Giáo dục mầm non
   Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Rất quan tâm đến giáo dục mầm non, nhưng...
 

Chiều 12-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết trong khoảng 100 phút cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, cần đề nghị tập trung vào các vấn đề số trường ĐH, CĐ thành lập mới quá nhiều gần đây liệu có đủ điều kiện và đảm bảo được chất lượng?

Về giáo dục mầm non là cấp học rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Ở giáo dục phổ thông thì nội dung chương trình SGK quá nặng, mặc dù đã có ý kiến nhiều lần...


Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đang trả lời chất vấn của Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng

Giáo dục mầm non đang bị bỏ ngỏ
Bậc học mẫu giáo vốn được xem là nền, là gốc của sự học, của việc hình thành tư duy nhân cách nhưng rất nhận được ít sự quan tâm của bộ. Trong khi đó bộ lại quá tập trung cho mở tràn lan các trường ĐH, CĐ nhưng chất lượng đào tạo ở nhiều nơi rất thấp.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) chất vấn: "Xin bộ trưởng cho biết có phải bộ đang làm quy trình ngược là chỉ lo cho phần ngọn mà ít quan tâm đến việc chăm sóc phần gốc. Bộ kêu gọi chống bệnh thành tích trong giáo dục nhưng chính việc làm của bộ lại đang tạo ra căn bệnh thành tích mới. Trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu về vấn đề này?".

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân giải trình: Thực ra không phải bộ không quan tâm đến mầm non, nhưng trong điều kiện có hạn nhất định, bộ chỉ đủ sức tập trung cho một bậc nhất định. Sau năm 1975 chúng ta phát triển giáo dục và chọn khâu đột phá là phổ cập tiểu học và phấn đấu làm đến năm 2000 mới xong. Sau khi hoàn thành phổ cập tiểu học, bắt đầu phổ cập THCS, lúc đó cũng không đặt phổ cập THPT và phổ cập mầm non, vì sức có hạn.

Bộ muốn chi nhiều nữa cho mầm non, phổ cập cho mầm non nhưng chưa làm nổi vì đang còn mục tiêu THCS, nhưng trong ngành xác định trong khi chưa phổ cập được hết mầm non từ 0 đến 5 tuổi thì năm nay ngành đặt chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi. Trong năm độ tuổi đó thì bậc 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 chứ nếu toàn bộ thì không được.

Không thỏa đáng với giải trình của bộ trưởng, đại biểu Lê Văn Cuông nói thẳng: "Qua giải trình của bộ trưởng tôi thấy chưa đi thẳng vào vấn đề tôi cần hỏi và cử tri quan tâm. Vấn đề này không phải mới xảy ra mà từ nhiều khóa Quốc hội đã đề nghị phải đưa hệ mầm non vào Luật Giáo dục để được Nhà nước đầu tư gốc này cho vững rồi các bậc lên mới có điều kiện, nhưng quan điểm của Bộ cũng rất thờ ơ. Không biết bộ trưởng có thấy quan trọng không, nhưng cử tri phát biểu là rất quan trọng, bởi vì hình thành nhân cách là nền...".

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói: Báo cáo cử tri là tôi rất quan tâm vì chính khi tôi về làm bộ trưởng, tôi là người chủ động đề xuất thực hiện chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi. Chúng tôi có nói là sắp xếp làm sao tất cả trẻ mầm non không phải từ 1-5 tuổi đi học được thì riêng 5 tuổi đi học đủ để có vốn vào lớp 1. Các trường bán công ở vùng miền núi chúng tôi kiến nghị là chuyển sang công lập để trẻ em 5 tuổi đi học được.

Đại biểu H'Luộc Ntơr (Đắc Lắc) hỏi: "Đề án phát triển giáo dục mầm non nhằm thu hút tất cả các cháu 5 tuổi đến trường mẫu giáo học một năm trước khi học tiểu học. Thế nhưng giáo dục mầm non ở các tỉnh miền núi hiện nay vừa yếu về chất lượng, vừa thiếu về số lượng. Đề nghị giải pháp của bộ trưởng trong thời gian tới đối với các tỉnh miền núi hiện nay?".

