xem phản ứng của bé với món ăn mới lạ này. Nếu thấy bé không quấy khóc, sức khỏe và vấn đề tiêu hóa bình thường thì tiếp tục cho ăn tăng dần lên. Tuy nhiên, ngoài ăn dặm ra, thì vẫn luôn phải duy trì bữa ăn chính cho trẻ là bú Sữa mẹ.
Đến tháng thứ 8, trẻ cơ bản đã quen với việc ăn bột mặn và nhiều loại thức ăn khác nhau. Lúc này, trẻ có thể ăn được những đồ tanh, đồ biển như cua, cá, trứng... Khi cho bé ăn, cần để ý xem bé có bị dị ứng hay không, nếu có biểu hiện dị ứng trứng chẳng hạn, thì nên ngừng lại và để 1 thời gian sau thử cho ăn tiếp.
Từ tháng thứ 10 đến khi tròn một tuổi, trẻ hầu như đã có thể ăn được tất cả các loại thức ăn nấu chín, nhừ và xay nhuyễn. Một số trẻ bắt đầu làm quen với việc ăn cháo hạt, từ hạt vỡ nhỏ đến to dần, thức ăn cũng chỉ cần băm nhỏ chứ không nhất thiết phải xay nhuyễn như trước nữa.
Đến năm 2 tuổi, trẻ đã ăn được cơm nhá, cơm nát. Và khi lên 3 tuổi, các bé đã có thể ngồi cùng mâm với gia đình để ăn những đồ của người lớn.
Lời khuyên khi cho trẻ ăn dặm
Ở độ tuổi ăn dặm của trẻ, mỗi bậc cha mẹ nên tìm hiểu cho mình những kiến thức nhất định để có thể đảm bảo dinh dưỡng cũng như cho con ăn một cách khoa học, hợp lý.
Ngoài việc cho bé ăn đủ chất, thức ăn tươi, đảm bảo vệ sinh và được nấu chín, bố mẹ nên lưu ý một số vấn đề sau:
• Ăn dặm quá sớm: Nhiều bà mẹ cho con ăn dặm quá sớm và quá nhiều, đặc biệt là khi bé chưa đủ 4 tháng tuổi, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện. Việc này có thể gây rối loạn tiêu hóa, bé bị đầy bụng, khó tiêu sẽ dẫn đến lười ăn, suy dinh dưỡng.
• Tránh cho trẻ ăn những thức ăn xào, rán, đồ uống có ga, nước ngọt...
• Tô màu cho bát bột: Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, tuyệt đối không được để bát bột của trẻ có màu trắng. Cần phải tô màu bát bột bởi màu xanh của rau, nâu đỏ của thịt, cua, cá, màu vàng của trứng... Điều này không chỉ giúp đảm bảo đủ chất mà còn khiến cho bát bột có màu sắc hấp dẫn, giúp cho trẻ thèm ăn và ăn nhanh hơn.
• Chà bông: Có một số bà mẹ dùng chà bông (từ thịt, cá, cóc...) để nấu cháo cho con. Tuy nhiên, các loại thịt nếu được xào quá kĩ sẽ mất chất, đồng thời khó phân giải, không tốt khi cho trẻ ăn.
• Cơm nhá: Có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề cho trẻ ăn cơm nhá. Nhá cơm cho trẻ không phải là xấu, mà vấn đề quan trọng ở chỗ người nhá có đảm bảo vệ sinh răng miệng và sức khỏe hay không. Nếu người nhá cơm đang mang bệnh, thì sẽ rất dễ lây truyền sang cho trẻ. Ngược lại, nếu khỏe mạnh thì việc này cũng rất tốt, vì trong nước bọt của người lớn có chứa enzim amilaza có khả năng tiêu hóa thức ăn.
Một vấn đề cũng quan trọng không kém, đó là tâm lý của trẻ khi ăn. Đừng quá ép buộc nếu bé chưa muốn ăn, nhất là khi bé khóc phản đối. Việc ép bé ăn lâu dần sẽ tạo thành thói quen, mỗi khi đến giờ ăn hay nhìn thấy bát bột là bé sẽ chạy trốn hoặc giãy khóc quyết liệt. Hãy tìm cách tạo không khí vui vẻ để giúp bé ăn ngon miệng hơn.
Hãy vào đây để tham khảo một số thực đơn ăn dặm cho trẻ theo từng lứa tuổi.
Hiệu đính: Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thu Nhạn
Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam,
Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam.
Theo Bibi.vn