Giáo dục mầm non
   Khi lương giáo viên còn thấp hơn… người giúp việc
 

Tăng lương giáo viên là một trong những biện pháp cải thiện nền giáo dục sau khi thực hiện cuộc vận động "Hai không".

Không ít diễn đàn đã đề cập đến những điều chưa hợp tình hợp lý của lương cán bộ, công chức chuyên ngành, mà nhạy cảm nhất là lương giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non...

Mấy năm gần đây ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng để từng bước triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Từ "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với việc chạy theo thành tích" mà ngành giáo dục thường gọi "hai không" tiếp sau đó là "nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo; nói không với ngồi nhầm lớp; nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội... Và đến bây giờ là cải tiến phương pháp giảng dạy của giáo viên...

Một vấn đề quan trọng nữa gắn liền với chất lượng giáo dục cũng đã được nhắc nhiều lần nhưng chưa giải quyết được bao nhiêu, đó là: lương cho giáo viên.

Khó khăn bộn bề vì lương thấp
Chuyện năm học 2008-2009 mới tính riêng ở huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An vẫn có chừng 200 thầy - cô giáo mỗi tháng lĩnh lương 500 nghìn đồng, lại còn không được quyền đóng bảo hiểm.

Thầy Trần Quốc Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Xuân cho biết, trường gồm 27 giáo viên, thì đã có tới 10 thầy, cô ký hợp đồng ngắn hạn, nghĩa là lương chỉ 500 nghìn đồng/tháng. Và thâm niên nhận mức lương này cũng đã từ 7 đến 10 năm nay rồi.

Còn cô giáo Lê Thị Hằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An đã được 10 năm, từ năm 1999 đã được ký hợp đồng dài hạn với huyện để chính thức làm giáo viên, mức lương 800 nghìn đồng/tháng. Không hiểu sao, 5 năm nay, cô chỉ được ký lại hợp đồng ngắn hạn, lương chỉ ở mức 500 hoặc 550 nghìn đồng/tháng tùy theo năm.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ Trịnh Hữu Thành, cả huyện Tân Kỳ hiện có hơn 190 giáo viên đang ở tình trạng như cô Hằng. Ông Thành nhấn mạnh: "Năm ngoái, con số này là 250 giáo viên! Nhiều người đã phải bỏ nghề, số ít đã có được biên chế do đạt thành tích là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh hoặc may mắn được suất "thế chân" những người mới về hưu".

Cô Ngọc Hân, giáo viên một trường mầm non ở Gò Vấp, Tp.HCM cho rằng đồng nghiệp của mình đã gộp hết các khoản vào thì mới ra được 1,3-1,4 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ tính lương không thì khoảng 800.000 đồng/tháng.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM, đã từng so sánh: "Hiện nay giáo viên mầm non trình độ cao đẳng mới ra trường có mức lương 1-1,5 triệu đồng/tháng. Tết chỉ được vài trăm ngàn đồng tiền thưởng. Giáo viên trình độ trung cấp mới ra trường thu nhập còn thấp hơn. Trong khi đó một người giúp việc (chỉ học qua lớp đào tạo hai tháng) có mức lương 1,2-1,5 triệu đồng/tháng cộng với chi phí ăn, ở tại gia đình chủ nhà, có lương tháng 13 trong dịp Tết, được may quần áo mới trong dịp lễ, thuốc men khi ốm đau... Tính ra, thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc".

Không chỉ giáo viên mầm non mà ngay cả ở đại học, lương cũng vậy. Theo dẫn chứng của một giảng viên trường đại học ở Hà Nội thì lương của một giảng viên khoa cơ bản tại trường đại học mà anh - một thạc sĩ có thâm niên 6 năm bao gồm: lương cơ bản, tiền giảng dạy (20 nghìn/giờ, mỗi tuần dạy từ 15-20 tiết), ăn trưa, chấm thi... thì tổng thu nhập hàng tháng khoảng hơn 3 triệu đồng.

Đề án tăng lương có khả thi?
Theo Đề án Tăng lương mà Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, đến năm 2010, lương giáo viên sẽ tăng 1,7-1,8 lần. Lương sẽ tăng từ từ và từ cấp mầm non, tiểu học đến đại học. Ví dụ như mầm non từ 1,4 triệu sẽ tăng đến 3,2 triêu, THPT từ 1,5 triệu sẽ tăng đến 4,3 triệu...

Hiện tiền lương chi cho giáo viên chiếm hơn 1/3 ngân sách giáo dục (khoảng 34%) nếu thực hiện tăng lương đến năm 2010 thì lúc đó tiền lương chi cho giáo viên sẽ vào khoảng 41.000 tỷ đồng, chiếm 36,8% ngân sách cho giáo dục.

Như vậy, mức tăng chi cho lương từ ngân sách cũng không là quá lớn. Việc tăng lương để giáo viên yên tâm giảng dạy rõ ràng đã được Đảng, Quốc hội, Nhà nước quan tâm.

Trả lời trước Quốc hội vào tháng 11/2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã làm nức lòng hơn 1 triệu giáo viên trong cả nước khi ông khẳng định: đề án tăng lương cho giáo viên là hoàn toàn khả thi.

Tăng lương giáo viên là một trong những biện pháp cải thiện nền giáo dục sau khi thực hiện cuộc vận động "Hai không", mặc dù lúc đó có nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng rằng: "Mặt bằng lương là chung, liệu đề án tăng lương cho giáo viên trình Chính phủ có được chấp nhận?".

