Con gái tôi hơn hai tuổi, đang tập nói. Có hôm, tôi giật mình nghe bé nói một từ xấu. Làm cách nào để dạy con nói những lời đẹp?" (Ngọc Hài, 27 tuổi, Vũng Tàu).
Trả lời:
Từ 2 đến 4 tuổi là giai đoạn trẻ hay bắt chước người lớn, không riêng gì ngôn ngữ mà cả hành động. Vì vậy, cha mẹ hoặc người lớn trong nhà nên tránh những lời nói hoặc việc làm không hay, khiến trẻ bắt chước.
|
Ảnh: Corbis. |
Thật ra, cháu bé chưa hiểu được những từ ấy là xấu mà trái lại, trẻ nhầm tưởng nói giống người lớn như vậy là hay. Tiếc rằng có một số người lớn khi nghe trẻ nói vậy lại cười, làm trẻ tưởng mình được khuyến khích. Một số người còn quan niệm rằng trẻ con chưa biết gì và họ không ngờ những thói quen ấy sẽ làm cho trẻ khó sửa sau này.
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ và người lớn cần lưu ý là ở lứa tuổi này, trẻ thường hay làm trái ngược với những gì người lớn ngăn cản (vì muốn được chú ý). Do đó, bố mẹ cần nhẹ nhàng và thường xuyên lưu ý cách nói của con để tập cho trẻ tránh những từ xấu, nói ngắn gọn, nhưng phải có chủ từ…
Hãy tập cho trẻ biết cám ơn khi được đáp ứng, cách cụ thể nhất là bố mẹ và người lớn trong nhà cũng phải biết cám ơn. Nếu trẻ đã quen chửi thề thì bố mẹ nên lờ đi, đừng bắt buộc trẻ phải bỏ ngay, thậm chí việc trừng phạt trẻ sẽ không đem lại hiệu quả mong muốn. Hãy nhẹ nhàng giải thích đó là những từ xấu, không ngoan, dần dần bé sẽ hiểu.
Đặc biệt, trong sinh hoạt hằng ngày, người lớn hãy nói những lời ngọt ngào với nhau như yêu con, thương con, dạ, vâng… để trẻ nghe mãi thành ngôn ngữ của riêng chúng.
Chuyên gia Kim Cúc, Tổng đài Kỹ năng sống
Theo Báo Đất Việt