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Cách làm của chúng tôi là chọn vấn đề phổ cập mầm non 5 tuổi là thí điểm của chương trình mầm non làm sao gắn được với điều kiện có thể cân đối cả về tài chính. Giải quyết vấn đề giáo viên đủ cho mầm non 5 tuổi, giải quyết nhà ở, lớp học cho đủ các em, giải quyết vấn đề chính sách.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị nghiên cứu lại chủ trương chuyển các trường mầm non từ công lập sang dân lập và tư thục, nhất là các vùng nông thôn, miền núi vì mức thu nhập của người dân ở đó còn rất nhiều khó khăn.

"Chính phủ chưa bao giờ có chủ trương chuyển trường mầm non công lập thành tư thục cả. Chúng ta chỉ bàn bán công, xưa nay bán công thì Nhà nước lo được cô hiệu trưởng và một giáo viên, còn lại là hợp đồng. Bộ đang làm là trường bán công ở vùng khó khăn chuyển thành trường công lập thì mới làm được phổ cập 5 tuổi. Tôi khẳng định lại không có vấn đề chuyển công lập thành tư thục, chỉ có bán công nơi thuận lợi có nhu cầu xã hội cao thì có thể chuyển thành tư thục và dân lập, còn vùng khó khăn phải chuyển từ bán công thành công lập" - bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Bức xúc mở trường ĐH, CĐ ồ ạt
Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) cho biết một vấn đề đáng báo động hiện nay là Bộ đang và đã cấp giấy phép thành lập rất nhiều trường ĐH, CĐ nhưng trong đó nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập không thực hiện đúng các cam kết đã nêu trong đề án thành lập trường đã được Bộ phê duyệt. Nhiều trường ĐH, CĐ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện, phòng thí nghiệm rất nghèo nàn và sơ sài không đáp ứng được yêu cầu đào tạo.

Ông Dũng lấy ví dụ ở một số trường mà báo chí đã nêu gần đây, như ĐH dân lập Phú Xuân tuyển sinh và đào tạo 12 ngành nhưng chỉ có ba giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, ĐH tư thục Công nghệ thông tin Gia Định mở bảy ngành đào tạo nhưng chỉ có một giảng viên cơ hữu ngành quản trị kinh doanh có trình độ tiến sĩ... Ông đề nghị bộ trưởng cho biết vì sao lại để xảy ra tình trạng này mà không xử lý kiên quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ĐH ngoài công lập chất lượng thực tế chưa đúng như đăng công bố là đúng. Đến năm 1997 cả nước có 110 trường ĐH, CĐ và 11 năm sau thành lập thêm hoặc nâng cấp có thêm 200 trường. Như vậy, trong 11 năm số ĐH, CĐ gần gấp đôi của 90 năm trước. Tuy nhiên, phần thiếu sót của Bộ vừa qua là chưa kiểm tra và xử lý xem chất lượng có đủ hay không. Hiện Bộ ban hành dự thảo tiêu chí thành lập ĐH mới và lấy ý kiến chuẩn bị công bố, tiêu chí này chặt chẽ hơn cái cũ, quy định giảng viên cơ hữu phải đảm bảo 60% khối lượng môn học chứ không phải 30%, quy định tỉ lệ các thạc sĩ, tiến sĩ.

Vừa qua Bộ đã tổ chức tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển các ĐH, CĐ mới, và thấy rằng nhiều đơn vị không thực hiện đúng cam kết. Hiện nay Bộ đang chuẩn bị văn bản gửi các trường đề nghị trường phải đăng ký thực hiện cái còn thiếu sót và có lộ trình, trong ba năm liên tục Bộ sẽ đi kiểm tra, nếu kiểm tra không hoàn thành thì dần dần có biện pháp xử lý.

