Giáo dục mầm non
   Thư gửi cô giáo mầm non
 

Trẻ cần được chăm sóc, để ăn đủ những thứ mà cơ thể chúng cần (chúng chưa ý thức đầy đủ được điều đó),

vui chơi một cách an toàn và khoẻ mạnh. (Baoanhdatmui)


Xin cô thứ lỗi, vì vào lúc mà cả xã hội đang ồn ào nói lời cảm ơn cô và đồng nghiệp thì tôi lại nói lên mong muốn của mình về công việc của cô đối với con tôi.
Bởi tôi nghĩ rằng, chăm sóc và giáo dục cháu cùng chúng bạn là công việc của cô và đồng nghiệp. Đã là công việc, cô đương nhiên phải làm tốt nhất có thể trong khả năng của mình. Rồi phụ huynh, thông qua nhà trường, sẽ trả công cho cô. Nếu trường này trả chưa xứng đáng, cô có quyền tìm đến một trường khác xứng đáng hơn với cô.

Còn nếu cô chờ được trả công "xứng đáng" rồi mới làm "tương xứng", tôi tin rằng cô sẽ không bao giờ tìm thấy một trường nào trả công "xứng đáng" cả. Vì chừng nào cô chưa tận tâm, không ai biết cô xứng đáng với mức công như thế nào. Vì chừng nào cô chưa tận tâm, cô sẽ không thể tiến bộ về những kỹ năng nghề nghiệp, yếu tố tiên quyết để cô được đãi ngộ tốt hơn.

Tôi cũng tin rằng, không chỉ nhà trường sẽ trả công cho cô, mà cuộc đời cũng sẽ trả công cho cô, không chỉ là tiền bạc. Đôi khi, tôi gặp những độc giả đã quen hoặc mới quen, họ nhắc lại những bài báo cũ của tôi với một sự trân trọng. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của một người làm nghề.

Trước khi chuyển tới trường này, con tôi cũng đã nhận được sự dạy dỗ và chăm sóc tốt của một cô giáo mầm non. Vợ chồng tôi vẫn nhắc tới cô ấy với một sự trân trọng, và vẫn dạy con mình nhớ tới cô ấy. Chắc hẳn cô giáo đó khi biết được điều này cũng sẽ cảm nhận được hạnh phúc của một cô giáo dạy trẻ, và tôi tin cô cũng sẽ có cảm nhận ấy, nếu ở tình huống tương tự.

Nhưng đó có thể chưa phải là tất cả kết quả của sự tận tâm cống hiến. Vì với tư cách như một người làm việc tận tâm, cuộc sống sẽ mở ra cho cô những cơ hội lớn lao mà lúc này đây chúng ta có thể chưa lường hết được.


Tôi mong rằng cô và đồng nghiệp không chỉ "trông trẻ", mà còn bảo vệ, chăm sóc, và dạy dỗ các cháu. (vietbao.vn)


Không chỉ giới hạn là việc "lọt vào mắt xanh" của những "ông chủ" tốt hơn, sự tận tâm giúp cô tìm hiểu thế giới xung quanh bọn trẻ sâu sắc hơn, qua đó cũng giúp cô khám phá thế giới được nhiều hơn, và tìm thấy những cơ hội tốt hơn, có thể không còn giới hạn ở việc dạy bọn trẻ nữa.

Tôi cũng đã tìm được cơ hội phát triển sự nghiệp của mình từ chính nghề viết của mình, khi một trong những độc giả của tôi đã mang đến cho tôi cơ hội hợp tác. Cô không có độc giả của mình, nhưng có những phụ huynh của mình...

Đó là vài lời tâm sự của tôi, một trong những phụ huynh của cô. Còn bây giờ là những mong đợi của tôi về việc dạy con mình. Tôi mong đợi vì không tin là cô và nhà trường này biết tất cả về giáo dục bọn trẻ. Bởi nếu biết được những điều căn bản thôi thì thế hệ trẻ bây giờ đã không phát triển lệch lạc đến thế.

