Một số bé rất dễ nhầm lẫn giữa con trâu và con bò, con gà và con vịt... trong khi một số bé khác có xu hướng gọi sai tên quả táo thành quả đào, quả cam với quả quýt...
Ở độ tuổi này, việc nhận sai tên đồ vật là chuyện khá bình thường. Nhiều bé lớn hơn cũng vẫn nhầm thứ này với thứ khác nếu không được cha mẹ lưu tâm. Khi phát hiện ra bé nhầm, bạn nên giúp bé cách nhận diện chính xác.
Các chuyên gia khẳng định rằng, việc nhận nhầm đồ vật xảy ra khác nhau với mỗi bé. Giống như tật nói ngọng, một số bé ngọng vần "l" và "n" trong khi một số bé khác không thể phát âm rõ dấu, "đôi đũa" thành "đôi đúa"... |
Bạn có thể đặt một quả cam và một quả quýt cạnh nhau, sau đó, gợi ý để bé chỉ ra những điểm khác biệt cơ bản. Cha mẹ không nên cho rằng, khi lớn hơn, bé sẽ biết nhận diện đồ vật chính xác. Thay vào đó, bạn nên thường xuyên tăng cường phương pháp so sánh những đồ vật tương đồng. Bé sẽ rút ra điểm khác biệt và hạn chế nhầm lẫn.
Nhận diện số đếm và kích cỡ
Bé 4 tuổi rất thích đếm số thứ tự của những con vật trong vườn bách thú. Nếu có người hỏi: "Con có mấy đôi giày?", "Nhà con có bao nhiêu người?"... bé không khó khăn để đưa ra câu trả lời chính xác. Bé chưa đủ lớn để hiểu dãy số tự nhiên nhưng bé biết sắp xếp đúng số lượng nhỏ đồ vật bạn yêu cầu.
Ảnh: GettyImages.
Bạn có thể duy trì trò chơi đếm số với bé khi rảnh rỗi. Giúp bé đếm và ghi nhớ số lượng đồ vật trong nhà, đồ của bố, của mẹ... Bạn có thể giúp bé cách nhận diện kích cỡ đồ vật, chẳng hạn bé sẽ uống nước cam trong chiếc cốc ngắn, uống sữa trong chiếc cốc dài... Bạn cũng nên thường xuyên trau dồi cho bé kỹ năng nhận biết hình dạng đồ vật. Có thể phân chia những đồ vật trong nhà thành các nhóm cơ bản như: Nhóm hình tròn, nhóm hình vuông, nhóm hình tam giác và giúp bé sắp xếp. Chẳng hạn, miệng cốc và miệng bát ăn cơm đều có hình tròn...
Làm quen với chữ viết
Trước tuổi đi học, cha mẹ nên tăng cường những hoạt động liên quan đến chữ viết để bé cùng cố vốn từ và ghi nhớ mặt chữ.
- Chơi xếp chữ: Bạn có thể mua bộ chữ cái có sẵn từ hiệu sách và chơi ghép tên cùng bé. Bạn nên đánh dấu những mặt chữ bé đã thuộc và để bé tự xếp thành tên của bé và người thân trong nhà.
- Chơi với nhịp điệu âm nhạc: Chọn một bài hát ngắn, bạn viết lời ra một tờ giấy hoặc một tấm bảng to, vừa chỉ chữ vừa ngân nga cùng bé. Tiếp đến, bạn chỉ vào một đoạn bất kỳ và hướng dẫn bé hát theo.
- Chơi bài: Trò chơi này tăng cường cho bé cả kỹ năng nhớ số và nhớ chữ cái (Quân át tương tự chữ A, quân Q hoặc K cũng giống chữ cái). Quy tắc chơi bài bình thường sẽ khó khăn với bé. Do đó, bạn có thể sáng tạo cách chơi "lớn ăn bé": Rút bất kỳ hai quân bài, nếu bạn sở hữu quân bài có giá trị lớn hơn thì bạn là người thắng cuộc và ngược lại.
- Tìm chữ giống nhau: Mở một cuốn sách, bạn chỉ cho bé xem chữ "bạn Cáo", sau đó, gợi ý để bé tìm những chữ "bạn Cáo" khác trong sách. Bạn có thể lặp lại trò chơi tương tự với những tên nhân vật hoặc những cụm từ xuất hiện nhiều trong truyện.
Rèn luyện năng khiếu
Những lớp học thiếu nhi như bơi lội, võ thuật, âm nhạc, hội họa... rất hữu ích cho bé lên 4. Cách học này không chỉ hoàn thiện thể chất, tinh thần mà còn phát hiện sớm những năng khiếu tiềm ẩn cho bé.
(Theo mevabe.net)