Ngoài ra, khi mở trường phải công khai cam kết chất lượng đào tạo, công khai nguồn lực giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, công khai tài chính. 70% các trường ĐH phải làm kiểm định chất lượng. Đến năm 2010 tất cả các trường ĐH phải làm kiểm định nội bộ và tiến đến kiểm định bên ngoài.

Thay đổi sách giáo khoa, chỉnh sửa chương trình?
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) đặt vấn đề: "Bộ chủ trương tiếp tục duy trì 7-8 năm tới về chương trình và SGK hiện hành, như vậy có đúng không? Tôi hiểu rằng thay đổi SGK sẽ có xáo trộn lớn và gây nhiều tốn kém nhưng có thể vẫn giữ SGK. Nhưng nhất thiết cần thay đổi chứ không phải điều chỉnh chương trình để sao cho không quá tải và không sai khác quá nhiều so với chương trình giáo dục phổ thông của các nước khác".

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân giải trình: Chương trình đã được thông qua và áp dụng cho thời gian tương đối dài, còn SGK là công cụ để thực hiện chương trình, do đó khi đánh giá chương trình và SGK có thay đổi không, phải có căn cứ khoa học. Vừa qua Bộ đã tổ chức đánh giá chương trình giáo dục phổ thông, xem xét đáp ứng các vấn đề: đảm bảo tính khoa học, sư phạm, khả thi... Về cách làm, bộ đã thu thập các ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan và lấy ý kiến của 20.000 trường phổ thông trong cả nước, chiếm 50% số trường phổ thông. Trên cơ sở ba tháng triển khai tại cơ sở, ngày 18-5-2008 bộ đã tổ chức hội nghị toàn quốc lần đầu tiên về đánh giá chương trình và SGK.

Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông có sáu ưu điểm, tuy nhiên cũng có bốn thiếu sót, hạn chế. Chẳng hạn, nhìn khái quát, chương trình giáo dục phổ thông chưa đảm bảo sự cân đối giữa "dạy chữ" và "dạy người", còn nặng về kiến thức, chưa coi trọng việc hình thành nhân cách cho trẻ em; yêu cầu của chương trình là cao đối với bộ phận học sinh có học lực yếu kém, học sinh nhóm dân tộc thiểu số và học sinh sinh sống ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn... Mảng chương trình có hạn chế thiếu sót nên trong thời gian tới sẽ thông qua đánh giá hằng năm và xác định đến lúc nào sẽ thay đổi chương trình.

Về SGK có bốn ưu điểm, mặt khác cũng có bốn thiếu sót, hạn chế... Bộ đã triển khai ngay các biện pháp để khắc phục những hạn chế của SGK. Năm nay mới bước vào năm đầu tiên của chương trình SGK lớp 12 mới nhưng cần sớm triển khai bộ phận nghiên cứu để xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới để triển khai sau năm 2010. Khi chúng ta thay đổi chương trình giáo dục phổ thông thì việc biên soạn SGK sẽ phải thay đổi theo. Với chương trình đang có thì một chương trình có thể sẽ có nhiều bộ SGK.

Về giải pháp trước mắt, Bộ đã điều chỉnh khối lượng để giảm quá tải (điều chỉnh chương trình học một năm từ 35 tuần lên 37 tuần); một số môn học phải hình thành nhóm; tiếp thu sai sót phải sửa. Chương trình học sẽ tiếp tục dùng trong thời gian tới và SGK sẽ sửa hằng năm nếu phát hiện được, việc đánh giá này sẽ thực hiện đến năm 2010, làm bốn năm liên tục và sau đó sẽ quyết định có chỉnh sửa chương trình hay không.

Trong vòng 100 phút đã có 14 lượt ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chất vấn và trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên, nhiều lần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phải lưu ý Bộ trưởng GD-ĐT không nói lòng vòng mà hãy đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi.