Tôi mong rằng cô và đồng nghiệp không chỉ "trông trẻ", mà còn bảo vệ, chăm sóc, và dạy dỗ các cháu. Những sinh linh còn bé bỏng của loài người xứng đáng và cần được nâng niu nhất trong thế giới này. Vì chúng là bước khởi đầu của việc hình thành những con người cao quý. Và vì chúng chưa có khả năng tự vệ, tự chăm sóc, và tự học hỏi một cách có định hướng.

Thật dễ dàng để đánh, đe nẹt chúng. Nhưng cách đưa chúng "vào khuôn khổ" như vậy chắc chắn để lại những hậu quả nặng nề. Vết thương trên cơ thể, nếu có, chỉ là chuyện nhỏ so với vết thương tinh thần để lại cho chúng: sự sợ hãi.

Nếu chúng là những đứa có thiên hướng nhút nhát, chúng sẽ càng nhút nhát, tự ti, thụ động hơn. Nếu chúng là những đứa trẻ có cá tính, sự sợ hãi sẽ bị đảo ngược thành sự bướng bỉnh, sự căm giận, và luôn tìm cách phản kháng tiêu cực.


Để trẻ tự tin bước vào những bậc học cao hơn... Ảnh VNN


Đất nước chúng ta sẽ ra sao, nếu những công dân của nó sau này phần đông là những kẻ bị động và cam chịu, phần còn lại thì thành những kẻ nổi loạn?

Chúng cần được chăm sóc, để ăn đủ những thứ mà cơ thể chúng cần (chúng chưa ý thức đầy đủ được điều đó), vui chơi một cách an toàn và khoẻ mạnh.

Thế hệ chúng tôi đã phải hứng chịu tình trạng suy dinh dưỡng vì không có cái để ăn. Và còn đáng tiếc hơn nếu bọn trẻ thời nay cũng lại suy dinh dưỡng ngay cả khi thừa mứa thức ăn. Không một đất nước nào trở nên mạnh khoẻ khi những công dân của chúng ốm yếu.

Chúng cũng rất dễ nhiễm những thói hư tật xấu một cách tự phát (trớ trêu thay, còn dễ hơn cả học những điều tốt), nên rất cần tới sự định hướng của cô và đồng nghiệp. Nhưng mong cô hãy thuyết phục chúng, thay vì mặc định cái gì là tốt, cái gì là xấu.

Chúng sẽ hiểu (bọn trẻ thông minh hơn chúng ta tưởng rất nhiều), và khi đã hiểu thì chúng sẽ biết ứng xử trong những trường hợp tương tự.

Tôi mong rằng cô và đồng nghiệp không chỉ dạy cháu và chúng bạn học múa, học hát, mà quan trọng hơn là học làm người. Những bài hát cũng cần được chọn lọc để nuôi dưỡng tình cảm và nhân cách của cháu. Đừng bắt chúng hát ca ngợi (những) người mà chúng không biết là ai, vì điều đó chỉ nuôi dưỡng sự sáo rỗng, giả tạo, và vô cảm cho các cháu. Hãy dạy bọn trẻ những bài hát ca ngợi tình yêu con người, thế giới xung quanh ở những hình thức cụ thể và gần gũi nhất, như với bố mẹ, ông bà, bạn bè, và với chính các cô.

Xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nếu con người sống trong tình yêu, sự bao dung, và tránh xa sự ghen ghét, đố kỵ. Vì vậy, mong cô hãy dạy chúng biết yêu thương, biết chia sẻ, và biết tha thứ. Trước hết, bằng chính tình yêu và sự rộng lượng của cô với các cháu.

Đừng xúc phạm các cháu mỗi khi chúng mắc lỗi, vì điều đó không chỉ làm cháu bị tổn thương mà còn khuyến khích sự giễu cợt của những đứa trẻ xung quanh, đẩy bọn trẻ tới sự xa lánh nhau.