Đầy lạc quan, Bộ trưởng tiếp tục khẳng định: "20 năm đổi mới, đất nước đã giàu lên, bốn năm nữa xã hội sẽ phát triển hơn nữa. Ai cũng muốn tăng lương để giáo viên yên tâm giảng dạy, Quốc hội, Nhà nước luôn coi trọng giáo dục nên việc tăng lương là có cơ sở khả thi".

Hai năm sau đó, cuộc vận động "Hai không" được đánh giá là tương đối thành công. "Thừa thắng", ngành giáo dục mở liên tục các cuộc vận động khác sau đó như: nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo; nói không với ngồi nhầm lớp; nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội... Nhưng chưa thấy ngành nhắc gì đến chuyện tăng lương cho giáo viên?!

Được biết, Đề án đổi mới lương giáo viên nằm trong Đề án đổi mới Tài chính cho giáo dục. Nếu đề án được Chính phủ phê duyệt, học phí mới và lương giáo viên cũng sẽ có điều chỉnh.

Rõ ràng việc đảm bảo lương cho giáo viên nói chung và những vùng xa nói riêng đòi hỏi sự quan tâm thật sự của các cấp chính quyền. Chúng ta đã có chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nhiều nơi, đã thực hiện có hiệu quả khi có sự đồng tâm, đồng lòng của các cấp chính quyền cùng đông đảo phụ huynh học sinh nên phần nào đã giải quyết được một phần khó khăn cho giáo viên.

Mới đây, trong dịp gặp gỡ đối thoại với giáo viên trẻ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lãnh đạo UBND Tp.HCM đã ghi nhận những ý kiến của các giáo viên trẻ về đổi mới phương pháp giảng dạy, lương cho giáo viên, chính sách nhà ở... đồng thời cho biết thành phố đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành tìm cách cải thiện lương cho giáo viên.

Theo VnEconomy

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Có thực mới vực được đạo
Ngày gửi: 11/24/2008 1:15:41 PM

Việc tăng lương cho GVMN là một việc làm rất là đúng đắn vì như bản thân em là một GVMN lương hàng tháng chỉ khoảng 1,5 triệu. Đồng lương ấy đối với một GV còn độc thân nếu chi tiêu tằn tiện thì có thể đủ xài trong tháng. Nhưng với bản thân em thì hàng tháng sau khi đi lãnh lương về thì số tiền lương ấy coi như trôi theo sông theo biển vì sau khi lãnh ra thì nào là trả tiền ăn cho 2 con, nào là tiền photo sổ sách, nào là tiền xăng cộ đi dạy...chưa nói chi đến thi GVG thì bản thân phải xuất tiền túi ra nào là mua đồ chơi, mua đồ dùng chuẩn bị lên tiết dạy, mua đồ dùng trang trí lớp...thì 1 triệu mấy ấy chẳng thấm vào đâu đôi khi còn phải chạy về nhà mượn tiền cha mẹ. Hàng tháng phải sống bấu víu vào đồng lương của chồng riết rồi chồng mới hỏi đùa:"Hình như em đi dạy không có lương hay sao ấy? Nếu vậy thì em cứ ở nhà mà trông con để tôi đi làm nuôi mẹ con em". Thật sự nếu như không có tình cảm với nghề thì có lẽ em đã ở nhà để cho chồng nuôi thật, nhưng vì ở đây tình thương yêu các cháu, nghỉ dạy một ngày là em thấy nhớ các cháu lắm nên em mới bám trụ để dạy. Thời buổi kinh tế thị trường giá cả đắt đỏ như hiện nay thì liệu có bao nhiêu cô giáo sẽ bám trụ theo nghề này với những đồng lương như thế?


guest
Tôi đồng ý với ý kiến trên
Ngày gửi: 9/16/2010 3:32:30 PM


Thực tế tôi cũng là giáo viên, nhưng những gì cô bạn trên vừa nói thì không quá đáng chút nào, lần nào cứ giữa tháng là tôi phải "xin tiền chồng", vì chưa có con, nên mức lương 1 triệu mốt, không thể xoay sở nỗi, vì là lương giáo viên mới ra trường cộng thêm phụ cấp thì vỏn vẹn chỉ có 1130000 thôi, nào là điện, nước, xe cộ, .. không thể chịu nỗi, nếu các cấp trên có lòng, xin quan tâm giúp đỡ dòm ngó đến giáo dục, vì không thực không vực được đạo.



guest

Thắc mắc
Ngày gửi: 3/23/2011 8:13:36 PM

Chúng tôi là giáo viên trường mầm non. Thu nhập của chúng tôi trừ bảo hiểm đi con được 1.600000 mà lớp của chúng tôi có 36 trẻ. Được phụ cấp thêm số trẻ dư là 30000d/1 trẻ chia cho hai cô. Trong khi đó chúng tôi phải dậy trẻ cả ngày thứ 7 mà không được tính lương chúng tôi làm việc sáng từ 6h30-11h30 chiều từ 13h30-17h tôi muốn hỏi hiệu trưởng phân công công viêc, mức lương như thế là đúng hay sai?


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hà Nội: 85% trẻ mầm non học công lập và bán công (22/11)
 Một ngày của cô giáo mầm non (21/11)
 Chúng ta có những điều đáng tự hào về giáo dục mầm non của mình! (20/11)
 Trường Mầm non Tuổi Hoa và những mẹ hiền yêu nghề (20/11)
 Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20-11: Mẹ Do (19/11)
 Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học (18/11)
 Vòng chung kết Hội thi chủ đề “Vườn Hoa Nhà Giáo”. (18/11)
 Giáo viên mầm non hợp đồng : Chật vật theo nghề (17/11)
 Người ươm mầm lặng lẽ. (16/11)
 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Rất quan tâm đến giáo dục mầm non, nhưng... (13/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i