Theo Tuổi Trẻ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Nhìn lại gốc hay ngọn quan trọng.
Ngày gửi: 11/13/2008 9:23:54 PM

Tôi rất đồng tình với ý kiến Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) chất vấn: "Xin bộ trưởng cho biết có phải Bộ đang làm quy trình ngược là chỉ lo cho phần ngọn mà ít quan tâm đến việc chăm sóc phần gốc. Tôi thấy hiện nay các trường mẫu giáo và đặc biệt là đời sống của giáo viên mẫu giáo gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều cô giáo ra trường chỉ theo nghề được vài năm sau đó hầu như bỏ nghề. Lý do đó là đồng lương không đủ cho cuộc sống của các cô, ngoài ra hầu như không có biên chế, chỉ ký hợp đồng với Phòng giáo dục và với trường. Như vậy các cô không thể yên tâm công tác và yêu nghề được, nhiều giáo viên chuyển sang ngành nghề khác, từ đó các trường thiếu giáo viên, chảy máu chất xám. Tôi đề nghị PTT với tư cách là người đứng đầu nghành hãy quan tâm đến phần gốc nhiều hơn.


guest
Hãy quan tâm đến đời sống của giáo viên MN .
Ngày gửi: 11/15/2008 9:54:23 AM


Chúng tôi xin cảm ơn đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đã nói lên được khó khăn của nghành mầm non chúng tôi đang gặp phải, song chúng tôi cũng muốn ban nghành phải có biện pháp quản lý sát sao tới các cán bộ quản lý là Ban Giám Hiệu của trường mầm non bởi sụ đầu tư của ban nghành rót từ trên xuống mà không kiểm soát sát sao thì tôi e rằng tất cả các quyền lợi của cả cô và trò đều không được đảm bảo và sẽ chảy hết vào túi BGH. Với các trường khác thì chúng tôi không biết chứ riêng trường chúng tôi thì thực trạng là như vậy. Giáo viên của trường thục hành Hoa thủy Tiên ( trường CDDSPTWW ) thường xuyên bị cắt sén tiền lương hàng tháng thông qua việc xếp thi đua A,B,C hàng tháng. Nếu bị B thì trừ 300.000 đ, bị C là trừ 600.000đ. Thử hỏi lương các cô được bao nhiêu mà lại từ như vậy. Có rất nhiêu nguyên tắc quy định của trường chúng tôi rất khác người và theo chúng tôi được biết là làm trái pháp luật. Mà việc dồn các cô vào chỗ chết (xếp loại C ) hàng tháng lại quá dễ dàng. Rất mong ban nghành quan tâm sát sao hơn về việc thưởng phạt của BGH, cho các cô bồi dưỡng thêm kiến thức về luật giáo dục để BGH không bắt nạn các cô được nữa, chứ hàng tháng họ nghĩ ra đủ trò để cấu véo từng đồng tiền lẻ đến đồng tiền chẵn của giáo viên bằng cách trừ vào lương thì đau lòng quá, lương thì chẳng được bao nhiêu mà họ nói tháng này cô này xếp loại C sao mà nhẹ nhàng quá, 600.000đ là cả một vấn đề với giáo viên mầm non và tháng đó chắc chắn con họ sẽ chẳng được uống sữa nữa. Cuộc sống của giáo viên MN là như vậy đấy thử hỏi làm sao chúng tôi yêu nghề được khi cuộc sống không được đảm bảo chúng tôi muốn công bằng muốn những người có lương tâm con người quản lý để chúng tôi không bị áp lực thiệt thòi và thêm gắp bó với nghề nghiệp. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!