Cũng đừng đề cao việc so sánh giữa những đứa trẻ khác nhau (bằng cách xếp hạng chẳng hạn), vì điều đó khuyến khích sự ganh đua và làm nảy mầm tính đố kỵ. Nếu cần phải đánh giá chúng, hãy thay cho việc xếp hạng bằng xếp loại, chẳng hạn.

Nhưng tôi cũng mong cô và đồng nghiệp dạy con mình biết trả đũa, biết phản kháng và biết đương đầu khi cần thiết.

Không phải lúc nào những người và sự việc xung quanh cũng tốt đẹp. Khi đó, cần phải biết đấu tranh để giành lại lẽ phải, không chỉ là cho cá nhân mình mà là để cho công lý được thực thi. Một xã hội không thể có công lý, nếu các công dân của nó không khát khao và không dám đấu tranh vì công lý.

Tôi không đòi hỏi những điều xa vời, bởi vì chính tôi đang dạy con mình như thế. Nhưng mà thời gian chúng ở trường để giao tiếp với các cô và chúng bạn còn nhiều hơn thời gian chúng giao tiếp ở nhà với bố mẹ, và nếu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thì... Vì vậy, tôi rất mong nhận được sự hợp tác, và hơn thế là sự giúp đỡ, của cô và đồng nghiệp.

Còn sự cảm ơn, nó chỉ chân thành khi tôi thể hiện vào lúc cô đã hoàn thành công việc của mình.

Hồng Ngọc- Theo TuanVietNam

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Cám ơn người viết bài này rất nhiều.
Ngày gửi: 11/24/2008 7:49:01 PM

Tôi là một giáo viên mầm Non tôi thật sự xúc động khi đọc bài viết này, tôi đón nhận bài viết bằng tấm lòng của một cô nuôi dạy trẻ. Những mong muốn trong bài viết cũng là mong muốn của tôi, tôi rất yêu trẻ và luôn ý thức được công việc mình đang làm. Tôi chưa có gia đình nhưng tôi luôn nghĩ đến việc: Sau này mình có con sẽ biết gửi cn ở đâu? Cho ai? Nên tôi hiểu những mong muốn của phụ huynh cho con mình. Qua đó mỗi ngày tôi cố gắng và cố gắng làm thật tốt công việc nhưng nhiều lúc tôi thấy nản lòng bởi vì:
Điều thứ nhất: Công việc của chúng tôi không chỉ là chăm cháu mà còn vệ sinh, đồ dùng, đồ chơi, tôi cần có một quỹ thời gian để trò chuyện với các cháu nhưng rất khó, thường thì chỉ trường hợp cá biệt mới có thể như thế chúng tôi không có điều kiện để hiểu cháu, hơn nữa lớp thì đông mà các cháu thì hiếu động nên dễ xảy ra tai nạn, tôi ước số cháu ít hơn để tôi có thể trò chuyện, quan tâm đến từng bé...Điều thứ hai: Thời gian làm việc của chúngtôi từ 6h30 sáng đến 5h chiều nhưng có những hôm 6h hơn chúng tôi vẫn chưa được về vì phụ huynh bận việc riêng nên chưa đón con được. nếu con tôi cũng đi nhà trẻ thì ai đón con mình đây? Nếu tôi có chồng con thì mấy giờ họ mới có cơm tối ăn? Điều thứ ba: Đồng lương của chúng tôi thấp hơn so với đồng lương của một ngườ giúp việc vậy cuộc sống trước mắt của chúng tôi sẽ như thế nào? Nếu như tối về không tất tưởi đi làm gia sư?...Thật khó có thời gian chuẩn bị giáo án, học cũ để lên tiết vì Mầm Non không thể dạy chay được...Tôi có thể tự hào là mọt cô giáo được phụ huynh tin yêu, có cháu đi học tiểu học nhưng 20/11 vẫn đến thăm tôi đó thật sự là niềm động viên cho tôi rất nhiều. Tôi mong rằng Bộ se có môtột số thay đổi trong phương pháp làm việc ở trường Mầm Non để chúng tôi có nhiều thời gian chăm các cháu hơn, dạy cháu kỹ năng sống, kỹ năng làm người, biết lễ nghĩa...Các cháu rất thần tượng cô giáo của mình nên những gì cô làm đều để các cháu bắt chước. Mong rằng các cô hãy xem lại những hành vi, lời nói của mình trước mắt các cháu.