guest

Đau lòng biết bao - cô giáo Mầm Non.
Ngày gửi: 11/15/2008 4:18:23 PM

Tôi rất buồn khi ngành Mầm Non chúng tôi lao động thì nhiều mà đồng lương thì như cà phê nhỏ giọt. Lương bậc học của Mầm Non thấp nhất trong cacác bậc Giáo Dục thế mà chúng tôi phải làm bao nhiêu công việc như một người không có trình độ, nhưng khi được trả lương lại thấp hơn một người giúp việcckhông có trình độ. Thử hỏi xem có biết bao nhiêu giáo viên giỏi đã từ giã nghề của mình để làm công việc khác hay qua dạy cho các trường Quốc Tế vì ở đây họ biết trân trọng giáo viên mầm Non chúng tôi. Họ coi chúng tôi là trí thức chứ không phải người ở, chỉ yêu cầu chúng tôi dạy và chăm sóc các cháu tốt mà thôi ngoài ra không còn phải làm việc gì thử hỏi giáo viên còn trụ lại làm việc cho nhà nước không? Còn trong môi trường GD của nhà nước thì chúng tôi làm quá sức, ăn uống kham khổ không bằng phần ăn của công nhân...Mong mọi người hãy thương và nghĩ lại cho giáo viên Mầm Non chúng tôi.


guest
NHỮNG NỔI TRĂN TRỞ
Ngày gửi: 11/18/2008 10:45:36 AM


Tôi đông ý vơi quan điểm của mọi ngươi, nhưng không chỉ có vậy. Đầu năm học chúng tôi còn tốn tiền trang trí lớp, sơn lớp, mỗi tháng còn phải tốn tiền sửa chữa nhà vệ sinh cho trẻ vì trường bảo là không có kinh phí. Lễ tết nhiều khi còn không được tiền thưởng. Ở TPHCM mà còn vấn đề đó xảy ra thì những vùng khác như thế nào đây. MOng là các ban ngành quan tâm nhiều hơn đối với ngành mầm non.Thực sự khi bỏ ngành chúng tôi cũng không vui vẻ gì, vì rất nhớ những học trò yêu quí của mình. Nhất là sắp đến ngày 20/11 làm cho chúng tôi còn buồn thêm. Ngành mầm nôn đáng lẽ phải được tôn vinh và quan tâm thật nhiều



guest

Buồn lắm xã hội ơi!!!! ngày 20 tháng 11 năm 2008
Ngày gửi: 11/18/2008 12:49:22 PM

Có người hỏi chắc lương cô cao lắm,
Trẻ thì đông mà chẳng phải nộp gì.
Triệu bé, triệu to thế còn ít cái chi.
Lương như thế thì khối người mơ ước.
Tôi bảo khẽ lương tôi còn thấp,
xã hội cho thu nhập cả 3 nguồn.
Nhưng cộng lại chẳng được mấy đồng lương,
Còn ít ỏi nên không đủ sống.
Lương ngành dọc thì còn trông ngóng,
Hai ba chăm, đủ mua rượu cho chồng.
Còn con nhỏ thì ký nợ ông Đông,
Đợi lương trẻ mới có tiền để trả.
Sáu tháng sau mới lấy tiền trên xã,
Được vài trăm, nhưng trả nợ chẳng còn.
Chồng tôi bảo mình chỉ đẻ 1 con.
Ăn tần tiện mới đủ tiền nuôi nó.
Tôi vẫn nghĩ ngành Mầm Non là thế.
Biết làm sao khi đã chọn nghề này,
Thôi thì chồng đã hiểu ta thay,
Mặc cho số phận buông tay mà cười.



guest
Giáo dục Mầm Non
Ngày gửi: 11/18/2008 4:28:37 PM


Để trẻ em 5 tuổi có đủ kiến thức chuẩn bị vào lớp 1, chúng tôi đề nghị các lớp Mẫu giáo chỉ nên nhận trẻ 5 tuổi (không nên ghép 2 độ tuổi, chỉ ghép hai độ tuổi ở những lớp không đủ biên chế 30 bé).



guest

Gửi cô gió trường thực hành Hoa Thủy Tiên.
Ngày gửi: 11/18/2008 8:28:58 PM

Đọc những lới tâm sự của cô tôi mới thấy chính giáo viên đang yếu vì thiếu thông tin, chế độ chính sách...nên bị thiệt thòi về quyền lợi. Tôi là hiệu phó một trường bán công nhưng chúng tôi luôn tuân thủ thu chi tài chính rất nghiêm ngặt. Tiền lương + bảo hiểm + ngoài giờ được chi 70% trên tổng số tiền thu học phí. Nếu các cô làm một phép tính đơn giản đó sẽ biết được BGH đã chi đúng chưa? Còn vấn đề xếp loại để trừ vào tiền lương thì không được bởi tôi được biết không được phép trừ hay phạt lương giáo viên. Xếp loại là để làm căn cứ thi đua cho từng học kỳ, hay cả năm học...Trên có cơ sở để khen thưởng cuối năm, làm căn cứ nâng lương. Ở trường tôi xếphạng A được hưởng mức lương cao nhất, lại B không thưởng, loại C nếu bị 2 tháng trong năm sẽ không đạt danh hiệu gì cả...


guest
Xin cám ơn.
Ngày gửi: 11/19/2008 3:13:29 PM


Xin ngàn lần chân thành cám ơn Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đã nói lên được điều mà bao năm qua chúng tôi rất buồn phiền và trăn trở. Chúng tôi là những giáo viên mầm non của huyện vùng sâu, bao năm qua chúng tôi dạy ở bậc học này mà lòng luôn lo toan và mong có một việc khác hoặc có khi vừa dạy và vừa làm việc khác vì lương chúng tôi chẳng đủ để xoay sở trong gia đình. Còn công việc thì luôn luôn là áp lực, sáng sớm là đã đi một quãng đường khoảng 15 - 16 km vào đến lớp, bận rộn mãi đến chiều mới về đến nhà, còn giáo án, sổ sách, rồi đến việc cơm nước, con cái, ... hầu như lúc nào đầu óc chúng tôi cũng không đuợc thanh thản lấy đâu mà sáng tạo, mà dạy tốt?!? rồi mỗi khi ...



guest

Khó khăn của đời sống giáo viên
Ngày gửi: 11/19/2008 9:20:43 PM

Qua lời chất vấn của đại biểu LÊ VĂN CUÔNG tôi cám ơn Bác ấy rất nhiều. Vì Bác ấy đã nói được cái khó khăn của GV đang gặp phải. Và sau đây tôi cũng có đôi lời thắc mắc để gửi lên cấp trên .
Là giáo viên MN đồng lương lại thấp hơn các bậc giáo dục. Đất Nước ngày càng phát triển Nhà Nước cũng tạo điều kiện cho đời sống người dân cũng nâng cao nhưng bên cạnh đó tôi lại có một thắc mắc.
Khi tôi đến các Ngân hàng muốn vay vốn để trang trải cho cuộc sống. Nhưng khi đến nơi thì các Ngân Hàng đó đều từ chối (Vay tín chấp). Có phải họ cho rằng đồng lương của chúng tôi không đủ để trả cho họ. Kính mong Cấp trên vui lòng giải trình cho tôi được rõ hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn!



guest
LƯƠNG VÀ THƯỞNG?
Ngày gửi: 11/20/2008 4:38:14 AM


Tôi cũng là 1 giáo viên mầm non, cũng nghe nói rất nhiều về việc cải thiện lương cho giáo viên nhưng rồi cũng chẳng được là bao so với đời sống kinh tế xã hội hiện nay. Đã vậy ngày nhà giáo việt nam năm nay là ngày lễ lớn của thầy cô giáo PGD chỉ thưởng cho biên chế vỏn vẹn chỉ có 100.000 đồng. Mà trong khi đó thì suốt ngày bắt giáo viên phải đổi mới cái này cái kia, rồi nào là đầu tư cho giáo dục thì với mức lương và thưởng như vậy có đủ sức để các giáo viên tâm huyết với nghề không? Để rồi năm nào cũng thiếu GVMN ...