guest
Gửi: Thư gửi cô giáo mầm non
Ngày gửi: 11/25/2008 2:16:35 PM


Tôi cũng là giáo viên mầm non, xin phép được gọi tác giả bài viết là chị, khi đọc bài viết của tác giả, tôi ước như mình có được một phụ huynh như chị.
Chị biết không, tôi cảm thấy thất vọng kinh khủng khi sức ép công việc thì chồng chất mà sự suy tôn, kính trọng đối với GV gần như không còn tồn tại. Chị có biết ngoài xã hội người ta gọi chúng tôi bằng gì không: con cô giáo. Có thể đấy chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng cũng đủ cho tôi nghe mà thấy đau lòng quá.
Tôi cũng muốn học sinh của mình được như những gì chị mong muốn nhưng cái chương trình GDMN của nước CHXHCN Việt Nam - năm 2008 này - yêu cầu chúng tôi làm những việc gần như vô bổ: kỹ năng rửa tay, kỹ năng lau mặt và một loạt những cái kỹ năng dở hơi, ngớ ngẩn nhất mà tôi chưa từng thấy GD của một đất nước phát triển nào bắt GVMN phải làm. Ở đâu ra mà cần kỹ năng ấy, chỉ cần học sinh của tôi biết rằng: tay bẩn thì phải rửa, mà rửa thế nào cho sạch tay là được, sạch hay bẩn là do suy nghĩ của mỗi người, suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu, máy móc của hàng ngàn cái đầu chỉ đạo... cứ tưởng mình tiên tiến nhưng hóa ra mình đã đi chậm hơn GD của các nước tiến tiến 100 năm rồi.
Tôi yêu học sinh, tôi tự hào vì điều này đang nằm trong trái tim tôi, nhưng có lẽ tôi sẽ rời bỏ chúng..
Vì sao ư? vì nếu tôi từ bỏ thì tôi sẽ không phải chứng kiến học sinh của mình lần lượt trở thành những cỗ máy di động, lý thuyết nhiều mà hành động từ trái tim không có.
Nhưng chị yên tâm, khi nào còn làm với nghề, khi ấy học sinh của tôi sẽ vẫn là những con người - là những đứa trẻ thông minh, ngờ nghệch đến độ đáng yêu.
Tôi trân trọng từng lời tri ân của chị, giá như chị là nhà quản lý GD, tôi đã không phải sống và làm việc khổ sở thế này. Người ta nói: có hy vọng và tự tin là đã chiến thắng 50%, cảm ơn vì đã cho tôi hy vọng.




guest

Nếu chăm một vài trẻ thỉ rất dễ, nhưng vài chục trẻ/ 1cô thì sao?
Ngày gửi: 11/25/2008 7:21:02 PM