guest

Làm thế nào để trọn vẹn gia đình và công việc.
Ngày gửi: 11/21/2008 2:32:41 PM

Trước đây khi là một sinh viên em mong sao sớm được ra trường để trở thành người "Mẹ Thứ Hai" .
Nhưng khi em đi làm đến nay thì mong ước trở thành người mẹ thứ hai của em đã vơi đi phần nào không phải vì công việc cực nhọc làm em nản lòng mà vì những lý do như sau:
GVMN tụi em sáng tờ mờ đã phải chia tay chồng con đến chiều tối mới về, nhưng đồng lương thì chẳng đựơc là bao mà lại còn bị cắt xén đi số tiền 100.000đ mà trước đây tụi em đã từng xứng đáng được hưởng. Trong khi GV các bậc học khác trưa họ còn về được với gia đình để ăn chung bữa cơm trưa. Tại địa phương em đang công tác có một số GVMN vì tính chất của công việc đi sớm về muộn nhưng chồng của họ không thông cảm cho họ, lại còn trách họ không biết lo cho công việc gia đình nên cuối cùng họ đã dẫn đến đổ vỡ.
Em nghĩ chắc các chú lãnh đạo cho rằng GVMN của tụi em đa tài lắm nào là họa sỹ, ca sỹ, vận động viên thể thao, bác sỹ...nên mới cho GVMN tụi em dạy cùng lúc âm nhạc, vẽ, thể dục, cân đo sức khỏe...trong khi các bậc học khác GV chủ nhiệm thì chỉ quản lý chung còn những môn học khác thì đã có GV bộ môn, họ có thì giờ để nghỉ ngơi, còn GVMN thì từ sáng đến chiều mắt không rời khỏi trẻ, lại còn phải quét dọn vệ sinh, lo cho trẻ ăn, lo cho trẻ ngủ...cả trăm thứ việc ở trường GVMN tụi em đều phải làm hết. Về đến nhà cũng chưa được nghỉ ngơi mà còn phải lo tới sổ sách nhiều khi tới khuya mới được ngả lưng. Đến thứ 7, chủ nhật lại phải vào trường để hội họp, để làm vệ sinh. Thử hỏi như thế thì chồng không trách sao được.
Em mong rằng các cô chú lãnh đạo Bộ GD&ĐT khi đọc được những dòng này sẽ có hướng giải quyết cho tụi em đựơc phần nào sự vất vả về thể chất lẫn tinh thần để có thể vừa đảm bảo công việc trường lại có thể làm tròn trách nhiệm với gia đình.



guest
Chuyện dài, nói hoài không có tập chốt.
Ngày gửi: 11/23/2008 10:18:45 AM


Em cũng rất vui mừng khi nghe sắp đựơc tăng lương nhưng sao chờ hoài chỉ nghe nói là công văn chưa tớ. Không biết thế nào chứ trường em ngày càng đáng ghét. Năm nay tiền khám sức khỏe cho các cô cũng bắt các cô tự trả, đồng phục cũng không phát đồ bluse cũng tự cô may...Ngày lễ 2/9, 30/4 cũng im hơi lặng tiếng không có tiền lễ gì hết. Em nghĩ lãnh đạo nên cho chúng em biết chính xác những tiền gì được lãnh như tiền lương, tiền thưởng chẳng hạn và bao nhiêu để tụi em biết được quyền lợi của mình!



guest

Luôn muốn được chia sẻ.
Ngày gửi: 11/24/2008 1:00:35 PM

Vừa qua tôi cũng được mọi người kể chuyện về những vấn đề giáo dục trong ký họp Quốc Hội vừa qua. Tôi chăm chú lắng nghe mọi người kể, tôi rất vui vì những vấn đề nổi cộm trong ngành Mầm Non đã được đưa ra bàn bạc...Tôi đã hi vọng những bức xúc đó sẽ đựơc mang ra giải quết. Tôi thầm mong rằng Bộ trường Nguyễn Thiện Nhân sẽ có những tháo gỡ mới cho ngành nhưng chốt lại chỉ là "Trong vòng 100 phút đã có 14 lượt ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chất vấn và trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên, nhiều lần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phải lưu ý Bộ trưởng GD-ĐT không nói lòng vòng mà hãy đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi". Tôi thấy buồn và có chút thất vọng! Và tôi cũng muốn hỏi vấn đề: Giáo viên tốt nghệip Cao Đẳng chính quy, tốt nghiệp Đại Học nhưng khi vào biên chế bậc lương lại được xếp vào bậc một hệ trung cấp. Tại sao lại xếp như vậy? Đây có phải là một thiệt thòi với những gì giáo viên Mầm Non đã bỏ ra không? ( cả về tinh thần và vật chất). Mong Bộ trưởng quan tâm nhiều hơn đến ngành Mầm Non nói chung và những giáo viên Mầm Non chúng tôi nói riêng.


guest
Tâm và tiền
Ngày gửi: 11/24/2008 1:40:01 PM


Vừa qua em có nghe nói việc tăng lương thì bản thân em cũng như các cô ở trường em vui mừng lắm. Nhưng mừng chưa được bao lâu thì lại nghe tin là tới tháng tư sang năm mới được lên lương 630.000đ. Em nghĩ mà buồn lắm vì khi tụi em dạy thì các cấp lãnh đạo lúc nào cũng muốn tụi em dạy làm sao cho trẻ tiếp thu hết những kiến thức mà cô truyền thụ trong khi đồng lương của GV tụi em thì cấp trên lại gặng từng chút từng chút vậy. Nhìn thấy những người làm các ngành khác họ có tháng lương 13, lễ tết thì được nào quà nào tiền nhưng giáo viên tụi em thì lễ đã không có được như các ngành khác(ở vùng quê)mà tết vừa qua lại còn bị cắt xén đi số tiền 100.000đ thưởng tết. Xin hỏi nếu đặt các chú trong trường hợp đó thì các chú sẽ nghĩ như thế nào. Em cũng biết rằng đã chọn nghề giáo viên thì lúc nào cũng phải đặt cái tâm của mình lên trên hết, nhưng nếu có tâm mà bụng của mình rỗng tuếch thì thử hỏi làm sao mà có thể dạy được.



guest

Không dám ra khỏi nhà khi tết đến.
Ngày gửi: 12/21/2008 10:21:02 PM

Tết của cô MG nghèo lắm Bộ trưởng ơi. Luong thang 12 lãnh ra đủ trả nợ, tạm ứng lương tháng 13 ra thì mua sắm gạo cơm cho 3 ngày tết, được nghỉ tết đáng lẽ có thời gian đi thăm bà con họ hàng, bạn bè, nhưng không dám đi đâu cả, không có tiền trong túi sao dám đi. Làm cả năm trời cuối cùng ăn tết cũng phải tạm ứng lương tháng 13 ,qua tết chờ lâu lắm mới có lương còn ít chục để dành mua gạo ...đầu năm ai mà đi mượn tiền( mượn cũng khg ai cho). Bộ trưởng biết giáo viên nghèo nên mới cho mượn lương tháng 13 để ăn tết, nhưng mà qua tết lấy gi mà ăn để đợi lương tháng 14. Nhưng nói như vậy cấp trên đừng có giận rồi không ứng lương tháng 13 là chết chắc. Tụi em cần lăm lắm, không nói sao nhà nước hiểu mà nói tôi sợ liên lụy cho ngành MN .........


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 “Càng yêu nghề bao nhiêu, càng yêu người bấy nhiêu”. (13/11)
 Trẻ mầm non học bằng máy tính (12/11)
 Trách nhiệm “Người đưa đò sang sông”! (10/11)
 Nhiều trường mầm non ở Hà Nội thay thực đơn sau úng ngập (8/11)
 Công bố 30 giáo viên đoạt giải thưởng Võ Trường Toản năm 2008 (7/11)
 Hệ thống trường mầm non tại TP Hồ Chí Minh: “Bói” không ra cán bộ y tế (6/11)
 Nghịch cảnh mầm non ngày mưa (5/11)
 Các trường ồ ạt tăng học phí (3/11)
 Nỗi khổ của giáo viên mầm non công lập: Khó sống với lương hợp đồng (31/10)
 Thầy giáo mầm non độc nhất tại Hà Tĩnh (30/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i