Như bài viết trên thì thật lý tưởng cho người mẹ nào có con dạy dỗ ngoan dến vậy... Nhưng với 1 cô giáo mầm non chăm hơn 20 trẻ thì sao? Mỗi trẻ mỗi tính mỗi nết... dạy dược gì đây khi cô muốn thật sự là người mẹ hiền, là cô tiên như cô từng nghĩ khi chưa bước chân vào nghề Mầm non...
Ai có từng nghĩ cho cô MN chưa?? Sáng tinh mơ cô đã dậy lo dến lớp để kịp vệ sinh lớp (quét lau lớp, kệ tủ, góc chơi, chuẩn bị bàn ghế, chăm sóc cây cảnh...) có đủ thời gian ko khi làm nhiêu việc đó chỉ vỏn vẹn trong vài mươi phút (6g30 là đón trẻ, thì cô vào từ khi nào cho kịp đây??).
Chăm bao nhiêu trẻ ăn cho kịp giờ lên tiết dạy (hơn 40 trẻ/ 2cô/lớp) khi mỗi trẻ mỗi nết ăn, và 8g30 -10g30 là dạy và vui chơi cho trẻ, sau đó 1 cô phải quản cháu cho 1 cô còn lại làm vệ sinh lớp (lau lớp, chuẩn bị cho cháu ăn trưa xong ngủ) kế đến là giờ ăn trưa (2 cô chăm làm sao dể chăm trẻ ăn và coi trẻ vệ sinh răng miệng) và nhất là tránh tình trạng tai nạn khi trẻ chạy nhảy trong lớp, vì đâu phải trường nào,lớp nào cũng rộng để có khu vực riêng cho trẻ.
Nhiều khi ăn trong lớp xong mới lau thì nước chưa kịp khô mà trẻ chạy thì chuyện gì xảy ra??? Một cô làm việc đó rồi thì cô còn lại chăm cháu ăn chậm,.. ai sẽ coi những cháu hiếu động không nghe lời đây??..
Như vậy thì làm một người mẹ hiền có dễ chăng, mệt mỏi chỉ đến đó thôi có thời gian đâu dể giáo dục cá nhân từng trẻ, tiếp cận từng trẻ, và khi cháu ngủ trưa, một cô phải thức trực cháu ngủ, một cô có thể nghỉ ngơi (họa chăng có được phút giây thảnh thơi? khi cô phải chuẩn bị giáo án ngày mai, khi phải nghĩ ý tưởng thay đổi môi trường lớp, hay phải làm những việc vặt cho lớp cho trẻ ( ra khăn giấy, cắt từ cuộn giấy vệ sinh, hay chà rửa nhà vệ sinh, chỉnh sửa lại các góc khi trẻ hiếu dộng phá hủy làm hư hao đồ chơi...)
Sau 2g trẻ dậy, cô lo vệ sinh lớp, cột tóc bé gái, chuẩn bị bàn ăn, phục vụ cháu ăn cũng hết 3g30. Còn lại thời gian vỏn vẹn 30 phúc là cho trẻ uống nước, chỉnh trang y phục và uống dặm sữa, lấy đâu ra nữa việc kịp giáo dục trẻ (trong khi trẻ biết là tới giờ về, chúng quậy vô cùng..) và khi phụ huynh đón trẻ có phải lúc nào cũng đúng giờ và sớm đâu? có khi trời đã tối hẳn mới thấy PH vô với trăm ngàn lí do...
1 ngày là như vậy, 1tuần 5 ngày , những tưởng có 2 ngày nghỉ cho mình, nhưng ko đâu... hội họp, hay học ngoại khóa có khi cũng mất hết 1 ngày cho mình, còn lại 1 ngày thì có thể làm dược gì ngoài việc nghỉ ngơi, còn giao tiếp hay xã giao được với ai?? Công việc thì nhiều, thời gian cũng nhiều nhưng dồng lương thì... Chưa kể những áp lực từ Ban giám hiệu, từ Phòng giáo dục và từ các PH khó dễ... nên có thể hiểu vì sao ngành MN vào rất nhiều, ra cũng rất nhiều nhưng luôn luôn thiếu .... vì có những người ko sống trong chăn làm sao biết chăn có rận, có ai muốn lúc nào mình cũng là con người hai mặt ko? Cái đó mới thật giả tạo đó, giả tạo với chính bản thân, với cả một mầm non trong sáng....



guest
Tại sao vẫn có nhiều giáo viên Mầm Non bỏ nghề.
Ngày gửi: 11/25/2008 9:37:06 PM


Bước đầu chọn cho mình một nghề, một ngành để học. Ai cũng chọn một nghề mà mình yêu thích. Bằng một tấm lòng yêu trẻ thơ các cô giáo trẻ đã cùng nhau chọn cho mình trường để theo học " Sư phạm Mầm Non" để sau này mình có thể suốt ngày được chăm sóc, dạy bảo. Thế nhưng khi ra trường các cô lại nhìn nhau mà nản lòng, có những cô không chịu nổi phải bỏ phí 3 năm ở trường để kiếm viêc khác viì nhiều lý do. Cứ đà này một vài năm nữa sẽ không còn cô giáo Mầm Non dạy cho trẻ nữa.



guest

Kính gửi toàn thể giáo viên !
Ngày gửi: 11/25/2008 11:52:20 PM

Kính thưa toàn thể giáo viên, các công chức ngành giáo dục,
Xin phép cho tôi được nói thẳng, không rào đón đưa đẩy,
- Pháp luật không buộc ai phải chọn và phải sống với nghề giáo viên suốt kiếp.
- Phụ huynh không ai kề dao vào cổ quý vị bắt quý vị phải làm nghề giáo viên.
- Pháp luật không truy tố và dư luận không lên án việc giáo viên bỏ nghề (vì lương thấp).
- Xã hội ngày nay phát triển, quý vị không đến nỗi "một thoáng mộng mơ" hay mù thông tin về ngành nghề mình sẽ chọn. Thế sao quý vị vẫn "nhào vô" (!!!???).
Vì những lẽ trên mà hầu như mọi người tuy rất thông cảm nhưng lại có "cảm nhận không đẹp" với những giáo viên đã chọn nghề, đang sống với nghề ...cứ mãi ca thán, lên án xã hội, lên án các ban ngành...
Chúng ta có quyền tin và hy vọng mà không "chửi rủa" cái mà do tự chính chúng ta lựa chọn.



guest
Gửi : "Kính gửi toàn thể giáo viên !"
Ngày gửi: 11/29/2008 12:19:29 AM


Và xin phép tui cũng dược nói thẳng, và nói thiệt ( tui cũng là GVMN)
Pháp luật cũng ko buộc bạn phải gửi con trong 1 trường đó, có tiền bạn có thể gừi nơi tốt hơn nếu bạn chê nơi này có "cảm nhận không đẹp" với GVMN và cô giáo hay nhà trường cũng ko kề dao vào cô bạn bắt bạn gừi con cho họ khi bạn dã ko tôn trọng họ, bạn cứ để con bạn ở nhà mà chăm .Còn việc chúng tui bỏ nghề hay không là cái xã hội này có những người như bạn , không "tôn sư " dù là nét chữ đầu tiên, bài học vỡ lòng... còn việc ca thán đó là quyền lơi thôi bạn, công việc đòi hỏi cao trong khi quyền lợi chỉ đếm ko bằng mấy đầu ngón tay( nhưng khi có chuyện gì coi như bạn mất trắng). Còn việc "nhào vô" , bạn tin hay ko thì tùy, đó là do yêu trẻ.... và không hề biết công việc áp lực cao đến vậy, tuy nhiên khi vào nghề không bao giờ bạn được quyền "yêu trẻ" vì như thế chúng sẽ "giỡn mặt", khi đó lập tức bao công sức bạn rèn nề nếp cho chúng chỉ còn số 0... và bạn nói XH phát triển thì chúng tui phải biết rõ biết rành, giống như bạn thôi, cũng chỉ " 1 mắt nhắm và 1 mắt mở" chỉ thấy 1 khía cạnh nên đến bây giờ mới " kịp sáng mắt", như bạn chỉ thấy phần tiêu cực của chúng tui và chỉ đem nó ra mổ xẻ.... và khi bạn gửi con thi bạn có quyền tin và hy vọng mà không "chửi rủa" việc mà bạn đã giao con bạn cho cô dạy giỗ....... Bạn hãy suy nghĩ lại đi... khi mà nói lên điều đó.. tại sao xã hội ngày nay , giới trẻ ngày nay đều " hư đốn" hết cũng do cái gọi là đổi mới trong giáo dục, dổi mới cách dạy con khi mà hứong đi đó lệch lạc khi ta tiếp cận không tới nơi, triển khai không hợp lý...




guest

Gửiu người ( kính gửi toàn thể giáo viên trong ngành Giáo Dục)
Ngày gửi: 11/29/2008 1:28:14 AM

Đọcc bài của bạn tôi nghĩ bạn là người có học vấn và hiểu biết pháp luật thế nhưng tôi thấy bạn lại là người không có tấm lòng, là người gia trưởng. Xin lỗi tôi đã nói thật suy nghĩ của mình. Các cô giáo ở đây họ chỉ nói thật những gì họ phải gánh chịu, họ cần được hia sẻ. Bạn thử đi tìm hiểu một chút về nghề thì sẽ có cái nhìn cảm thông hơn.


guest
gởi " Kính gửi toàn thể GVMN"
Ngày gửi: 11/29/2008 9:43:40 PM


Tôi rất bức xúc với cách nói của bạn. Tại sao chúng tôi cứ mãi ca thán ư? Vậy tại sao mọi người cứ mãi đem GVMN ra để mà bình phẩm, hết trách móc rồi lại nói xiên xỏ. Nếu thiên hạ đừng động đến GVMN thì cũng chẳng ai thèm ca thán chi cho mệt người. Không phải là chúng tôi muốn than thở trách móc gì , chẳng qua là chúng tôi muốn mọi người hiểu thêm về công việc của chúng tôi mà thông cảm cho chúng tôi thôi. Vì có một số PH gởi con và họ nghĩ rằng họ đóng tiền hàng tháng cho con thì trách nhiệm của chúng tôi là phải trông con họ chu đáo, nhưng không biết họ có biết rằng họ đóng tiền đó là cho con họ ăn uống, học hành chứ tiền công phục vụ bán trú tức là tiền mà chúng tôi phục vụ con họ ăn, uống, vệ sinh là 50.000/1 tháng/ 1 bé, tức là khoãng hơn 2000đ một ngày mà với bao nhiêu công việc chúng tôi làm đó có xứng với số tiền đó không?



guest

Nếu!
Ngày gửi: 1/19/2009 12:27:00 AM

Nếu bạn " Kính gửi toàn thể GVMN" lấy vợ(chồng) lẽ nào bạn cứ ly dị hoài ,có ai không biết lấy vợ , lấy chồng là gông đeo vào cổ thế nhưng ai cũng nhào vô đó sao??? tại vì sao bạn biết rồi đấy...


guest
Miễn binh luận.
Ngày gửi: 7/7/2010 10:20:51 PM


mình cũng là GVMN khi doc bình luận của các bạn , mình thấy cái nào cũng đúng cả...cái nào cũng có lý của nó , mĩnh từng là nạn nhân của những lý do nêu trên....cho nên mình cũng chẳng có ý kiến gì thêm cả... mình chỉ muốn nói rằng chúng ta đùng vạch áo cho người xem lưng ....cứ không nghe , không biết , không thấy , bỏ ngoài tai , việc mình mình làm , cứ làm theo đúng lương tâm nghề nghiệp của mình là ok roi các vị ơi.Mệt mỏi với nỗi niềm LÀM DÂU TRĂM HỌ LÁM ANH CHỊ AH


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Khi lương giáo viên còn thấp hơn… người giúp việc (22/11)
 Hà Nội: 85% trẻ mầm non học công lập và bán công (22/11)
 Một ngày của cô giáo mầm non (21/11)
 Chúng ta có những điều đáng tự hào về giáo dục mầm non của mình! (20/11)
 Trường Mầm non Tuổi Hoa và những mẹ hiền yêu nghề (20/11)
 Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20-11: Mẹ Do (19/11)
 Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học (18/11)
 Vòng chung kết Hội thi chủ đề “Vườn Hoa Nhà Giáo”. (18/11)
 Giáo viên mầm non hợp đồng : Chật vật theo nghề (17/11)
 Người ươm mầm lặng lẽ. (16/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i